Mũ bảo hiểm giả nguy hiểm như thuốc giả, thực phẩm giả!

(Dân trí) - "Mũ bảo hiểm là liều vắc xin tốt nhất để phòng ngừa chấn thương sọ não. Tuy nhiên, dù tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn là 90%, rất nhiều người đang đội mũ kém chất lượng, thậm chí là mũ giả. Mũ bảo hiểm giả nghiêm trọng như thuốc giả, thực phẩm giả".

Đó là những trao đổi của ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) - sau 10 năm quy định đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam.

- Phóng viên: Sau 10 năm thực hiện đội mũ bảo hiểm toàn dân, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam?

- Ông Greig Craft: Sau khi Nghị quyết số 32 về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở người lớn được ban hành tháng 12 năm 2007, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm tăng mạnh từ 30% lên đến 99%. Hiện nay tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn tại hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn giữ trên mức 90%.

Trong hơn 10 năm thực hiện luật, Quỹ AIP ước tính Việt Nam đã tiết kiệm được 3.506 tỷ USD chi phí về y tế, tổn thất, thương tật. Một con số ước tính đáng kể khác là 502,774 chấn thương đầu và 15,302 trường hợp tử vong đã được phòng tránh do việc tăng cường đội mũ bảo hiểm.

Hiện tại, việc thực hiện luật đội mũ bảo hiểm đã rất thành công và đã trở thành một nét văn hóa nhưng chúng ta cần tiếp tục củng cố và tăng cường để nâng cao chất lượng thực thi luật ở người lớn và trẻ nhỏ.

Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á
Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á

- Hiện tại, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm được đại đa số người dân chấp hành, tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm dành cho trẻ em còn rất thấp. Vậy, ông có ý kiến gì về vai trò của phụ huynh và việc giám sát các quy định của nhà trường cũng như mức xử phạt của lực lượng chức năng về việc này?

- Vâng, ý thức trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường cũng như mức xử phạt của lực lượng chức năng là chưa cao. Các chiến dịch truyền thông và chương trình quảng cáo trên ti vi về vấn đề này cũng chưa được chú trọng đầy đủ.

Những chiến dịch này cần hướng tới các bậc phụ huynh, giáo viên, cơ quan chức năng - đặc biệt là Cảnh sát giao thông. Những người cảnh sát Giao thông cần hiểu rằng với mỗi một vé phạt họ đưa ra rất có thể sẽ cứu mạng sống của một cháu nhỏ. Trẻ em là tài sản quý giá nhất. Chúng ta cần làm tất cả mọi thứ để bảo vệ con em mình.

Hệ thống luật và xử phạt là rất cần thiết, đồng thời việc nâng cao nhận thức về những lợi ích tích cực trong việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cũng cần được chú trọng.

- Quỹ AIP có những giải pháp gì cho Việt Nam để nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn ở cả người lớn và trẻ em?

Sự tham gia của nhiều bộ phận xã hội là điều cần thiết. Việc đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật rất quan trọng để nâng cao tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm ở trẻ em, đi đôi với đó là giáo dục và các chiến dịch truyền thông để có kết quả ổn định và lâu dài. Các phương tiện truyền thông nắm vai trò quan trọng. Các trường học có thể có lực lượng chức năng riêng để đảm bảo việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Việt Nam đã thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm sau 10 năm
Việt Nam đã thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm sau 10 năm

Các gia đình Việt Nam luôn hết sức quan tâm và chăm sóc con em mình. Đây là lí do tại sao việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm phòng vắc xin cho trẻ sơ sinh và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em rất được chú trọng tại Việt Nam. Dạy trẻ em điều hay lẽ phải và biết tránh các mối nguy hiểm là những kiến thức giáo dục phổ biến mà các gia đình vẫn dạy cho các em.

So với nhiều nước phát triển trên thế giới thì cơ giới hóa xe gắn máy ở Việt Nam diễn ra chưa lâu, một nền văn hóa về an toàn và đặc biệt là an toàn giao thông đường bộ vẫn chưa thực sự phát triển. Đây là lí do mà các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và toàn xã hội cần trang bị những kiến thức phòng tránh tử vong và tai nạn cho gia đình mình, thông qua một hành động đơn giản là Hãy đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

- Sự khác biệt trong việc bảo vệ người đội của mũ bảo hiểm đạt chuẩn so với mũ bảo hiểm rởm như thế nào, thưa ông?

- Mũ bảo hiểm là liều vắc xin tốt nhất để phòng ngừa chấn thương sọ não. Mặc dù tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn là 90%, rất nhiều người đang đội mũ kém chất lượng, thậm chí là mũ giả.

Theo một nghiên cứu của tổ chức Y tế Thế giới WHO, 80% số lượng mũ bảo hiểm ở Việt Nam không đạt chuẩn. Điển hình là những chiếc mũ thời trang hoặc mũ đục lỗ cho tóc buộc, chúng hoàn toàn không có khả năng bảo vệ an toàn cho bạn.

Mũ bảo hiểm giả nghiêm trọng như thuốc giả, thực phẩm giả, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta cần thu hồi tất cả mũ bảo hiểm giả trên thị trường, từ những điểm bán hàng trên phố, đến các cửa hàng và cần phạt nặng những người bán mặt hàng giả này.

Châu Như Quỳnh