Nạn hôn nhân cận huyết lại có xu hướng gia tăng

(Dân trí) - Theo Bộ Tư pháp, gần đây nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại và có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thậm chí cả khu vực đô thị.

Em Hồ Thị Hạ (trái, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) chỉ mới 17 tuổi nhưng đã có con gái 2 tuổi (ảnh: A.K)
Em Hồ Thị Hạ (trái, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) chỉ mới 17 tuổi nhưng đã có con gái 2 tuổi (ảnh: A.K)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa ký văn bản gửi tới các bộ ngành, UBND các địa phương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Qua theo dõi thông tin báo chí và nắm bắt thực tiễn, Bộ Tư pháp cho biết gần đây nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại, có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thậm chí cả khu vực đô thị.

“Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con”- Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời…).

Theo Bộ Tư pháp, một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả, tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chưa nhận thức được đây là hành vi bị cấm theo Luật Hôn nhân và Gia đình và sẽ bị xử lý theo pháp luật hoặc do ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu...

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn ngay cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong khi thực hiện nhiệm vụ cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và nhân dân bằng hình thức phù hợp về những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết mang lại; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật hôn nhân và gia đình và các nghị định của Chính phủ.

Lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, bảo đảm ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để truyền tải đầy đủ đến cán bộ, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Nội dung tuyên truyền, phổ biến cần tập trung vào các quy định của pháp luật có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy do các hành vi này gây ra để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 498/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đến các ngành, các cấp; cung cấp đầy đủ kết quả thực hiện Đề án về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc kịp thời nghiên cứu, tổng kết, cung cấp đầy đủ các thông tin, bằng chứng khoa học về những mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, huy động mạng lưới cán bộ, cộng tác viên y tế, kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết; kết hợp lồng ghép qua biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hoạt động tư vấn, can thiệp y tế, thực hiện các biện pháp dân số, kế hoạch hóa gia đình trong các chương trình, đề án được phê duyệt.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND địa phương căn cứ tình hình, điều kiện thực tiễn địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra các giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là các quy định, vấn đề có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, đơn vị có thể phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, số điện thoại 04.62739468) để phối hợp tháo gỡ kịp thời.

Thế Kha