Nàng dâu 21 năm vui vẻ nuôi cả gia đình ngớ ngẩn của chồng

Suốt mấy chục năm qua, chị Nguyễn Thị An (xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Nghệ An) một mình làm đủ trăm công ngàn việc để kiếm tiến chăm sóc chồng và ba người anh em khác bị ngớ ngẩn.

 

21 năm nay chị An (ngồi ghế ngoài cùng bên trái) âm thầm chăm sóc cho đại gia đình ngớ ngẩn.

21 năm nay chị An (ngồi ghế ngoài cùng bên trái) âm thầm chăm sóc cho đại gia đình ngớ ngẩn.

 

Tấm lòng thương người và hiếu thảo của chị chẳng kém mấy so với nàng Thoại Khanh trong tích cổ ngày xưa.

 

Tấm lòng trăm người có một

 

Về tới đầu làng xã Hùng Tiến, tôi hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị An, một cụ bà đang bán quán nhỏ ven đường hỏi lại: “Cái nhà chị An, có chồng và những người thân trong gia đình đều bị tàn tật, ngớ ngẩn phải không? Cứ đi thẳng đến cuối đường, thấy nhà hai gian, mái ngói nằm sát cánh đồng lúa là nhà chị An đấy”. Đi tiếp, tôi gặp một ông lão đạp xe cùng chiều, biết tôi tìm nhà chị An, ông lão nhiệt tình: “Bác cũng đi cùng đường, cháu đi theo, bác dẫn đến nhà chị An. Chắc giờ cả gia đình họ đang ở nhà”. Trên đường đi tôi hỏi gia cảnh nhà chị An, ông cụ trầm xuống: “Có lẽ chẳng còn hoàn cảnh nào khổ hơn nhà chị đó, 4 người trong gia đình nhà chồng đều bị bệnh bẩm sinh, chị An lại hay đau ốm nhưng vẫn làm lụng chăm sóc họ cho đáo từ ăn uống cho đến vệ sinh. Hiếm có người nào trên đời có tấm lòng như chị ấy. Trăm người thì có lẽ đến 99 người đã bỏ đi từ lâu rồi”.

 

Tôi vừa kịp dựng chiếc xe vào góc sân nhỏ đã giật mình nghe tiếng cười khóc ré lên một cách ma quái của ai đó phát ra từ căn nhà nhỏ của chị An. Hướng mắt ra nơi có tiếng khóc, tôi thấy 4 người (3 nam, 1 nữ) đang ngồi nép vào góc tường nhà, trên tay mỗi người bê một bát tô nhựa cơm. Thoáng nhìn, tôi thấy trong những bát tô đó chỉ có cơm trắng chan nước mắm và mấy cọng rau muống luộc. Chị An vội vàng giải thích, do chị vừa rời mắt một chút khi ra đón tôi, chồng và mấy anh em của chồng đã tranh giành phần ăn nên  mới đánh nhau, rồi khóc lóc như vậy. Thấy tôi đi vào, những ánh mắt vô hồn ngước lên nhìn, còn miệng thì ở nụ cười ngô nghê. “Người thấp nhất là chồng tôi đấy, năm nay anh ấy đã 53 tuổi rồi. Còn đây là bác Đức, bác Thực và chú Hậu là anh em ruột của chồng tôi”, vừa nói chị vừa đưa tay chỉ vào từng người để giới thiệu. Khi nghe chị An nhắc đến tên mình những những con người này bẽn lẽn cười rồi lại tiếp tục ăn.

 

Tôi đảo mắt nhìn quanh, căn nhà của họ chỉ có hai gian trong đó có một gian tạm sạch sẽ hơn chính là nơi tôi đang ngồi. Tuy nhiên nhìn khắp hai gian nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ kĩ được tận dụng vừa để làm ghế ngồi. Cạnh chiếc giường là chiếc bàn xiêu vẹo và chiếc tủ chè có cửa kính mà nhìn qua tôi đoán tuổi đời của nó ít nhất cũng nhiều hơn tuổi của đứa con trai học đang học lớp 11 của chị. Rót nước mời tôi, chị An kể chuyện nhân duyên về làm dâu và gắn bó với gia đình đặc biệt này.

