Nghề “thanh tra” bằng tai!

Khi Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ra đời vào năm 1945, thì nghề này cũng đồng thời được khai sinh. Thế nhưng lúc đó chưa gọi công việc này là một “nghề” như bây giờ, mặc dù vẫn mang những đặc thù vốn có ban đầu của nó…

…Đó là nghề mà chỉ “nhà đài” mới có: Nghề kiểm thính, qua lăng kính của một trong những người yêu nghề bậc nhất trong số những người yêu nghề mà rất nhiều đồng nghiệp làm việc tại đây đã chia sẻ với tôi.

“Bọn tớ “đầu têu” ra nghề này!”

Người mà tôi muốn nhắc đến và cũng là “linh hồn” của bài viết này, chính là ông Trần Đức Nuôi - nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập của VOV, người gần như dành trọn cả cuộc đời cho nghề báo nói. Ông Trần Đức Nuôi đồng thời cũng là người nối tiếp nghề kiểm thính tại VOV. Nói là dành trọn cả đời kể không sai chút nào, bởi vì bây giờ, khi đã về hưu gần 10 năm, ông vẫn giữ nguyên ngọn lửa với nghề khi trở thành một trong những kiểm thính viên đắc lực trong đội ngũ CTV kiểm thính của VOV hiện tại.

Bằng chất giọng hài hước và vẫn nguyên âm hưởng miền Trung quê mình, ông chia sẻ: Khi VOV thành lập vào năm 1945 thì công việc kiểm thính đồng thời ra đời, nhưng chỉ đơn thuần là lãnh đạo nghe chương trình để kịp thời rút kinh nghiệm. Khi báo phát thanh dần phát triển thì kiểm thính mới trở thành công việc chuyên sâu hơn!”.

Thời điểm mà ông Trần Đức Nuôi cùng đồng nghiệp thực sự chú tâm hơn đến công việc kiểm thính, là khoảng 1988, bộ phận kiểm thính hoạt động với tư cách độc lập, thuộc phòng Tổng hợp của Ban Thư ký biên tập. Đó là những năm mà trong ký ức của nhà báo kỳ cựu này là thời của những “thính giả vàng”, khi mà phát thanh đang ở trong giai đoạn phát triển nhất, có lượng thính giả rất lớn.

Công việc kiểm thính, theo đó không đơn thuần dừng lại ở việc điểm tin, mà còn phải kiểm định cả chất lượng thông tin, đường hướng tuyên truyền, kỹ thuật đưa tin... mà ông nói nôm na là “nhặt sạn”, nhằm nâng cao hơn chất lượng chương trình. Đội ngũ kiểm thính của VOV dần trở nên quá tải khi khối lượng công việc ngày càng dày lên, yêu cầu công việc cao hơn. Và đến 1990, ông Trần Đức Nuôi tích cực cùng đồng nghiệp xây dựng hẳn một đội ngũ CTV hùng hậu, mở rộng ra ngoài ngành phát thanh, bao phủ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu.

“Đây là công việc không hề dễ dàng, nên mất khá nhiều thời gian để xây dựng đội ngũ này, bởi không chỉ có kiến thức về nghề, mà còn từng lĩnh vực chuyên môn cũng cần phải có hiểu biết và trình độ nhất định” - ông Trần Đức Nuôi chia sẻ. Bởi vậy, ngoài những nhà báo hưu trí, những kiểm thính viên này còn là chuyên gia nhiều ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhạc sĩ, nhà văn.... Cứ như thế, đội ngũ này ngày càng đông đảo và vững chắc.
Nghề “thanh tra” bằng tai!

Mỗi người phụ trách một chuyên mục. Họ nghe, rồi thẩm định chất lượng thông tin, cách thức đưa thông tin, mức độ đưa thông tin so với các phương tiện khác. Sau mỗi ngày, những kiểm thính viên đều có báo cáo gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam để Ban Thư ký tổng hợp, giúp sức với lãnh đạo đài nâng cao chất lượng chương trình. Trong một lần họp tổng kết rút kinh nghiệm có cộng tác viên vừa là đồng niên, đồng môn với ông Nuôi thẳng thắn: “Có nhiều cái sai, nói mãi mà không thấy nhà đài sửa. Đã “đề cập” còn “đến”, không phân biệt giữa “điểm yếu” và “yếu điểm”. Không biết ai “đầu têu” ra cái nghề này mà phức tạp thế”? Ông Trưởng ban Thư ký cười lành: “Chúng tớ đấy”.

Nghe đài bằng... nhiều phương tiện!

Câu chuyện làm kiểm thính ngày xưa so với bây giờ, theo ông Trần Đức Nuôi là cả một sự khác biệt lớn, tất cả nhờ vào sự thay đổi của công nghệ thông tin. “Bản tin ngày xưa (thời chống Pháp) là phát thẳng, truyền tin trực tiếp nên chỉ nghe một lần rồi thôi, khó có cơ hội được nghe lần thứ hai để nhặt “sạn”, vì thế nhiều khi cứ phải căng tai lên nghe và phải nghe vào đúng thời điểm mà chương trình phát sóng, nghe kỹ thì mới bắt được lỗi, vất vả vô cùng! Thế nhưng, công việc này bây giờ dễ dàng hơn nhiều”.

Sự dễ dàng đó được hỗ trợ bởi nhiều phương tiện nghe đài khác nhau, giúp ông thao tác công việc nhanh hơn mọi lúc mọi nơi: Hai chiếc radio, trong đó có một chiếc to đặt ở bếp (nghe lúc ăn trưa), chiếc khác đặt trang trọng ở bàn làm việc để nghe khi làm việc. Lúc tập thể dục sáng, ông sẽ nghe chương trình qua headphone của... điện thoại di động, một chiếc máy vi tính giúp ông nghe lại chương trình bất cứ lúc nào, và cuối cùng là thêm một chiếc radio mini đặt ở đầu giường để nghe các chương trình trước khi đi ngủ.

