Năm 2017, gần 3.000 người thương vong vì tai nạn lao động

(Dân trí) - Năm 2017 tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng của 928 người và khiến gần 2.000 người bị thương nặng. Cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các đơn vị liên quan phải “chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc”.

Đó là những con số "nhức nhối", được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố trong Lê phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 tại TPHCM (ngày 6/5/2018). Buổi lễ có sự tham dự của ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ.

Ông Đào Ngọc Dung phát động tháng hành động vệ sinh an toàn lao động (ngày 1 đến 31/5/2018)
Ông Đào Ngọc Dung phát động tháng hành động vệ sinh an toàn lao động (ngày 1 đến 31/5/2018)

Thống kê của Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Thứ trưởng Lê Tấn Dũng công bố cho thấy, thời gian qua công tác quản lý về an toàn lao động dù đã được tăng cường, các đơn vị sử dụng lao động cũng nâng cao ý thức trong đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng số vụ tai nạn lao động vẫn ở mức cao.

Cụ thể, năm 2017 trên cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động khiến 928 người chết 1.915 người bị thương nặng. So với năm 2016, số vụ tai nạn xảy ra trong năm 2017 ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị tai nạn lao động tăng hơn 1%, số vụ tai nạn lao động chết người, số người chết do tai nạn lao động giảm hơn 6%.

Trong năm qua, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra như: vụ ngạt khí ngày 12/1 tại Công ty Cổ phần Foodtech (Phú Yên) làm 5 công nhân chết dưới hầm chứa nước hấp cá; vụ rơi thang máy ngày 22/8 tại chung cư Newlife Tower đang thi công tại Hạ Long (Quảng Ninh) làm 3 người chết; vụ nổ tàu lai dắt ngày 12/11 tại Công ty đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) làm 4 người chết.

Nguyên nhân khiến người lao động gặp nạn là do chủ quan, không đảm bảo các nguyên tắc an toàn
Nguyên nhân khiến người lao động gặp nạn là do chủ quan, không đảm bảo các nguyên tắc an toàn

Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn lao động là do sự chủ quan của chính người lao động, người sử dụng lao động (60% số vụ). Tai nạn xảy ra do người lao động không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn, không được huấn luyện hoặc huấn luyện thiếu về an toàn vệ sinh lao động; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động…

Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp đang là nỗi ám ảnh của người lao động. Năm 2017, có hơn 3.800 người được phát hiện mắc các bệnh nghề nghiệp, con số trên đã tăng trên 500 trường hợp so với năm 2016. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nghề nghiệp gia tăng là do số cơ sở quan trắc môi trường lao động còn ít, tỷ lệ mẫu quan trắc môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép là 6,4%; số người lao động khám sức khỏe định kỳ còn ít.

Mỗi năm, hàng nghìn người trong độ tuổi lao động gặp nạn để lại gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội
Mỗi năm, hàng nghìn người trong độ tuổi lao động gặp nạn để lại gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước còn chậm trễ trong việc thống kê, báo cáo số vụ tai nạn lao động, đặc biệt là khu vực không có hợp đồng lao động. Việc buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra không thường xuyên và đúng trọng điểm, xử lý vi phạm còn chậm, ít truy cứu trách nhiệm hình sự với những vụ nghiêm trọng nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm dẫn tới tai nạn.

Trước tình hình trên, trong nội dung phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động ông Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Ông cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp.

Khảo sát của Cục An toàn Lao động:

Phần lớn lao động trẻ được khảo sát trong khu vực nông nghiệp là lao động gia đình và không có hợp đồng lao động chính thức. Hơn một nửa lao động trẻ tại các làng nghề là lao động trong gia đình, hầu hết không có hợp đồng lao động chính thức, trừ các làng nghề có nhiều doanh nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu. Lao động trẻ tại các doanh nghiệp lớn của các làng nghề thường làm việc trên 40 giờ một tuần, do đó họ có thể đối mặt với nguy cơ tai nạn, thương tích tại nơi làm việc.

Vân Sơn