Một buổi đưa con đi chơi nội thành: Choáng!

(Dân trí) - Rút tờ 10.000 đồng trả tiền xe, chị Dịu than thở: “Chưa hết đâu, còn phải đi ăn nữa mới kết thúc”. Chị choáng váng vì 1/6, chỉ đưa con đi chơi quanh quẩn các khu vui chơi ở nội thành Hà Nội mà cũng hết nửa triệu bạc...

Chiều chủ nhật, chị Dịu, nhà ở Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết định đưa con đi chơi nhân ngày Tết Thiếu nhi. Chỉ chơi quanh quẩn ở các khu vui chơi ở nội thành, chị dự tính chi cho “cuộc chơi” của cậu con trai 5 tuổi trong khoảng 200.000 đồng.

Điểm đến đầu tiên của mẹ con chị là công viên Thủ Lệ. Dù giá vé gửi xe ghi rõ là 2.000 đồng/lượt nhưng chị vẫn phải rút ví chi 15.000 đồng: “Hôm nay đông khách mới thế, còn ngày thường chỉ 5.000 đồng thôi”, cậu trông xe ngọt xớt khi chị thắc mắc tiền gửi xe. Nắng, khát, chị gọi hai cốc nước mía: 18.000 đồng/cốc.
 
Một buổi đưa con đi chơi nội thành: Choáng! - 1
Trẻ chơi những trò đơn thuần thế này cũng đủ làm bố mẹ “hoảng”. (Ảnh: Hoài Nam).

Vào công viên, chị choáng váng với hàng chục trò chơi giăng sẵn với mức giá khá “chịu chơi”: 10.000 đồng/lượt cho các trò chơi. Con trai chị hiếu động, đã chơi là không chán, trò nào cũng thích, có trò còn chơi nhiều lượt. Đu quay, ngồi tàu bay, đoàn tàu, ném bóng, câu cá, nhà cười… chỉ một chốc, chị đã “đóng” hơn 100.000 đồng cho các trò chơi. 

“Mỗi trò chỉ được 3 đến 5 phút là hết lượt, con đòi chơi nhiều hơn nữa, chẳng lẽ mình từ chối nên lại phải chạy đi mua vé tiếp. Năm ngoái, mỗi trò chơi ở đây giá chỉ 5.000 đồng/lượt, giờ tăng gấp đôi. Đấy là mình còn dụ để con không đòi chơi trò ô tô đụng và vào hang ma quái gì đó vì giá còn cao hơn”, chị Dịu nói.

Ra khỏi công viên, hai mẹ con vào hàng phở ở đầu đường Bưởi. Bát phở cũng bị “chém đẹp” 25.000 đồng vì “ngày lễ nên tăng giá”. 200.000 đồng chị mang theo chỉ còn mấy nghìn lẻ. Cu con đòi mua đồ chơi, chị dọa: “Đòi mua thì về, không đi nữa”. Tuy nhiên nhân thể ngày đưa con đi chơi, trời về chiều mát, chị vòng qua toà nhà HITC rút thêm ít tiền từ thẻ ATM, đưa con ra sân vận động Mỹ Đình.

Muốn dắt con đi dạo lại phải gửi xe. Giá gửi mềm hơn 10.000 đồng/lượt. Hàng nước đặc quanh sân nhưng hàng nào cũng đắt, chai trà xanh 13.000 đồng, chai La vie nhỏ 8.000 đồng. Ở sân Mỹ Đình cũng có sân vui chơi cho trẻ em, cu con lại đòi, chị chép miệng cho vào. Chỉ một thoáng, gần trăm nghìn nữa cũng “đi tong”.

Chị ra về khi đã tiêu gần hết 500.000 đồng nhưng hai mẹ con còn phải đi ăn. “Thật sự là choáng, đã đắt rồi còn bị chặt chém. Đó là mình còn phải kìm hãm những đòi hỏi của con không thì chẳng biết thế nào. Đang tính hôm này mua cho con giá sách nhưng chắc thôi”.

Vợ chồng chị Dịu là công nhân viên chức nhà nước, lương chị chỉ đủ trả tiền thuê nhà, điện nước, còn mọi sinh hoạt khác trong gia đình “ôm trọn” lương chồng: “Chi tiêu hàng ngày rất khó khăn, khoản nào cũng “lên khuôn” nên chẳng dôi ra. Ngày lễ chỉ có thể đưa con đi quanh quẩn ở nội thành, chẳng thể chơi “thả phanh” mà còn “âm” nặng vào tiền chi tiêu của gia đình”, chị Dịu buồn rầu.

Ngày lễ lạt khác, vợ chồng chị Hằng, nhà ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh “giải khuây” cho con bằng cách cho sang nhà bà nội chơi. Nhưng ngày lễ 1/6 này chị quyết định đưa con đi chơi trong nội thành. Chị tính hai đứa con của chị chơi “tẹt ga” một buổi chiều cũng chỉ hết chừng 300.000 đồng.

Trời nắng, chị phải gọi taxi, hết 135.000 đồng. Dừng ở công viên nước Hồ Tây nhưng thấy giá vé cao quá nên chị Hằng “rút lui”, ba mẹ con… gọi xe ôm về hồ Trúc Bạch đạp thuyền con vịt. Chỉ 30 phút, hết giờ, chị lại bắt xe ôm lên công viên Thủ Lệ.

Chỉ một chốc, hai đứa con của chị Hằng đã “nướng” sạch hơn 200.000 đồng tiền mua vé trò chơi thế mà vẫn kêu “con muốn chơi tiếp”. Ba mẹ con ăn uống lai rai, mỗi một lần rút ví trả tiền, chị Hằng lại cố gắng che đi vẻ nóng ruột của mình nhưng vẫn buột miệng: “Sao mà đắt thế!”.

Chị Hằng ấm ức: “Tôi chụp có hai bức ảnh, chẳng biết người ta “khui” ở đâu ra đến 5 bức, thế là phải móc túi trả 100.000 đồng để lấy hết”.

Vòng đi vòng lại, tiền ăn, tiền uống, tiền chơi của con thế là một triệu trong ví của chị Hằng cũng hết. Tiếc tiền, không dám gọi taxi để về, chị gọi điện nói chồng sang đón. Chị lắc đầu: “Còn tính sang đây tranh thủ mua đồ chơi cho con nhưng cuối cùng chỉ xách được hai quả bóng bay. Ai ngờ, đi chơi đơn giản đến thế mà lại tốn kém thế này. Trách gì, ngày lễ lạt, quanh nhà mình chẳng nhà nào dám đưa con đi chơi”.

Chưa đòi hỏi cao xa, chỉ đưa con đi chơi ở những khu vui giải trí đơn thuần trong nội thành nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội cũng đã “chẳng thở nổi”.

 Hoài Nam