Quảng Bình:

Mưu sinh trên sông Gianh trong những ngày đầu năm

(Dân trí) - Sau những ngày nghỉ Tết, nhiều người dân sống ven sông Gianh trở lại với cái nghề mưu sinh quen thuộc là nghề cào hến, với họ những con hến trên sông Gianh như là “viên ngọc” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng để giúp họ có thu nhập trong những ngày đầu năm mới.

Nhọc nhằn mưu sinh đầu năm

Nhiều người dân sống ven sông Gianh đoạn chảy qua Lèn Rồng xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) đến Cồn Cưỡi thuộc xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) không nhớ rõ nghề cào hến (dân nơi đây còn gọi là con chắt chắt) có từ bao giờ!. Họ chỉ biết rằng từ nhỏ đã theo cha mẹ lên thuyền đi cào hến để có thêm thu nhập chăm lo cuộc sống cho gia đình mình.

Dưới cái nắng như đổ lửa trong những ngày đầu xuân, chúng tôi thuê thuyền ngược dòng sông Gianh lên khu vực Lèn Rồng (xã Phù Hóa) để tìm hiểu cuộc sống mưu sinh trong những ngày đầu năm mới của bà con, tại đây chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tuyết (42 tuổi, trú thôn Cồn Cưỡi) đang cào hến, theo chị Tuyết thường thì mồng 8 người dân mới bắt đầu đi cào hến nhưng do rảnh rỗi nên chị đi sớm hơn.

Trên chiếc thuyền nhỏ của chị Tuyết, chỉ với dụng cụ là một chiếc cào dùng để cào, một cái sàng để gạn cát sạn được làm bằng tre hoặc nứa và một chiếc thau nhôm dùng để đựng hến mà mình cào được. “Mấy dụng cụ đó nhìn thô sơ vậy thôi nhưng chất lượng lắm đó chú, bao năm qua chúng tôi chỉ dùng mấy cái đó mà cào không biết bao nhiêu chắt chắt, cả gia đình tôi sống là nhờ có nó đó” - chị Tuyết tâm sự.

Đầu năm mới, chị Quản và chị Tuyết đã ra sông mưu sinh bằng nghề cào hến
Đầu năm mới, chị Quản và chị Tuyết đã ra sông mưu sinh bằng nghề cào hến

Theo chị Nguyễn Thị Quản (40 tuổi) bạn cào hến cùng chị Tuyết, thì làm cái nghề này rất mệt, phải ngâm mình dưới nước với một khoảng thời gian rất lâu mới cào được hến mang về. “Thường làm cái nghề ni tui phải ngâm dưới nước từ sáng đến hơn 12 giờ trưa, cứ cách một ngày chúng tôi lại đi một chuyến. Mỗi lần đi làm như vậy chúng tôi thường phải mang thức ăn đi theo chứ sợ đi cào xa không về nhà ăn cơm được thì đói bụng lắm” - chị Quản chia sẻ.

Làm nghề cào hến thường thì mỗi thuyền có 2 người, cào được ngày nào thì về bán luôn ngày đó, cái nghề này cũng tùy thuộc vào con nước mới đi. Nếu nước to sẽ không cào được, chỉ có thời tiết nắng, nước cạn mới cào được nhiều hơn.

Dọc theo dòng sông Gianh ngược lên thôn Cồn Cưỡi, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Thái (57 tuổi, ở xã Quảng Tiên) cùng con trai đang cào hến tại khu vực này, theo bà Thái bà cũng không còn nhớ rõ mình làm cái nghề này từ năm nào, chỉ nhớ là thời còn nhỏ đã theo bố mẹ đi cào hến. Vì gia đình nghèo không đủ điều kiện để đi học, nên bà chọn luôn cái nghề cào từng con chắt chắt để mưu sinh.

Con trai bà Thái đang cào hến để kiếm tiền chữa bệnh cho cha
Con trai bà Thái đang cào hến để kiếm tiền chữa bệnh cho cha

Mặc dù đã ở cái tuổi ngoài ngũ tuần, nhưng vì gia cảnh nghèo khó, chồng lại đau ốm liên miên nên bà Thái phải bươn chải đi cào hằng ngày để kiếm tiền lo thuốc men cho chồng quanh năm, chỉ mới mồng 5 tết nhưng một mình bà “thân cò lặn lội” đầu năm.

Vì quanh năm ngâm mình dưới sông nên chân tay bà thường xuyên bị nước ăn, giơ cánh tay áo lên cho chúng tôi xem, chân tay bà có đôi phần lỡ loét trông rất tội nghiệp, nhiều lúc đau quá bà buộc phải lấy kem đánh răng ra bôi chờ khô vết thương rồi đi làm tiếp.

 “Đãi lộc” đầu năm trên sông Gianh

 

Chiếc thuyền nổ máy lướt nhanh trên những dòng sông mát dịu tạo nên khung cảnh trên sông Gianh trong những ngày đầu năm mới thật yên bình. Dọc ven sông, thi thoảng chúng tôi gặp hình ảnh những chiếc thuyền nhỏ, bên chiếc thuyền là những bóng người đang hì hục ghì mặt xuống dòng nước cào từng mớ chắt chắt.


Dừng lại ở một bãi nỗi giữa dòng sông, trên chiếc thuyền nhỏ chị Tuyết cắm mạnh con sào để giữ thăng bằng cho con thuyền, còn chị Quản gục mình xuống dòng nước rồi giã cào vào cát, vừa đi vừa thụt lùi rồi dùng hai cánh tay kéo một đường thật dài rồi đổ tất cả những gì cào được vào chiếc sàng trên thuyền.

Trên thuyền chị Tuyết cầm lấy chiếc sàng rồi dùng cả 2 tay sàng đi sàng lại thật nhẹ nhàng một cách thật chuyên nghiệp, khi đã tách được lớp cát ra khỏi, trên sàng còn lại một mớ chắt chắt được chị chao dưới nước một hồi thật sạch rồi đổ vào chiếc thau nhôm.


Thành quả một ngày làm việc của chị Tuyết và chị Quản
Thành quả một ngày làm việc của chị Tuyết và chị Quản


Chị Tuyết cười bảo: “Đầu năm ra sông với thời tiết nắng đẹp, những người làm cái nghề như tui đây đều hi vọng năm mới này trời sẽ đãi cho thật nhiều chắt chắt để năm nay làm ăn được thuận lợi”.

 

Theo chị Tuyết thì khi cào chắt chắt mang về, họ thường về tại chợ để bán cho các thương lái, khi gom hàng các thương lái sẽ mang vào các chợ Đồng Hới, Hoàn Lão hay Đồng Lê để bán, cứ mỗi lần ra sông cào hến nếu kha khá chị kiếm được hơn trăm ngàn đủ cho gia đình bữa chợ trong 2 ngày. 

 

Với những cư dân ven sông Gianh, nghề cào chắt chắt được xem là cứu cánh giúp người dân có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Và với họ, chắt chắt như những “viên ngọc” quý giá mà dòng Gianh ưu ái ban tặng...


Hoàng Phúc - Đặng Tài