Muốn nghiêm, lãnh đạo không được “xin giúp” người vi phạm giao thông

(Dân trí) - 3 Bộ trưởng Công an, Xây dựng, KH-ĐT được huy động “tiếp sức” Bộ trưởng Đinh La Thăng trong phiên chất vấn. Bộ trưởng Trần Đại Quang muốn chấn chỉnh ý thức người đi đường bằng cách phạt nghiêm. Tướng Quang cũng kiến nghị các cán bộ, lãnh đạo không “xin giúp” người vi phạm.

Muốn nghiêm, lãnh đạo không được “xin giúp” người vi phạm giao thông - 1
Trung tướng Trần Đại Quang hứa xây dựng lực lượng CSGT trong sạch.

Được chỉ định giải trình thêm về vấn đề tai nạn, ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang “bênh” Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng, người đứng đầu ngành GTVT đã đưa ra các giải pháp khá toàn diện. Ông Quang cũng chung biện giải, số lượng phương tiện tăng nhanh, ý thức người tham gia giao thông chưa cải thiện là những yếu tố liên quan trực tiếp đến tai nạn. 80% số vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện gây ra.

Bộ trưởng Công an nêu giải pháp quản lý lái xe sau khi được cấp phép, nâng cao đạo đức nghề nghiệp với lái xe, xử lý dứt điểm những điểm đen tai nạn đang tồn tại.

Tai nạn cũng gây hệ quả trực tiếp là ùn tắc giao thông. Theo thống kê, 44% số vụ tắc đường là do tai nạn, 19% do nguyên nhân hỏng xe nhưng cả 2 trường hợp này rất khó cho lực lượng CSGT đến cứu hộ để giải phóng đường, đều do hạ tầng quá yếu kém.

Liên quan đến công việc của lực lượng CSGT, Trung tướng Trần Đại Quang đề xuất nâng thẩm quyền xử phạt cho CSGT. Quy định hiện tại, khi xử lý vi phạm cảnh sát được phạt đến 200.000đ, mức quá thấp, không đủ sức răn đe. Bộ trưởng Công an đề xuất hình thức xử phạt vi phạm qua hình ảnh thu được từ camera giám sát trên đường phố, tăng cường các hình phạt bổ sung như tạm giữ phương tiện vi phạm, tịch thu xe đua…

Ông Quang cũng kiến nghị giải pháp yêu cầu cán bộ công chức, lãnh đạo các cơ quan đơn vị không can thiệp vào việc xử lý vi phạm.

Về chủ quan, Bộ trưởng Công an hứa xây dựng lực lượng CSGT mạnh, trong sạch vì như đại biểu phân tích, khi vẫn còn nạn “mãi lộ”, ý thức người tham gia giao thông cũng không thể cải thiện bởi vẫn còn “cửa” để chạy mỗi khi có ý định… đi bừa, phạm luật.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, quỹ đất dành cho giao thông ở các thành phố lớn quá thấp, Hà Nội chỉ 8%, TPHCM 12-13% trong khi theo yêu cầu, chỉ tiêu này phải đạt mức 24-26% mới đảm bảo hệ thống đường sá phù hợp tốc độ phát triển kinh tế. Diện tích bãi đỗ xe tại 2 thành phố cũng chưa đến 1% trong khi quy định 3-5%.

Áp lực đối với giao thông cũng được Bộ trưởng Xây dựng nhìn nhận từ việc thiếu kiểm soát sự tăng dân số với đô thị lõi, trung tâm. Theo đó, mức độ tập trung dân số ở các quận nội thành Hà Nội, TPHCM cao hơn nhiều lần so với thành phố sầm uất bậc nhất Châu Á - Hồng Kông. 4 quận nội thành Hà Nội đáng ra chỉ gánh được 8 vạn dân giờ nhưng thực tế, dân số đã lên mức 1,2 triệu người.

Ông Dũng cũng xác nhận, việc phát triển nhà cao tầng, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại ở nội đô chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, các khu đô thị mới lại thiếu hạ tầng đồng bộ dẫn đến hiện tượng “giao thông con lắc” - người từ đô thị này phải đến đô thị khác mua hàng, càng tăng mật độ tham gia giao thông.
 
Muốn nghiêm, lãnh đạo không được “xin giúp” người vi phạm giao thông - 2
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là khách mời tham gia phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT.

Mục tiêu đến 2020 chuyển 40 vạn dân nội thành Hà Nội ra ngoài, ông Dũng cho là rất khó khăn. Việc di chuyển các trường đại học để đưa 20-30 vạn sinh viên khỏi Hà Nội, kiểm soát quy mô các bệnh viện trung tâm, di dời các cơ quan TƯ ra rìa đô thị như ra Tây Hồ Tây, Mỹ Đình… theo đó, là giải pháp… cứu cánh.

“Việc tập trung phân luồng, phân làn, tổ chức nút giao thông thời gian qua đã giúp hạn chế nhiều, nếu không đường phố còn ùn ứ nữa” – Bộ trưởng Xây dựng khẳng định các giải pháp của người đồng cấp đưa ra có hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, theo dự báo, những năm tới tình hình ùn tắc cải thiện không nhiều vì tốc độ tăng phương tiện cá nhân lớn trong khi việc cải thiện hạ tầng giao thông rất chậm vì thiếu vốn, vì Việt Nam vẫn là một nước nghèo.

Từ khía cạnh trách nhiệm của ngành mình, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị tiếp tục điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô, quy hoạch hệ thống đô thị vệ tinh với TPHCM để đỡ áp lực tăng dân số cơ học. Các dự án như công viên vui chơi giải trí Disneyland có thể đưa sang Bắc Ninh, không nhất thiết phải ở Hà Nội, nghĩa trang thành phố cũng có thể dời lên Hòa Bình.

Ngành Xây dựng cũng đặt mục tiêu quyết tâm 5-10 năm nữa thực hiện thiết kế hạ tầng giao thông với cả đường trên cao, giao thông ngầm, giao thông cùng cốt.

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh “đỡ” Bộ trưởng Đinh La Thăng về nội dung đổi mới tư duy để huy động nguồn lực đột phá vào hạ tầng giao thông - một thách thức lớn, 1 điểm tắc của phát triển kinh tế tương lai.

Ông Vinh thừa nhận, đầu tư cho giao thông là lĩnh vực khó khăn nhất trong số các cân đối của Chính phủ vì nhu cầu vốn cho lĩnh vực rất lớn mà nguồn lực lại quá hạn chế. Bộ trưởng KH-ĐT nhận định năm 2012 sẽ càng khó khăn vì nguồn vốn ngân sách cũng như trái phiếu Chính phủ huy động đều thấp.

Làm sao để tổng mức đầu tư xã hội cho giao thông vẫn tiếp tục gia tăng, dù giảm dần đầu tư công là bài toán tuy khó nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định vẫn có hướng giải.

“Thực ra nhiều tập đoàn nước ngoài như Nhật Bản, châu Âu rất muốn đầu tư làm cầu đường, giao thông ở Việt Nam và sẽ sẵn sàng tham gia nếu có cơ chế thu hồi vốn được. Cần thay đổi tư duy trong vấn đề giá, phí vì thu phải đủ hoàn vốn là nguyên tắc số một để huy động đầu tư” - ông Vinh trao đổi.

P.Thảo