Việc nghe đài trở thành thói quen thường nhật, đến nỗi hôm nào không có điều kiện để nghe, nhất là bản tin thời sự, thì ông lại cảm thấy đứng ngồi không yên. “Nghề nó ngấm vào máu, cho đến bây giờ vẫn thế, tôi kiểm thính các chương trình thời sự và vẫn luôn là kiểm thính viên “nói nhiều” nhất ở đài hiện nay. Thế nhưng, những góp ý của mình được lắng nghe, được điều chỉnh để hôm sau bản tin trở nên hay hơn, “mượt” hơn, thì mới cảm thấy yên tâm để tiếp tục công việc” - ông Trần Đức Nuôi tự “nhận”.

Trong số hàng trăm chương trình khác nhau lên sóng thì kiểm thính viên của các bản tin thời sự vẫn là đội ngũ “xương sống”, cũng là huy động số lượng CTV nhiều nhất, đòi hỏi kiểm thính đối với chương trình thời sự khá khắt khe, như phải có tầm nhìn chính trị để nhận định thông tin có chính xác không, có nhanh không, những thông tin nào nhạy cảm hay “điệu” tuyên truyền như thế nào... Ông Nuôi kể, đợt thông tin thời sự về Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép sâu trong thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông là thời điểm khá căng thẳng. Đội ngũ kiểm thính viên được huy động tối đa và bàn luận để đưa ra những báo cáo chính xác nhất đến lãnh đạo đài. “Tất cả chỉ với mong muốn nâng cao chất lượng thông tin trên sóng phát thanh, cứ mỗi ngày khi được nghe bản tin có sự thay đổi tích cực về mọi phương diện, đó là niềm vui thầm lặng mà tất cả anh em kiểm thính dù không nói ra nhưng tôi chắc chắn rằng ai cũng cảm nhận hiện hữu rõ trong lòng!” - ông Trần Đức Nuôi tâm sự.

Những “thanh tra” đặc biệt

Đội ngũ kiểm thính viên, được ông Trần Đức Nuôi và nhiều đồng nghiệp gọi vui với nhau là nghề “thanh tra” bằng tai. Ngoài ông, tôi còn may mắn được gặp nhiều kiểm thính viên đặc biệt khác. Họ có chung đặc điểm: Tuổi đã ở độ lên chức ông, chức bà rồi, nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung và phóng khoáng vô cùng! Nói về nghề, nhạc sĩ Cát Vận - phụ trách kiểm thính các chương trình Âm nhạc của đài, tếu táo: “Gọi chúng tôi là kiểm thính viên nghe cứ lạ lẫm quá, chỉ cần gọi là hội những người yêu đài thôi! Anh Nuôi thì thường nghe chính trị, còn tôi thì nghe... chính em! Chúng tôi cũng nghe đài theo cách riêng của mình: Thính giả bình thường thì chương trình không hay họ sẽ tắt, còn chúng tôi chương trình càng không hay lại càng phải nghe kỹ!”.

Không chỉ nhà báo, chuyên gia, dược sĩ, nhạc sĩ... những kiểm thính viên là CTV của VOV còn có cả người các dân tộc thiểu số (kiểm thính hệ dân tộc), thậm chí cả nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng trước đây - ông Nguyễn Chân (86 tuổi). Dược sĩ Nguyễn Thu (82 tuổi) gắn bó với nghề từ năm 1990 đến nay. Suốt 25 năm, ông chuyên kiểm thính chương trình tiếng Pháp của đài, góp phần giúp chương trình loại bỏ được nhiều “sạn”.

Cho đến bây giờ, ông vẫn duy trì công việc kiểm thính chương trình tiếng Pháp của mình, và sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến lúc nào không đủ sức để làm nữa. “Chúng tôi là những trái tim yêu đài! Làm nghề này, phải thật sự yêu công việc thì mới duy trì được sự nhiệt tâm với chương trình. Làm qua loa cũng xong, thế nhưng, chương trình có thật sự hay hơn lên không, chất lượng tốt hơn không, thì chỉ có những người yêu nghề, yêu đài mới làm được!” - ông Thu chia sẻ.

Nhắc đến chiếc radio, giữa những laptop, smartphone, smartTV... có lẽ có phần lạc lõng, thậm chí là lạc hậu. Khi mà thời “thính giả vàng” đã đi qua từ lâu, nhường chỗ cho những phương tiện thông tin khác nhanh nhạy và hiện đại hơn, thì nghề kiểm thính cũng phải chịu nhiều thăng trầm. Thế nhưng, những kiểm thính viên mà tôi gặp, như ông Nuôi, ông Thu, ông Cát Vận... và có lẽ là nhiều kiểm thính viên khác nữa mà tôi chưa có dịp được gặp, thì trái tim yêu đài trong họ vẫn vẹn nguyên. Vẫn đều đặn nghe đài mỗi ngày, tích cực báo cáo, nhặt “sạn”.

Mỗi tháng, họ lại rủ nhau lên chơi một chuyến ở đài để vừa lĩnh thù lao, vừa lấy cớ rủ nhau đi uống đôi cốc bia và say sưa trò chuyện về nghề. Ông Trần Đức Nuôi bộc bạch: “Chỉ mong các đồng nghiệp giữ mãi ngọn lửa nghề, làm cho đến lúc nào không còn sức để làm nữa, để sóng phát thanh luôn có nhiều chương trình chất lượng. Thế là đã làm trọn công việc “thanh tra” bằng tai của mình rồi!”.

Theo Dương Hà

Lao Động