Mỹ còn chưa làm thị thực điện tử, sao Việt Nam lại muốn thí điểm?

(Dân trí) - “Hiện nay một số nước có trình độ công nghệ thông tin phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc, cơ sở hạ tầng điện tử rất tốt nhưng chưa dám áp dụng thị thực điện tử vì mục đính chính để ngăn ngừa đối tượng khủng bố, các phần tử xấu xâm nhập đất nước người ta”- đại biểu Bùi Đức Hạnh băn khoăn về dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Đại biểu Bùi Đức Hạnh phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Bùi Đức Hạnh phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sáng 18/11, đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) cho rằng việc cấp thị thực điện tử phù hợp với xu thế hòa nhập quốc tế cũng như tiến trình cải cách hành chính nhưng tính khả thi còn băn khoăn.

Thị thực điện tử là một loại thị thực do một quốc gia cho phép công dân của nước khác được xuất, nhập cảnh, cư trú lãnh thổ nước mình dưới hình thức một văn bản bằng giấy do người được cấp thị thực tự in ra, trên đó thể hiện các thông tin cá nhân của mình và các thông tin được cho phép của nước chủ nhà cho cấp nhập cảnh. Trên thị thực đó không có chữ ký và con dấu của cơ quan có thẩm quyền của nước chủ nhà mà chỉ có mã vạch để cho cơ quan kiểm tra cửa khẩu.

“Do đó có tác động đến vấn đề đảm bảo an ninh, quốc phòng của một quốc gia. Thị thực điện tử có nguy cơ gây ra một lỗ hổng về an ninh quốc gia. Người xin cấp thị thực điện tử không phải đến trực tiếp cơ quan đại diện ở nước ngoài để xin phỏng vấn hoặc không phải kiểm tra trực tiếp vào hộ chiếu, cho nên khó cho việc kiểm tra những đối tượng xấu, khai báo sai thông tin, dữ liệu, ngụy trang mục đích nhập cảnh, rất khó khăn xác minh”- ông Hạnh băn khoăn.

Hơn nữa, theo ông Hạnh, thị thực điện tử gắn với giao dịch trên mạng do đó đòi hỏi phải có hạ tầng thông tin rất tốt và khả năng bảo mật, chống chịu tấn công mạng tinh vi trên diện rộng.

“Hiện nay một số nước có trình độ công nghệ thông tin phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc, cơ sở hạ tầng điện tử rất tốt nhưng chưa dám áp dụng thị thực điện tử vì mục đính chính để ngăn ngừa đối tượng khủng bố, các phần tử xấu xâm nhập đất nước người ta”- ông Hạnh dẫn chứng.

Một điểm nữa là Việt Nam mới có 31/61 cửa khẩu quốc tế đường bộ và cảng biển kết nối được điện tử, đường truyền. Còn lại 30 cửa khẩu và cảng biển chưa có kết nối đường truyền.

“Khi triển khai cái này phải có công tác tuyên truyền, tập huấn, đảm bảo các trang thiết bị, các biểu mẫu xây dựng các dữ liệu kiện toàn lực lượng,... Nếu được Quốc hội thông qua cho phép ngày 1/1/2017 triển khai thì thời gian chỉ còn hơn 1 tháng. Tôi thấy thời gian đó quá ngắn để ta làm công việc triển khai. Thời gian triển khai Ủy ban soạn thảo nghiên cứu, như thế quá vội để làm”- ông Hạnh đề nghị.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) khẳng định, bản chất của việc cấp thị thực là nước nào cũng có thể đưa ra điều kiện để hạn chế việc công dân nước ngoài vào đất nước mình. “Nhưng ở đây chúng ta đã cho tất cả công dân các nước, nếu có nhu cầu cần thiết vào. Đề nghị ban soạn thảo trả lời là đã khảo sát thực tiễn chưa bởi tôi được biết ở TPHCM có nhiều công dân nước ngoài vào sau đó còn ở lỳ tại Việt Nam, chúng ta đuổi họ về cũng là một khó khăn, nếu không khéo thì ở đây sẽ là tụ điểm của tội phạm, lừa đảo. Tôi đồng ý thí điểm cấp thị thực điện tử nhưng về đối tượng thì đề nghị các đồng chí lưu tâm hạn chế lại vì nó là thí điểm”- ông Bộ nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị làm rõ việc áp dụng công nghệ thông tin, số hóa và các phương tiện trực tuyến để cấp thị thực có thuận lợi, dễ dàng và đỡ tốn kém.

“Rất nhiều quốc gia không cần visa điện tử nhưng toàn bộ quá trình nộp hồ sơ là trên mạng hết. Người ta trả lời rất đúng hạn và không nhũng nhiễu tất cả mọi việc chính xác và đúng thời hạn. Ngày cuối cùng anh nhận, thậm chí anh có thể nhận visa bằng bưu điện. Sự thuận lợi đó cực kỳ quan trọng đối với người cung cấp visa. Hiện nay, người ta đi nước ngoài rất nhiều người trừ đại gia và nhà đầu tư, những nhà khoa học nhưng nói chung người ta đều lên chương trình trước một năm, trước vài tháng, kể cả rất nhiều người đi du lịch mua vé trước 6 tháng.... Không có đột xuất tuần sau đi tuần này, do đó tôi đề nghị phân biệt giữa hai việc này”- luật sư Nghĩa phân tích.

“Vừa rồi có chuyện hộ chiếu đường in lưỡi bò vào bìa, nếu bây giờ chúng ta cấp, họ đến cửa khẩu của mình họ đưa hộ chiếu thì trang nhân thân không in đường lưỡi bò, nhưng bìa in hình lưỡi bò, lúc đó chúng ta giải quyết như thế nào?”- ông Nghĩa nói thêm.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài

Đáp lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an (cơ quan xây dựng dự thảo) khẳng định, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện cấp thị thực điện tử là để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhất là người nước ngoài chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để làm thủ tục mời và bảo lãnh theo quy định. Việc này cũng nhằm bảo đảm công tác quản lý được tốt hơn theo quy định của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người Việt Nam tại nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

“Có thể nói đây là một trong những chính sách thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020”- ông Tô Lâm nói.

Theo ông Lâm, trước đây theo quy trình thông thường là người nước ngoài đến xin thị thực có thể nộp giấy tờ hoặc liên hê với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan xuất, nhập cảnh ở trong nước để xin vào nhập cảnh, nhưng xem xét giải quyết cuối cùng là cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh là đại diện của cơ quan an ninh. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là người được cấp thị thực cũng chỉ trên cơ sở được sự đồng ý của cơ quan trong nước thì mới cấp thị thực.

Bây giờ không qua trung gian đó nữa mà cơ quan xuất, nhập cảnh giao dịch trực tiếp với người nước ngoài, xét và trả lời một cách trực tiếp thông qua mạng điện tử.

“Đây là một cách thay đổi, điều này chưa quy định trong luật. Vì thế phải bổ sung nghị quyết và những điều quy định trong luật”- Thượng tướng Tô Lâm lý giải.

Thế Kha