Huế:

Mưa gió đang ràn rạt kéo đến

(Dân trí) - Cho đến 8h30 sáng nay, tại TP Huế và huyện miền biển Phú Lộc ở đã bắt đầu có gió to, mạnh. Mưa cũng mỗi múc một lớn chứng tỏ cơn bão đang đến rất gần.

Vào 2h sáng, tại địa bàn huyện Phú Lộc, ngoài trời bắt đầu có mưa phùn nhẹ, gió nhẹ, thỉnh thoảng có những cơn gió mạnh. Trời nổi gió, thỉnh thoảng đã có những đợt gió cuộn, giật vừa phải, kết hợp với mưa. Nguời dân đã cảm thấy dường như cơn bão đang tiến đến rất gần Huế.

Ở thị trấn biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc, lúc 6h10, trời đã có mưa nặng hạt, với lượng mưa tương đối lớn, gió giật cấp 6-7. Ngoài đường hầu như không có người qua lại, chỉ có xe khách và xe tải bắc nam lưu thông trên đường. Nhà dân tất cả đều đóng kín cửa.

Gió thổi ràn rạt tại đầm Lập An và biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô
Gió thổi ràn rạt tại đầm Lập An và biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô

Các nhà hàng khách sạn trên địa bàn thị trấn du lịch này đều đóng cửa và nghỉ kinh doanh. Những quán cơm phục vụ xe khách bắc nam cũng nghỉ hàng, không phục vụ. Nhiều nhà hàng nổi trên đầm Lập An đều được tháo dỡ mái và chuyển những vật dụng quan trọng vào bờ vì rút kinh nghiệm bão số 12, 1 nhà hàng nổi từng bị thổi bay toàn bộ, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhà hàng nổi trên đầm phá được tháo dỡ gần hết

Nhà hàng nổi trên đầm phá được tháo dỡ gần hết
Chỉ còn những xe tải trọng lớn lưu thông qua đèo Phú Gia

Chỉ còn những xe tải trọng lớn lưu thông qua đèo Phú Gia
Chỉ còn những xe tải trọng lớn lưu thông qua đèo Phú Gia
Nhà cửa ở thị trấn Lăng Cô được chống, buộc rất cẩn thận vì gió bão từ biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đây.

Trạm trung chuyển hầm Hải Vân ngừng trung chuyển khách, tuy đang có một vài hàng khách đang mắc kẹt tại nhà ga của trạm trung chuyển. Có vẻ như người dân đã sẵn sàng đối mặt với cơn bão mạnh nhất thế kỷ.

Cả bầu trời TP Huế rất âm u, đen tối, mưa bắt đầu đổ xuống vào sáng nay.

Cả bầu trời TP Huế rất âm u, đen tối, mưa bắt đầu đổ xuống vào sáng nay.

8h sáng tại TP Huế, mưa đã bắt đầu to và gió cũng to hơn. Quân khu 4 tăng cường 300 chiến sĩ vào giúp Thừa Thiên-Huế đối phó với bão. Cơn bão theo dự đoán sẽ chạy dọc với bờ biển TT-Huế, ảnh hưởng trực tiếp vào trưa nay chứ không phải đổ bộ vào đất liền nhưng tất cả các phương án đã được lên để ứng phó. Hiện, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động 15 xuồng cao tốc, 48 xuồng, thuyền các loại, 30 xe tải - xe lội nước và hơn 800 áo phao tập thể và 100 nhà bạt về vùng xung yếu, ven biển để sẵn sàng ứng phó.

Video:

 
Quảng Trị: Đưa dân đảo Cồn Cỏ vào địa đạo quân sự tránh bão
 
Sáng 10/11, ông Trương Khắc Trưởng, Phó Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, toàn bộ nhân dân và một số công nhân đang xây dựng trên đảo đã được đưa vào địa đạo quân sự để tránh bão vào cuối giờ chiều 9/11. Hiện tại đã đưa được 118 người vào tránh bão an toàn.

Sáng nay, số công nhân và cán bộ huyện đảo còn lại tiếp tục được sơ tán đến các nhà cao tầng, kiên cố trên đảo. Âu tàu đảo Cồn Cỏ do không có khả năng trú tránh bão nên không có tàu thuyền nào neo đậu.

Song song với việc sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, các nhu yếu phẩm, lương thực gồm mì tôm, lương khô, y tá của quân đội và thuốc men cũng đã chuẩn bị đầy đủ.

Đến 9h30 sáng, tỉnh Quảng Trị bắt đầu có mưa lớn và gió. Người dân đã hoàn thành mọi công tác ứng phó với bão số 14. Trên các tuyến phố Đông Hà, các phương tiện giao thông cũng thưa thớt dần. Tỉnh Quảng Trị vẫn đang tích cực triển khai các phương án phòng, chống bão. Công tác sơ tán dân ra khỏi vùng xung yếu đã được hoàn tất, các nơi neo đậu tàu thuyền vẫn đảm bảo an toàn.

Đường phố hoang vắng trước giờ bão vào đất liền
Đường phố hoang vắng trước giờ bão tiến vào gần bờ
 
Người dân đã hoàn tất công tác chằng chống nhà cửa trước giờ bão đổ bộ
Người dân đã hoàn tất công tác chằng chống nhà cửa trước giờ bão tới
 
Mưa lớn bắt đầu xuất hiện tại Quảng Trị từ đêm 9/11 đến trưa nay
Mưa lớn bắt đầu xuất hiện tại Quảng Trị từ đêm 9/11 đến giờ
 
Chặt cây xanh để đảm bảo an toàn
Chặt hạ cây xanh để đảm bảo an toàn

Trong khi đó, để ứng phó với siêu bão Hải Yến, ngay từ ngày 9/11, nhiều người dân thuộc xã Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), đã thiết kế hàng chục căn hầm hình chữ A để tránh bão. Đánh giá về cách làm hầm tránh bão này, Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Việc làm hầm trú ẩn hình chữ A để chống bão là một cách làm mới giữa thời bình, dù cách thức rất đơn giản nhưng an toàn và hiệu quả”. 

Đăng Đức


Văn Danh – Đại Dương