 

Chấp nhận mọi gian khổ chỉ vì hai chữ “nghĩa tình”

 

Chị Nguyễn Thị An sinh năm 1965, tại xóm 3, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An trong một gia đình đông anh chị em. Như đám bạn đồng trang lứa, tuổi thơ của chị êm đềm bên những dòng sông và cánh đồng lúa xanh ngắt. Đến tuổi cặp kê, cô gái An được bao chàng trai săn đón nhưng vì thương bố mẹ vất vả, lam lũ với công việc đồng áng chị chưa đồng ý mối nào. Dù vậy chị không lấy thế làm buồn mà càng sống vui vẻ, được hàng xóm quý mến. Bước qua tuổi 27, thấy chị vẫn giường đơn gối chiếc, ở quê thời điểm đó cũng xem như “quá lứa lỡ thì” nên anh em họ hàng liền tìm cách mai mối cho chị một tấm chồng. Duyên số rui rủi, chị được người chị họ mai mối cho người đàn ông đứng tuổi ở xã Hùng Tiến tên là Nguyễn Công Hiền (SN 1959).

 

Mặc dù biết những người thân trong gia đình này và chính người yêu của mình bị tàn tật bẩm sinh, không làm được việc gì nhưng người con gái ấy vẫn quyết định chọn anh làm chồng trước sự can ngăn của nhiều người. Năm 1992, một đám cưới đặc biệt được diễn ra tại xóm nghèo. Đám cưới không có xe hoa lộng lẫy mà cũng chẳng có pháo nổ rền vang như những đám cưới khác thời đó. Cô dâu được rước về nhà chồng bằng một chiếc xe đạp cà tàng, tiếng vỗ tay chúc mừng của quan viên hai họ thay cho pháo nổ. “Dù thiếu thốn về vật chất, nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm, vì đó là ngày tôi đã có được một nửa đời mình”, chị An bồi hồi nhớ lại.

 

Biết gia đình nhà chồng nghèo khổ và đã chấp nhận nhưng khi về làm dâu chị An cũng không ngờ tình cảnh lại bi đát đến vậy. Ngày chị về làm dâu, trong nhà không có gì đáng giá, đến cái kiềng sắt dùng để đặt nồi nấu ăn trong bếp cũng gần gãy. Dù hơi hụt hẫng nhưng khi nhìn bố mẹ chồng ốm nặng nằm liệt trên giường, những người anh em của chồng trí não ngớ ngẩn không tự chăm sóc nổi cho mình chị lại thấy thương cảm muốn lo cho họ khỏi cảnh cơ cực. Chị thầm nghĩ đã chấp nhận về làm dâu thì bố mẹ chồng cũng coi như bố mẹ mình, anh em của chồng dù ngớ ngẩn cũng phải chăm sóc như anh em ruột thịt của mình. Kể từ đó chị quyết tâm ở lại lo lắng cho những người khốn khổ trong gia đình nhà chồng không một lời oán than hay hối hận.

 

“Một vai gánh cả giang sơn nhà chồng”

 

Để có đủ gạo nuôi đại gia đình tàn tật, hàng ngày, chị quần quật ngoài đồng, làm đủ việc từ cày bừa, gieo cấy cho đến thu hoạch. Tôi hỏi, hiện gia đình mình được bao nhiêu sào lúa, chị cười hiền rồi nói: “Gần được một mẫu lúa, hiện đang ngậm sữa chuẩn bị trổ bông”. Tôi hỏi sức khỏe đâu mà làm nhiều vậy, chị An liền nói: “Can chi (việc gì đâu- PV), mình làm ngày không được thì làm đêm, miễn sao đủ gạo để nuôi chồng con và gia đình là được”.

