Quảng Trị:

Máy sấy chạy hết công suất “cứu” hàng trăm tấn lúa ngập nước, nảy mầm

(Dân trí) - Mưa lũ kéo dài khiến gần 4.500 ha lúa của nông dân Quảng Trị không kịp thu hoạch, ước tính hàng ngàn tấn lúa bị ngập sâu trong nước dẫn đến nảy mầm. Để giúp bà con giữ lại lương thực, Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi phải huy động nhân lực, máy móc để “cứu” lúa.

Huy động nhân lực sấy lúa cho bà con nông dân bị ngập do lũ

Lúa bị ngập nước, nảy mầm, nông dân khốn đốn

Sau trận lũ dài ngày, nhiều nông dân Quảng Trị rơi vào cảnh khốn đốn do lúa bị ngập trong nước, nảy mầm nhưng chưa thể thu hoạch. Thậm chí, một số hộ rơi vào cảnh “trắng tay” do lúa bị hư hại do lũ.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có gần 4.500 ha lúa của người dân không kịp thu hoạch. Trong đó, có gần 2.000 ha lúa của nông dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong... bị ngập nặng.

Tranh thủ thời điểm nước rút, nhiều người dân đã ra đồng thu hoạch, mong vớt lại phần nào diện tích lúa bị ngập, đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình.

Máy sấy chạy hết công suất “cứu” hàng trăm tấn lúa ngập nước, nảy mầm - 1

Những khu vực nước rút, người dân tranh thủ thuê máy thu hoạch.

Tại cánh đồng xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ nhiều máy móc được huy động để gặt lúa cho bà con. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa bị hư hại do lũ nên việc thu hoạch rất khó khăn. Một số vẫn ngập nước nên không thể thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Minh - HTX Thanh Sơn (xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ) cho biết, gia đình ông làm một mẫu ruộng, nhưng mới thu hoạch được 2 sào thì gặp mưa lũ. Hiện khá lớn diện tích vẫn bị ngập nước.

Máy sấy chạy hết công suất “cứu” hàng trăm tấn lúa ngập nước, nảy mầm - 2

Nhiều diện tích lúa vẫn ngập nước lũ.

“Trời vừa dứt mưa nên chúng tôi tranh thủ thu hoạch những phần diện tích lúa đã rút nước. Còn lại phải chờ nước cạn mới thu hoạch được. Nhưng do lúa ngập nước nhiều ngày nên việc gặt thủ công rất khó khăn, phải chờ máy. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết người dân khu vực này đều có lúa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ”, ông Minh nói.

Nhằm hỗ trợ người dân sau thu hoạch, phía Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi Quảng Trị đã về tận nơi, thu mua lúa cho bà con ngay tại chân ruộng. Việc thu mua lúa kịp thời góp phần đảm bảo cho bà con nông dân các vùng bị ngập do lũ tiêu thụ sản phẩm lúa tươi, gỡ gạc lại công sức bỏ ra trong hoạt động sản xuất.

Dồn sức sấy lúa

Những ngày qua, Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi phải chạy máy sấy hết công suất để “cứu” hàng trăm ha lúa bị ngập, lên mầm cho bà con vùng lũ.

Máy sấy chạy hết công suất “cứu” hàng trăm tấn lúa ngập nước, nảy mầm - 3

Các nhân viên Trung tâm giống cây trồng tập trung sấy lúa cho bà con.

Ông Phạm Xuân Tuyên - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi cho biết, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, túc trực ngày đêm để sấy lúa. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân khá lớn, lượng lúa bị ngập, lên mầm nhiều. Trong khi đó, dù đã cố gắng nhưng trung bình mỗi ngày đêm chỉ sấy được khoảng 80 tấn lúa.

Máy sấy chạy hết công suất “cứu” hàng trăm tấn lúa ngập nước, nảy mầm - 4

Nếu không sấy kịp thời thì lúa bị hư hỏng, không thể sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Hằng - xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh cho biết, gia đình bà canh tác 13 mẫu ruộng, nhưng mới chỉ thu hoạch được 9 mẫu, số còn lại coi như mất trắng do bị ngập trong nước lũ. Phần lớn lúa bị ngập úng, hư hại phải vận chuyển đi sấy.

“Ngày hôm nay, tôi thuê xe vận chuyển lúa vào trung tâm sấy là 25 tấn, chi phí sấy lúa mất 12 triệu đồng, chi phí vận chuyển nữa hết 17 triệu đồng”, bà Hằng cho hay.

Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh cho biết, từ cuối tháng 8 đến nay đã thu mua của bà con nông dân các địa phương gần 1.000 tấn lúa tươi, giúp bà con tiêu thụ lúa tươi, tránh thiệt thòi trong sản xuất, kinh doanh.

Máy sấy chạy hết công suất “cứu” hàng trăm tấn lúa ngập nước, nảy mầm - 5

Trung bình mỗi ngày đêm sấy được khoảng 80 tấn.

Máy sấy chạy hết công suất “cứu” hàng trăm tấn lúa ngập nước, nảy mầm - 6

Những ngày qua, Trung tâm đã sấy cho bà con hơn 300 tấn lúa bị lên mầm.

“Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lũ nên trung tâm phải chạy máy sấy lúa giúp bà con nông dân các vùng ngập do lũ. Đơn vị chỉ thu lại chi phí tiền than, tiền điện, còn lại hỗ trợ hết cho bà con. Nếu không sấy kịp thời thì số lúa này bị hư hại hết. Số lượng lúa hư hại được sấy khoảng hơn 300 tấn. Do nguồn lực của trung tâm không đáp hết nhu cầu, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp cho máy chạy hết công suất để hỗ trợ người dân”, ông Tuyên cho hay.

Đ. Đức