Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh:

Muốn đẩy nhanh tiến độ dự án ODA, địa phương phải có giải pháp rõ ràng

(Dân trí) - Chiều 30/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, làm việc với lãnh đạo Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Muốn đẩy nhanh tiến độ dự án ODA, địa phương phải có giải pháp rõ ràng - 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc

 Tại buổi làm việc, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố báo cáo với Phó Thủ tướng về tiến độ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của từng dự án. Trong đó, khó khăn vướng mắc chủ yếu tập trung ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh tăng giảm quy mô đầu tư một số hạng mục từng dự án…

Ông Đào Anh Dũng- Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong năm 2020, Cần Thơ có tổng nguồn vốn nước ngoài 2.989,941 tỷ đồng được bố trí cho 6 dự án. Giá trị giải ngân các nguồn vốn nước ngoài đến ngày 22/6/2020 là 128,414 tỷ đồng/2.989,941 tỷ đồng, đạt 4,29% kế hoạch.

Ông Dũng cũng cho biết, trong quá trình thực hiện cách sử dụng nguồn vốn ODA Cần Thơ gặp một số khó khăn như: Kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng, nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án còn thiếu. Người dân còn khiếu nại về chính sách và giá bồi thường của Nhà nước, từ đó dẫn tới việc bàn giao mặt bằng thi công còn chậm.

Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định hồ sơ thiết kế của các Bộ, ngành Trung ương; Vướng mắc trong thủ tục giải ngân vốn của nhà thầu theo yêu cầu của nhà tài trợ đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân (dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ)...

Lãnh đạo UBND Cần Thơ cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, lập thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị theo hướng cơ cấu lại nguồn vốn trong tổng mức đầu tư của dự án và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến tháng 6/2024.

Muốn đẩy nhanh tiến độ dự án ODA, địa phương phải có giải pháp rõ ràng - 2
Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ công trình Bệnh viện ung bướu Cần Thơ

Cho phép sử dụng nguồn vốn ODA để chi trả cho công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án do chi phí phát sinh rất lớn so với dự án được duyệt, TP Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đối ứng...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để phục hồi phát triển kinh tế-xã hội dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Giai đoạn 2016-2020, ĐBSCL tiếp nhận 100 dự án với tổng số vốn trên 39 nghìn tỷ đồng, trong đó 5 tỉnh, thành nêu trên có 23 dự án ODA với số vốn vay là 641 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn ODA cho ĐBSCL.“Muốn đẩy nhanh tiến độ, các địa phương phải thể hiện quyết tâm rất cao, giải pháp rõ ràng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định không dùng vốn ODA cho công tác giải phóng mặt bằng, vì vậy các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực của mình để có mặt bằng sạch.

Đối với kiến nghị điều chuyển và kéo dài dự án sang giai đoạn tới, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết các tỉnh phải nỗ lực, phải quyết tâm hơn vì nếu chuyển sang giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn cho các dự án khác.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các dự án sử dụng vốn IDA của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam bắt đầu nghĩa vụ trả nợ từ năm 2021, càng cần phải nhanh chóng sử dụng có hiệu quả hết nguồn vốn ưu đãi này.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với một số dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tuân thủ theo quy định hiện hành và sớm trình cơ quan có thẩm quyền để phối hợp, hỗ trợ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới việc triển khai các dự án mới phải được tiến hành song song với quá trình chuẩn bị dự án, nhất là chuẩn bị sẵn mặt bằng, không để tình trạng vay xong mới chuẩn bị mặt bằng khiến tiến độ của dự án bị chậm, hiệu quả không như mong đợi.

Phạm Tâm