TPHCM:

Nạn xe “dù”, bến “cóc”: Lúng túng trong việc xử phạt (!?)

(Dân trí) - Trong khi bến xe ngày càng teo tóp thì xe chạy theo dạng du lịch lữ hành, hợp đồng... ngày càng đông. Các nhà xe đổ dồn vào khu trung tâm rước khách gây mất trật an toàn giao thông. Còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong việc xử phạt…

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GTVT TP với doanh nghiệp vận tải hành khách, ông Vũ Việt Hà – Phó Chánh Thanh trao giao thông TPHCM cho biết, một năm qua, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 2.100 vụ vi phạm (phạt hơn 4.4 tỷ đồng) quy định vận tải hành khách đối với xe du lịch, xe hợp đồng, xe chạy tuyến cố định. Tính riêng 2 tháng gần nhất, đã có gần 1.300 vụ vi phạm (phạt hơn 2,2 tỷ đồng).

Theo ông Hà, các lỗi vi phạm phổ biển là dừng, đỗ không đúng nơi quy định, đón, trả khách không đúng nơi quy định, xe chạy tuyến cố định chạy không đúng tuyến, lịch trình, xe chở khách nhưng không có phù hiệu…

Thanh tra giao thông TPHCM xử phạt xe dừng đón, trả khách trên đường cấm (ảnh Đình Thảo)
Thanh tra giao thông TPHCM xử phạt xe dừng đón, trả khách trên đường cấm (ảnh Đình Thảo)

Theo Thanh tra giao thông TP, một trong những vướng mắc gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử phạt là xe sử dụng phù hiệu xe hợp đồng nhưng thực chất là chạy tuyến cố định. Khi lực lượng kiểm tra thì khó bắt lỗi nhà xe nếu họ có phù hiệu và trình được danh sách hành khách… Đó là chưa kể xe chạy tuyến cố định được phép cấp thêm phù hiệu chạy hợp đồng, trường hợp này cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử phạt…

Ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP cho rằng, tình trạng xe hợp đồng chạy tuyến cố định đã diễn ra hàng chục năm nay và ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo ông, các văn bản quy định pháp luật hiện nay có đủ cơ sở để xử phạt, có chăng là có chút khó khăn giữa việc phân biệt xe du lịch và xe hợp đồng.

“Xe chạy tuyến cố định ra vào bến là đi theo lộ trình nhất định chứ không đi lung tung. Một xe vào bến xe miền Tây mà qua bùng binh Phú Lâm rồi lên đường Trần Phú thì chỉ có thể là chạy dù đón khách chứ không có chuyện gì khác. Kiểm tra xử phạt những xe này không có gì khó”, ông Tính nói.

Cũng theo ông Tính, việc phân biệt giữa xe du lịch và xe chạy hợp đồng cũng có tới 3 – 4 dấu hiệu nhận biết. Chính vì thế, cũng không có gì khó khăn trong quá trình kiểm tra. “Việc phân biệt các loại hình vận tải khá rõ ràng thì thừa khả năng kiểm tra, xử phạt. Khó như Grab, Uber mà còn xử phạt thì xe hợp đồng với Thanh tra giao thông thành phố không có nghĩa lý gì hết”, ông Tính nhấn mạnh.

Bổ sung ý kiến của ông Tính, ông Thượng Thanh Hải – Phó Giám đốc bến xe miền Đông nói: “Không có chuyện xe hợp đồng mà lại cả tháng, cả năm lại đón, đỗ khách tại một điểm. Điều này là không hợp lý. Chỉ có hợp đồng đưa đón công nhân, học sinh thì mới như thế. Tôi đề nghị nên đưa vào Nghị định việc quy định các xe chạy hợp đồng không được đón khách tại văn phòng, điểm bán vé và cũng không đón, trả khách tại một vị trí nhiều lần trong tháng. Như thế mới có cơ sở xử phạt”.

Hơn 1.000 xe khách đã bỏ bến xe miền Đông ra ngoài hoạt động (ảnh Quốc Anh)
Hơn 1.000 xe khách đã bỏ bến xe miền Đông ra ngoài hoạt động (ảnh Quốc Anh)

Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến cố định có văn phòng tại tuyến đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) kiến nghị Sở GTVT TP giải quyết một số khó khăn cho doanh nghiệp sau khi có lệnh cấm dừng, đậu xe trên 9 chỗ ngồi tại tuyến đường này.

Hầu hết các doanh nghiệp này đều chạy tuyến TPHCM – Vũng Tàu. Thời gian qua, các đơn vị này không đón khách tại bến mà đón tại nhà xe, gây ùn tắc giao thông khu vực trung tâm. Sau lệnh cấm, các nhà xe này sử dụng xe trung chuyển ra khu vực quận 2 tập trung khách.

Phía doanh nghiệp kiến nghị Sở GTVT TP nhanh chóng công bố các điểm dừng, trả khách bên ngoài thành phố đối với các xe chạy tuyến cố định theo quy định của Bộ GTVT. Ngoài ra, để thuận lợi cho việc đi lại của hành khách, doanh nghiệp cũng kiến nghị TP cho phép cho doanh nghiệp lập trạm dừng, đỗ khách (và bán vé bổ sung) tại đường Võ Văn Kiệt hoặc Mai Chí Thọ để phục vụ tuyến Bến xe miền Tây – Vũng Tàu.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chạy du lịch, hợp đồng cũng đề nghị Thành phố mở thêm bến bãi để hỗ trợ hoạt động phục vụ hành khách.

Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Minh – Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, Sở đã nghiên cứu, rà soát và sẽ sớm công bố các điểm đón, trả khách bên ngoài thành phố đối với xe chạy tuyến cố định. Còn việc cho doanh nghiệp lập trạm trên đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt thì Sở cũng đang băn khoăn vì còn xem xét đến việc giao cắt với tuyến BRT (xe buýt nhanh trên tuyến này). Bên cạnh đó, ông Minh lo ngại việc mở thêm bãi đón trả khách đối với xe du lịch, hợp đồng trong trung tâm sẽ có nguy cơ hình thành bến “cóc”.

Xe đón, trả khách dọc quốc lộ dịp cao điểm Tết (ảnh Đình Thảo)
Xe đón, trả khách dọc quốc lộ dịp cao điểm Tết (ảnh Đình Thảo)

Buổi đối thoại cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị nên quy định hành khách lên xe từ đầu bến để không làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông khu trung tâm thành phố.

Ông Tạ Chương Chính – Phó Tổng Giám đốc Công ty Bến bãi Vận tài Sài Gòn cho biết, người dân rất khó chịu với cảnh xe đón, trả khách ở khu trung tâm thành phố. “Hành khách đi xe phải di chuyển ra bến. Không thể vì lợi ích của một vài hành khách mà làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác của cộng đồng. Ngoài ra, việc này còn tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông công cộng phát triển. Nên có quy định, nhà xe có bán vé ở đâu thì người dân khi đi xe phải ra bến”, ông Chính nói.

Ông Lê Hoàng Minh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp, Sở GTVT TP sẽ tổng hợp, nghiên cứu để có phương án tốt nhất đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, người dân và đảm bảo an toàn giao thông. Trong thời gian tới, Thanh tra giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm quy định vận tải hành khách của các doanh nghiệp.

Quốc Anh

Nạn xe “dù”, bến “cóc”:  Lúng túng trong việc xử phạt (!?) - 4