Hà Tĩnh:

Ngày mới ở bản Rào Tre

(Dân trí) - Những ngôi nhà kiên cố, những mối tình xuyên biên giới, những mô hình sản xuất dần hình thành… là những điều khó ai có thể hình dung đối với đồng bào người Chứt ở bản Rào Tre - nhóm người quen với cuộc sống trong hang núi sâu thẳm, săn bắt hái lượm.

Có được kết quả ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh Hà Tĩnh suốt gần 30 năm qua.

Từ cuộc sống trong hang núi

Ngày mới ở bản Rào Tre - 1

Người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã biết tới dịch vụ y tế, bãi bỏ những hủ tục

Người Chứt (có nhóm mang tên khác: người Sách, người Rục, người Arem...) là những nhóm người sống chủ yếu trong hang đá, duy trì cuộc sống bằng săn bắt, hái lượm.

Cách đây hơn 60 năm (1958), người dân huyện Hương Khê thấy một số “người lạ” nói tiếng Kinh không sõi, xuống chợ đổi chim, thú săn bắt được lấy gạo, muối, dao,...

Lần theo dấu vết, người Chứt được tìm thấy ở các hang động phía tây tỉnh Quảng Bình. Từ những năm đó cũng đã có nhiều cố gắng đưa người Chứt về định cư nhưng vì nhiều khó khăn và như đã bị quên lãng.

Đến năm 1991, khi Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuần tra biên giới đã phát hiện một nhóm chừng 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn ở biên giới Việt Nam - Lào.

Sau đó, nhóm người này được đưa về cư ngụ tại bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Thế nhưng, người Chứt vẫn không thể quen với cuộc sống mới định cư. Họ lại chạy trốn vào rừng sinh sống.

“Các cán bộ chiến sĩ biên phòng cùng các ngành lại phải vào rừng để đưa họ ra. Phải mất khá nhiều thời gian, thuyết phục, họ mới chịu định cư”, Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giang (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết.

Thế nhưng, theo những cán bộ biên phòng tại Tổ cắm bản Rào Tre chia sẻ, thì người Chứt rất lười, thậm chí là không biết lao động. Đó là cái khó nhất để đưa họ về với cuộc sống mới.

Cũng chính những người cán bộ biên phòng ngày đêm cắm bản, cầm tay chỉ từng công việc từ dựng nhà, khai hoang, trồng lúa, sinh hoạt theo nếp mới để giúp người Chứt từng bước thích nghi với cuộc sống mới.

Đến cuộc sống mới

Ngày mới ở bản Rào Tre - 2

Người Chứt đã biết trồng rau và hăng say lao động hơn

Đến nay đã gần 30 năm, cuộc sống của người Chứt nơi đây đã có những thay đổi, tiến bộ đáng mừng.

Những ngày đầu xuân, đến bản Rào Tre, ngay từ xa, chúng tôi đã thấy những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, khang trang, sạch đẹp.

Vào tháng 8/2017, 6 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất bản. Tiếp đến tháng 4/2018, thực hiện Đề án 2571 của UBND tỉnh, 11/41 hộ gia đình được di dời lên khu tái định cư cách bản cũ gần 3km.

Gia đình chị Hồ Thị Xanh là một trong số 11 hộ dân được về nơi ở mới với căn nhà khang trang, sạch đẹp.

Ngày mới ở bản Rào Tre - 3

và xuất hiện những vườn cam xanh ngút ngàn tại bản

“Trước đây nhà bằng gỗ, phên nứa, giờ có nhà xây sạch đẹp để ở bà con rất phấn khởi. Cái ăn cũng không còn lo như trước nữa”, chị Xanh vui vẻ nói.

Đặc biệt, những hủ tục, phong tục lạc hậu như chữa bệnh bằng thầy cúng, sinh nở thì phải vào rừng sâu cũng đã được người Chứt bãi bỏ.

“Giờ mỗi lần ốm đau là họ biết tìm đến trạm y tế của biên phòng. Hay sinh con thì trước đây họ phải vào rừng sâu nên có những bà mẹ mất đến 3, 4 người con. Giờ thì họ sinh con ngay tại bản luôn. Đó là điều rất đáng mừng”, Trung tá Dương Thanh Tịnh cho biết.

Thế nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất, của những người làm công tác cắm bản, cũng như chính quyền các cấp đó là tại bản Rào Tre đã có những mối tình vượt biên.

Có thời điểm, người Chứt ở bản Rào Tre đứng trước nguy cơ bị suy thoái, xóa sổ bởi nạn hôn nhân cận huyết thống.

Ngày mới ở bản Rào Tre - 4

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giang phấn khởi trước những đổi thay tại bản Rào Tre

Cần mẫn, không quản gian khổ, suốt nhiều năm qua, nhờ công tác tuyên truyền, những “ông tơ” là các cán bộ biên phòng ngày đêm se duyên, thì những chàng trai, cô gái người Chứt đã có những mối tình vượt biên giới được đơm hoa kết trái.

“Đến nay đã có 8 mối tình vượt biên đơm hoa kết trái. Các cặp vợ chồng đều đã có con và đang sinh sống tại bản”, Tổ trưởng tổ cắm bản Rào Tre vui mừng cho biết.

“Sắp tới, tôi đang nghĩ cách để đưa thanh niên người Chứt đi làm việc ở các nơi, việc gì cũng được miễn là để các em có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu”, vị này chia sẻ thêm.

Một điều đáng mừng nữa là những đứa trẻ nơi đây đều được đến trường. Nhờ đó, mà dân trí ở các thế hệ trẻ được nâng lên một cách rõ rệt.

Nhiều “mô hình kinh tế” xuất hiện, giúp người Chứt hăng say lao động hơn, như ông Hồ Pác đã biết chăn nuôi. Hiện trong nhà ông đã con bò và hàng chục con gà. Hay khu vườn với hàng chục cây bưởi xanh mướt của chị Hồ Thị Xanh.

Ngày mới ở bản Rào Tre - 5

Những ngôi nhà kiên cố, khang trang

Với người Chứt vốn sống theo bản năng, nguyên thủy thì những thay đổi ấy thực sự là cả một chặng đường không biết ngừng nghỉ của các cấp chính quyền Hà Tĩnh.

Ngày mới ở bản Rào Tre - 6
Ngày mới ở bản Rào Tre - 7

Người dân nhận thịt từ cán bộ biên phòng để về ăn tết

Mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ gia đình tại bản Rào Tre có kinh tế vườn hộ, bình quân mỗi hộ có 1 - 2ha đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh, có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; dân bản tự tổ chức sản xuất và tự túc được lương thực.

Xuân Sinh