 

Người phụ nữ này cho biết: Về nhà làm dâu tại gia đình này, chị bị ám ảnh nhất là hình ảnh chồng tranh giành phần ăn với anh chị em trong mỗi bữa ăn. Do vậy, dù có bận việc tới đâu, chị cũng phải tranh thủ về nhà nấu ăn cho gia đình, rồi chia phần cho từng người, nhiều lúc phải đút từng thìa cơm cho họ. 21 năm nay, hàng ngày chị nấu cơm, xới ra bát đưa cho từng người một. Khi mua được chút cá phải gỡ hết xương cho các anh, chị, em, nếu không họ mắc xương. Không những vậy, chị phải tắm rửa cho từng người, giặt giũ cả đống quần áo cáu bẩn của tất cả mọi người trong gia đình.

 

Nhớ lại những ngày tháng khổ cực của gia đình khi mới về làm dâu, người phụ nữ này tâm sự. “Một lần nhà có đám giỗ, làm cỗ xong xuôi, mời xa, mời gần chẳng ai đến, hỏi thì người ta bảo nhà khai thối thế, ngồi ăn làm sao được. Một số người thẳng toẹt nếu không “cách ly” những người bị tật thì chẳng ai dám đến nhà. Nhưng đó là gia đình, là người nhà của tôi thì làm sao tôi làm được việc đó”, chị An vừa kể, vừa lén chùi nước mắt. Thế nhưng, từ khi có bàn tay của chị chăm chút căn nhà sạch sẽ hơn, nhiều người thường qua lại thăm nom, hỏi han.

 

Chị An thật thà cho biết, hiện nay 4 người ngớ ngẩn trong gia đình chị mỗi tháng nhận được tổng cộng 720 nghìn đồng. Nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ để chị mua thuốc mỗi khi ai lên cơn đau. Do vậy, cuộc sống của đại gia đình đều trông nhờ vào bàn tay của chị. Ông Nguyễn Văn Long, trưởng xóm cho biết: "Gia cảnh chị An đúng là rất vất vả, không có vật chất hỗ trợ gia đình chị nhưng tôi luôn động viên, thăm hỏi. Thường ngày cày, bừa, cấy hái đã mệt, đến mùa ngô, mùa lạc, chị làm quần quật đến 1h sáng mới ăn cơm tối, mai lại dậy sớm lo cơm nước cho mọi người. Không biết rồi đây, khi tuổi đã xế chiều, chị An lấy sức đâu mà lo cho mấy miệng ăn, tiền cho con đi học thành đạt như mong ước của nó".

 

Được biết, người chị cả của anh Hiền cũng ở cùng nhưng nay đã 73 tuổi nên không đỡ đần được nhiều cho chị An. Hàng chục năm qua, chị tự tay chăm chồng và những người anh em bị khuyết tật khác: ngày thì bón cơm, chùi rửa… đêm thì đánh vật với công việc gia đình. Đặt lưng xuống giường, chị vẫn chưa hết trằn trọc bởi tiếng ho hắng của chồng, tiếng khóc ti tỉ khi trời trở gió của bác Đức, bác Thực, chú Hậu. Chợp mắt đã đến sáng, chị lại quay cuồng với một núi công việc và vô vàn điều phải lo lắng. Hiện sức khỏe chị An không còn như trước, bệnh cao huyết áp, hiện tượng mờ mắt… đang gặm nhấm dần sức lực của chị, nhưng để duy trì cuộc sống gia đình, chị An vẫn không thể một ngày nghỉ ngơi.

 

Đại gia đình bất hạnh

  

Bà Nguyễn Thị Vân (chị cả anh Nguyễn Công Hiền) cho hay: Bố mẹ bà Vân sinh được 8 người con nhưng 4 người đã bị dị tật bẩm sinh gồm Nguyễn Công Đức (SN 1953), Nguyễn Thị Thực (SN 1955), Nguyễn Công Hiền (SN 1959) và Nguyễn Văn Hậu (SN 1961). Trong 4 người không bị dị tật thì hai người mất sớm vì bệnh tật nên đến thời điểm hiện tại chỉ có bà Vân và đứa em út là khỏe mạnh. Thế nhưng, bà Vân cũng không lập gia đình, năm nay đã 73 tuổi và đang sống cùng với các em ruột và em dâu của mình. Còn người em út kể từ khi lấy chồng xa cũng biệt tích thông tin.

 

Theo Kim Long
 Gia đình & Xã hội