1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghỉ hè lên phố mưu sinh

(Dân trí) - “6h sáng em bắt đầu đi bán vé số. Ngày nào cũng vậy, cứ đi vào lúc mọi người đang điểm tâm hay cà phê sáng ở các hàng quán là bán được nhất, thế nào cũng có người mua...”.

Đó là điệp khúc “chào ngày mới” của em Bùi Văn Trung (học sinh lớp 7 trường THCS Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) từ hơn 1 tuần nay, kể từ ngày đầu em theo mẹ ra Đà Nẵng bán vé số. Hè về, khi những bạn bè cùng trang lứa tạm xếp lại sách vở lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi hay các lớp học ngoại khoá, thì Trung và những em học sinh ở những miền quê nghèo như em lại bước vào một mùa mưu sinh trên khắp các ngả đường thành phố.

 

Dễ nhận thấy, cứ vào hè, những bóng dáng nhỏ nhắn, gầy gò lại rảo chân khắp các ngả đường mời khách mua vé số hay các món hàng rong. Một mùa hè mưu sinh sẽ giúp các em đỡ đần gia đình các khoản học phí và tiền sách vở chuẩn bị cho năm học mới sắp tới.

 

Một ngày bắt đầu từ 6h sáng đến hơn 7-8h tối, Trung kiếm được 50- 60 nghìn đồng với khoảng trên dưới 100 tờ vé số. Mỗi ngày chi phí tiền ăn khoản 15.000 đồng, còn bao nhiêu em gửi mẹ tiết kiệm. Cũng bằng cách này, anh chị lớn của Trung đã học hết cấp 2 rồi cấp 3. Còn em, đây là mùa hè đầu tiên tham gia lao động.
 


Nghỉ hè lên phố mưu sinh - 1

Cậu bé Trung vui vì ngày nào cũng đạt "chỉ tiêu"

 

Trung nhoẻn nụ cười hiền lành, rụt rè kể: “Em hên lắm, ngày nào cũng hoàn thành “chỉ tiêu”, lại có mẹ theo ra Đà Nẵng cùng đi bán nữa. Chứ nhiều bạn cùng chỗ ngủ qua đêm với em ở nhà đại lý vé số nhiều bữa đi cả ngày trời mà cũng chỉ đủ tiền ăn ba bữa. Buồn hiu. Ước chi cả mùa, ngày nào em cũng đủ “chỉ tiêu” như mấy ngày đầu tiên đi bán vậy, vào năm học mới đủ tiền đi học. Ở nhà em còn em bé Út năm ni chuẩn bị vào lớp 1 nữa”.

 

Còn em Nguyễn Thị Lài, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam, năm nay chuẩn bị vào lớp 12 thì đã có “thâm niên” 4 mùa hè lên thành phố giúp việc nhà cho cô chú đồng hương. Nhà Lài giúp việc gần nhà tôi, nên cứ đến hè là tôi lại gặp em. “Nhà cô chủ kinh doanh nước giải khát, nên cứ vào hè là bận bịu công việc buôn bán nhiều, lại gọi em lên giúp. Công việc này nhờ một người quen ở quê giới thiệu. Mỗi tháng giúp việc nhà em kiếm được 600.000 đồng, bữa ăn chỗ ở nhà chủ lo. Đến hết hè, về chuẩn bị vô năm học, em mới lãnh lương một lần.

 

Năm nay lên 12 rồi, cần nhiều tiền học hơn mọi năm nên bế giảng xong là em lên đây luôn cho tròn 3 tháng lương. Nói thiệt sức học của em không giỏi lắm nên em chỉ mong học hết lớp 12 rồi học trung cấp nghề, ra kiếm cái việc ổn định, đàng hoàng phụ ba mẹ. Công việc ở đây còn ít hơn việc nhà em làm dưới quê nữa lại có tiền dành dụm lo tiền trường. Nhưng đến hè, không bận việc học, em mới đi làm. Có mấy đứa bạn em ngoài quê, tới hè lại lên phố gánh bán thuê hàng rong cho người ta. Dãi nắng cả ngày, mà bữa được bữa ế...”.
 
Nghỉ hè lên phố mưu sinh - 2
Trẻ nghèo góp nhặt niềm vui nghỉ hè bằng những ngày bươn bả mưu sinh.

 

Dễ nhận ra những em học trò nghèo trong những bóng dáng nhỏ nhắn, gầy gò bươn bả mưu sinh hàng ngày trên phố mỗi độ hè về là sự hiền lành, cử chỉ, lời ăn tiếng nói lễ phép, lễ độ. Các em không nằn nì, chèo kéo khách, chỉ mời qua một lượt. Khách mua hộ các em tờ vé số hay món hàng rong nào đó đều được nhận lại hai tiếng “cảm ơn” với nụ cười ánh nét mừng vui.

 

Hạnh phúc mùa hè của các em chỉ có vậy, không phải là một chuyến du lịch lý thú, không phải là biết thêm một môn thể thao hay kỹ năng nào đó... mà là những khoản tích luỹ dành dụm được để đôi vai ba mẹ đỡ gánh nặng học phí, sách vở…

 

Điều ước mỗi hè về không còn nhìn thấy những em học trò nghèo phải tất tả mưu sinh quaá xa vời. Chỉ mong suốt mùa hè, mỗi ngày mưu sinh của các em là một ngày vui, mỗi tối trở về nhà có thể tự hào gửi bố mẹ khoản tiền mà các em đã kiếm được bằng chính mồ hôi công sức của mình.

 

Khánh Hiền