DMagazine

Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo

(Dân trí) - Từ sáng đến khuya, Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt vẫn miệt mài xỏ kim, cắt vải rồi đạp chiếc máy khâu cũ kỹ may hàng trăm chiếc khẩu trang tặng người nghèo.

Mẹ VNAH 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người dân

Từ sáng đến khuya, Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt miệt mài xỏ kim, cắt vải rồi đạp chiếc máy khâu cũ kỹ may hàng trăm chiếc khẩu trang tặng người nghèo.

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ rộng rãi về hình ảnh một cụ già ngồi may khẩu trang cùng cả nước phòng dịch Covid-19. Ngay sau khi được đăng tải, thông tin trên đã nhận được hàng ngàn lượt yêu thích và bình luận từ cộng đồng mạng.

Theo thông tin chia sẻ, PV Dân trí đã nhờ đến sự chỉ dẫn của một cán bộ phường 5 (quận Gò Vấp, TPHCM) để đến tìm hiểu câu chuyện trên. Trong con nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm đường Huỳnh Khương An, một cụ già tóc bạc phơ vẫn cặm cụi bên tiếng máy khâu lạch cạch.

Cụ bà vui vẻ cho biết tên là Ngô Thị Quýt, do tuổi già nên cụ chọn chiếc máy khâu làm bầu bạn. Năm 2015 cụ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng khi cả chồng và con đều là những liệt sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1947 đến 1966.

Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 1
Mẹ VNAH Ngô Thị Quýt đang miệt mài may khẩu trang
Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 2
Mẹ Quýt trau chuốt từng công đoạn
Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 3
Mỗi một chiếc khẩu trang thành phẩm đều chứa đựng tấm lòng của người mẹ VNAH

Mẹ Quýt cho biết ngày trước tham gia kháng chiến nên bị mù một mắt trái, mắt phải cũng yếu dần theo thời gian. Tuy vậy, tinh thần cụ vẫn rất minh mẫn, đôi tay khéo léo nên công việc may khẩu trang cũng không gặp nhiều khó khăn. Các công đoạn để làm nên một chiếc khẩu trang như gom vải thừa, cắt tạo dáng, đi chỉ, làm dây đeo, cụ Quýt đều làm khá thành thục.

Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 4
Lúc nào mệt, mẹ Quýt ngồi nghỉ, hiền hoà nhìn mọi người làm việc
Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 5
Đôi tay thoăn thoắt điều khiển đường chỉ của người “công nhân may” đặc biệt khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên

"Mỗi ngày đọc báo, xem tivi để nắm rõ tình hình dịch bệnh và thấy người dân còn thiếu khẩu trang nên hơn 10 ngày nay tui may khẩu trang góp phần cùng cả nước chống dịch. Mấy cô mạnh tay thì cắt một lần ba bốn lớp vải, tui sức yếu thì chỉ cắt một lớp. Cũng như trong thời buổi dịch bệnh này, ai có nhiều giúp nhiều, tui tuổi già thì giúp chút ít", mẹ Quýt vừa cặm cụi xỏ kim vừa chia sẻ. 

Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 6

Mẹ Quýt tự cắt khuôn bằng miếng bìa giấy có hình vẽ rất dễ thương.

Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 7

Mẹ Quýt đã may chăn màn từ thiện hơn 20 năm qua

Chị Phan Thị Hồng Đào, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp cho biết hiện mẹ Quýt đang cùng hội tham gia may khẩu trang để tăng công suất.

Lúc đầu thấy mẹ Quýt tuổi cao, sợ mẹ khổ nên mọi người có khuyên can nhưng mẹ cứ quyết tâm: "Để tui giúp một tay". "Hễ hết vải chưa kịp mang đến là mẹ Quýt lại giục. Nhưng sợ mẹ ham việc ảnh hưởng đến sức khỏe, thỉnh thoảng chị em trong hội lại nói đùa ‘Hết vải rồi má ơi’", chị Đào chia sẻ. 

Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 8
Sự giúp sức của mẹ Quýt luôn mang lại tiếng cười cho cả xưởng

Cũng theo chị Đào, nhiều năm nay, mẹ Quýt cũng tham gia may vỏ chăn từ thiện để giúp đỡ những người dân nghèo trong cả nước. Mẹ yêu thích công việc may vá vì thời kháng chiến chống Mỹ mẹ có tham gia may đồng phục cho các chiến sĩ. 

Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo - 9
May vá với mẹ Quýt không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là niềm vui cuộc sống

Chia sẻ về việc may chăn, mẹ Quýt cười rồi nói: "Mấy năm trước còn nhiều sức khỏe thì cứ đi xin vải thừa ở khắp nơi rồi về may, sau đó đi tặng cho các hoàn cảnh khó khăn. Giờ sức khỏe giảm rồi nên không đi xa được, may tại chỗ và nhờ người mang đi tặng". 

Mẹ Quýt không nhớ rõ mình đã may được bao nhiêu chiếc khẩu trang trong những ngày qua. Cứ cắt vải rồi may, hoàn thiện sản phẩm lại cột lại thành chồng lớn để cán bộ Hội Phụ nữ đến lấy về giặt, ủi. Cứ như vậy, những chiếc khẩu trang mẹ may cũng đã kịp đến tay những người khó khăn.

 Phạm Nguyễn - Xuân Hinh