Một nén hương cho người thương binh nửa thế kỷ đòi chế độ

Tôi nhớ một buổi trưa tháng 7/2003 nhận được đơn của ông, lời lẽ thống thiết: "Tôi đã 80 tuổi rồi, có đòi được chế độ thương binh cho bản thân thì cũng chẳng còn sống được bao lâu để mà hưởng. Nhưng đó là danh dự của bản thân, của con cháu và của cả dòng họ tôi. Không làm được điều này, thì khi chết, tôi thật khó bề mà nhắm mắt...".

Lần theo địa chỉ trong đơn, chúng tôi đã đến nhà ông Lê Văn Lạng - ở thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pách (Đắc Lắc).

 

Ông Lê Văn Lạng sinh năm 1923, bắt đầu rời quê hương (Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh, Quảng Trị) năm 1942, vào Xuân Lộc, Đồng Nai làm công nhân đồn điền cao su. Tại đây, ông tham gia nhiều cuộc đấu tranh phản đối chế độ hà khắc của giới chủ, đòi quyền lợi cho người lao động. Vì thế, ông bị địch theo dõi và truy bắt. Ông phải trở về quê hương và tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

 

Ngày 19/8/1945, ông gia nhập quân đội và được phiên chế vào Trung đội 12, Đại đội 4, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 95. Ngày 10/8/1948, đơn vị của ông được cử đi bảo vệ đoàn vận tải lương thực ra tiền tuyến. Đơn vị ông bị địch phục kích, ông bị thương nặng. Bàn tay phải của ông phải cắt bỏ hoàn toàn, tay kia bị cắt một nửa chỉ còn 2 ngón, một mắt bị hỏng...

 

Cuối năm 1948, ông được chuyển ra Trại thương binh A7 Nghệ An và được kiểm tra xếp hạng thương binh loại 1 (hạng nặng nhất thời chống Pháp). Sau đó, ông được Hội Mẹ chiến sĩ xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An nhận về nuôi dưỡng. Và ông đã được nhận các chế độ đãi ngộ thương binh từ năm 1949 đến cuối năm 1953.

 

Cuối năm 1953, ông nhờ một người quen mang sổ thương binh lên Ty Thương binh - Xã hội Nghệ An để nhận phụ cấp thì bị người cán bộ phụ trách phát tiền thu sổ lại, bảo là để đổi sổ mới và làm mất luôn. Từ đó cho đến năm 2003, chế độ thương binh của ông bị cắt.

 

Năm 2000, người ta bảo ông "hồ sơ thương tật gốc bị mất, phải khôi phục lại mới có thể giải quyết được". Con trai ông đã phải lặn lội qua nhiều tỉnh, tìm đơn vị cũ và đồng đội cũ của ông để xin xác nhận trường hợp bị thương của ông.

 

Ngày 6/7/2002, thượng tá Lê Chiêm - Sư đoàn phó Sư đoàn BB2 - đã cấp giấy chứng nhận bị thương số 408/GCNBT, ghi rõ: "Đồng chí Lê Văn Lạng cấp bậc trung sĩ, bị thương ngày 10/8/1948 tại quốc lộ 1A, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ vận tải lương thực".

 

Bên cạnh đó, con trai ông cũng đã xin xác nhận của một số đồng đội của ông, của một số người dân Nam Đàn. Thế nhưng, các cơ quan chức năng vẫn không chịu giải quyết chế độ cho ông.

 

May thay, bài báo chúng tôi viết về ông Lạng hồi năm 2002 đã đến tay ông Lê Vũ Bằng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị. Ông yêu cầu cán bộ, nhân viên của mình phải lục lại cả núi hồ sơ cũ còn lưu giữ được ở Quảng Trị và đã tìm thấy hồ sơ gốc của ông Lạng.

 

Ngày 6/12/2002, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đã có công văn 1460/LĐTBXH, xác nhận: "Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ, ông Lê Văn Lạng được Hội đồng quân y Trung đoàn 103 khám và kết luận tỉ lệ thương tật 100% vào ngày 26/7/1949. Giám đốc Khu thương binh và cựu binh Liên khu 4 cấp sổ hưu bổng binh sĩ ngày 10/12/1951 và giải quyết chế độ trợ cấp thương binh kể từ ngày 2/5/1948 (...)".

 

Nhận được công văn này, ông Lê Văn Lạng hết đỗi vui mừng. Ông bảo: Điều quan trọng nhất đối với ông là danh dự. Ông đã khẳng định được mình là thương binh thực thụ, không như trong con mắt của một số người đời ông chỉ là một thương binh giả bị tước chế độ... Bây giờ ông có chết cũng cam lòng.

 

Cuối năm 2003, ông đã được Bộ LĐ-TB&XH công nhận là thương binh và được giải quyết các chế độ thương binh đầy đủ.

 

Thế rồi công việc làm báo cuốn hút tôi vào bao chuyện đời. Mãi đầu tháng 7 năm nay, qua Ea Kênh, Krông Pách, tôi ghé vào thăm ông, mới hay ông đã qua đời. Bà vợ ông kể, trước khi nhắm mắt, ông có bảo con trai điện thoại cho tôi, nhưng không hiểu sao cú điện thoại đã không tới...

 

Theo Đặng Bá Tiến

Lao Động