Năm 2017 sẽ có qui hoạch về môi trường trên cả nước

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2017 Bộ này sẽ có qui hoạch về môi trường trên phạm vi toàn quốc. Từ đó, khi lựa chọn chủ đầu tư, các địa phương cũng phải tuân theo qui hoạch này.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (Ảnh: Nguyễn Dương).
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (Ảnh: Nguyễn Dương).

- Thưa ông, trong thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các sự cố môi trường, gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội của nước ta, trong đó “sự cố Formosa” là một điển hình. Liệu thực tế trên có phải do công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn lỏng lẻo không?

- Tôi cho rằng cũng có trách nhiệm của yếu tố quản lý Nhà nước, tuy nhiên đó chỉ là 1 yếu tố trong số rất nhiều yếu tố khác nữa. Có thể nói giai đoạn đầu chúng ta phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) hơi “nóng” nên chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ môi trường.

Khi nhà đầu tư vào địa phương thì chính quyền chưa chú trọng đến vấn đề lựa chọn công nghệ, lựa chọn ngành nghề và lĩnh vực đầu tư cho phù hợp. Có những lúc, những nơi vì nhà đầu tư vào nên chính quyền chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, trong khi công tác bảo vệ môi trường lại bị xem nhẹ. Giai đoạn đầu nhận thức như vậy, rồi tích tụ lại mới dẫn đến các sự cố môi trường như vừa qua.

- Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn các sự cố môi trường tương tự có thể xảy ra trong tương lai và nước ta giai đoạn hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ nào về vấn đề môi trường?

- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 25, yêu cầu rà soát lại toàn bộ văn bản qui phạm pháp luật, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về môi trường từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở. Người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường, vấn đề môi trường “nóng” ở đâu, thì chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm. Về vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng qui định rõ, chắc chắn với những thông điệp mạnh mẽ, tôi tin công tác bảo vệ môi trường sẽ ngày càng tốt hơn.

Giai đoạn này cũng là giai đoạn CNH-HĐH, chuyển đổi nền kinh tế, công tác bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Không phải khẩu hiệu nữa, mà là hành động cụ thể từ công tác kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa ô nhiễm, đến các thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư. Nói đến dự án đầu tư là liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Do đó, trong các Nghị quyết của Đảng, Luật bảo vệ môi trường có nêu bảo vệ môi trường là công tác của cả hệ thống chính trị.

Những lĩnh vực rất nhạy cảm như sắt thép, sản xuất giấy, dệt nhuộm, phân bón hóa chất,… thì quá trình phê duyệt đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề công nghệ; công nghệ phải tiên tiến hiện đại, không thể là công nghệ lạc hậu, cũ rách của các nước đem về để biến nước ta trở thành bãi thải. Qui trình xử lý chất thải nói chung, phải bài bản và phải được phê duyệt bởi đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường của từng doanh nghiệp một cách cụ thể. Tất cả những cái đó mới phòng ngừa và tránh được sự cố môi trường như thời gian vừa qua.

- Như ông nói, khi địa phương nào để xảy ra sự cố môi trường thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, có những dự án lại do Bộ TN&MT cấp phép cũng như phê duyệt đánh giá tác động môi trường, do đó địa phương nói họ không chủ động quản lý được trong vấn đề môi trường. Vậy làm thế nào để phân định rõ trách nhiệm giữa Bộ và địa phương, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố môi trường xảy ra?

- Luật bảo vệ môi trường đã phân định rõ, cấp nào làm nhiệm vụ gì, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng nói rõ cấp nào làm cái gì, chúng ta làm theo luật, chứ không phải Trung ương cấp phép là Trung ương phải quản lý cái đó. Trung ương cấp phép nhưng địa phương phải quản lý, đó là một tư duy mới.

Nếu có phạm vi và lĩnh vực, ví dụ từ 2 huyện trở lên dứt khoát cấp tỉnh phải vào cuộc, 2 tỉnh trở lên dứt khoát Trung ương phải vào cuộc. Có một phân định như thế, chứ không phải Trung ương cấp phép, Trung ương đánh giá tác động môi trường thì trung ương xử lý trên địa bàn xã thì không thể được.

Năm 2017, Bộ TN&MT sẽ có qui hoạch môi trường trên phạm vi toàn quốc (Ảnh minh họa: Nguyễn Tuyền)
Năm 2017, Bộ TN&MT sẽ có qui hoạch môi trường trên phạm vi toàn quốc (Ảnh minh họa: Nguyễn Tuyền)

- Các doanh nghiệp thường muốn đầu tư xây dựng các nhà máy thép ở khu vực ven biển và điều này rất đáng lo ngại cho môi trường biển, thưa ông?

- Sắt thép là mặt hàng có trọng lượng rất nặng, khi vận chuyển bằng đường thủy sẽ rẻ hơn. Do đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép thường chọn khu vực có cảng biển để xây dựng, điều đó vì lợi ích doanh nghiệp. Nếu chúng ta cho phép đầu tư nhà máy thép ở ven biển thì cũng không sai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Vấn đề là quản lý hoạt động xả thải của họ ra môi trường như thế nào cho tốt. Tuy nhiên, cũng có những vùng biển phục vụ cho du lịch, cho nuôi trồng thủy sản, thì phải theo qui hoạch của địa phương. Mọi trường hợp đều phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, phải có công trình xử lý chất thải rắn, chất thải khí, chất thải nước một cách đúng qui chuẩn.

Năm 2017, Bộ TN&MT sẽ có qui hoạch về môi trường, do đó, khi lựa chọn chủ đầu tư thì các địa phương cũng phải tuân theo qui hoạch này.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)