Một thầy giáo vừa bị chiếm đất, vừa bị hành hung

Lợi dụng giấy tờ đất chưa hoàn tất, con ông Hiến ngang nhiên xây 40 ki ốt chiếm phần lớn số đất đã bán cho thầy Đại. Cũng từ đó thầy Đại thỉnh thoảng lại bị côn đồ dùng côn, gậy sắt đánh trọng thương.

Từ hành trình chuyển nhượng nhà và đất

Năm 1994, ông Nguyễn Trinh Hiến, ở xóm 9 - xã Nghi Phú - TP Vinh, Nghệ An “vì tuổi già sức yếu muốn về ở với con trai Nguyễn Viết Lộc” nên muốn chuyển nhượng 2.000 m2 đất có 3 gian nhà cấp 4 cho ai có nhu cầu.

Đã có vài ba người đến dạm mua, ông Hiến ra giá 12 đến 16 triệu đồng. Thấy giá quá cao, nên không ai ngó ngàng. Đúng lúc này thầy giáo Nguyễn Lâm Đại, giáo viên trường PTTH phường Hà Huy Tập, TP Vinh bức bách về đất ở lại không hiểu gì về giá cả nên đã đồng ý mua diện tích đất nói trên của ông Hiến với số tiền 26 triệu 500 ngàn đồng.

Giấy tờ chuyển nhượng nhà và đất được thiết lập có đủ chữ ký của ông Hiến, hai người con trai, tiếp đến là chứng nhận của Xóm trưởng, Ban chủ nhiệm HTX, UBND xã.

Thầy giáo Đại giao cho anh Nguyễn Viết Lộc (con trai út của ông Hiến) 25,8 triệu đồng, còn lại 0,7 triệu đồng  đôi bên thỏa thuận lúc nào hoàn tất giấy tờ chuyển nhượng sẽ trả đủ. Ít năm sau mảnh đất nói trên giá tăng vọt.

Lợi dụng giấy tờ đất chưa hoàn tất con ông Hiến ngang nhiên xây 40 ki ốt chiếm 1.300m2, trong đó đất HTX 360m2, còn lại là đất đã bán cho thầy Đại. Hỏi lý do chiếm đất gia đình ông  Hiến bảo chỉ bán có 200m2 chứ đâu phải 2.000m2? Cũng từ đó thầy Đại đã vài lần bị côn đồ dùng côn sắt, gậy sắt đánh trọng thương.

Hiểu ra nguyên nhân sâu xa sự việc, thầy Đại thân cô thế cô đã làm đơn ra TAND TP Vinh. Ngày 20/9/2004, HĐXX phán quyết thầy Đại chỉ được sử dụng 829,96m2 trong tổng số 2.000m2 nhà, đất mà thầy đã mua. Thầy Đại làm đơn kháng án. Ngày 20/6/2005, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm và lần 2 này Tòa lại phán quyết “mạnh tay” hơn, chỉ chấp nhận cho thầy Đại mua 200m2 trên tổng số 2.000m2 là có căn cứ!

Đến chuyện tòa án “nhầm, sót”?

Về việc mua mảnh đất, thầy Nguyễn Lâm Đại có sự công nhận của anh Nguyễn Viết Lộc (con trai ông Hiến) đã nhận 25,8 triệu đồng, mà thời điểm 1994 ở vùng sâu xã Nghi Phú không có mảnh đất nào 200m2 với giá đó. Chính UBND xã Nghi Phú (1995) thu lệ phí của thầy Đại 5.000.000đ (Phiếu thu số 44, ngày 13/5/1995) vì 200m2 thu 500 ngàn, mà thầy Đại được chuyển nhượng 2.000m2 nên thu gấp 10 lần.

Chưa hết, tại “Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất” mà ông Hiến chuyển nhượng cho thầy Đại do các ông Lê Tùng La, Hoàng Khánh Lập, Nguyễn Văn Thắng, cán bộ địa chính xã, cùng ông Nguyễn Hải Thanh, cán bộ xóm thay mặt chính quyền xã đo, vẽ ngày 21/7/2001 được xác định “Phía Bắc giáp nhà của Nguyễn Đức Soạn; Phía Đông giáp đất nông nghiệp, mương, phía Nam giáp anh Lê Văn Thương, phía Tây giáp đường xóm và nhà anh Nguyễn Đức Soạn”.

Tổng diện tích 68mx30m = 2.008m2. Ngoài ra ông Đường, Xóm trưởng xóm 9 và ông Nhật, Phó chủ nhiệm HTX Hùng Mạnh Tiến đều công nhận ông  Hiến bán toàn bộ vườn, nhà cho ông Đại là hoàn toàn đúng (Bút lục số 43).

Thầy Nguyễn Lâm Đại còn nhiều chứng cứ nữa nhưng chúng tôi tạm dừng ở đây với câu hỏi: Tại sao cả 2 phiên tòa để sót, để nhầm nhiều thế? Chúng tôi gặp thầy giáo Đại (đã về hưu) ở nhà bố mẹ vợ.

Thầy tâm sự: “Thời điểm 1994 tôi mua nhà và đất vườn để có nơi ở chứ đâu có nghĩ “lòng tham hễ có hơi đồng” như bây giờ làm nhiều kẻ lóa mắt, mụ mị lương tâm. Hơn nữa thời điểm đó chưa có văn bản nào quy định chuyển nhượng đất vườn… nên HĐND và UBND xã Nghi Phú chỉ đưa ra xét”.

Cứ theo lời mong mỏi của thầy giáo Nguyễn Lâm Đại và cũng như suy nghĩ của chúng  tôi, để bảo vệ công lý thì bản án này cần được giám đốc thẩm, công minh, khách quan, có như thế dư luận và nguyên đơn cả bị đơn nữa mới tâm phục, khẩu phục! 

Theo Hồ Hồng Tuyến
Tiền Phong