Máy bay Việt Nam an toàn đến đâu?

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 5 tuần, từ tháng 8 đến đầu tháng 9, trên thế giới đã xảy ra đến 6 vụ tai nạn máy bay lớn, con số người thiệt mạng lên đến 500. Nhiều người bắt đầu lo ngại và không thể không đặt câu hỏi: Hàng không Việt Nam đảm bảo an toàn bay như thế nào?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Minh Tấn, Phó trưởng Ban tiêu chuẩn an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam về vấn đề này. Ông cho biết:

 

Quản lý an toàn bay hiện nay có những qui định rất chặt chẽ ở cả góc độ quốc tế cũng như ở từng quốc gia. Ở quốc tế thì có Hiệp hội Hàng không quốc tế (ICAO), với 188 thành viên và các thành viên đã cùng ký Hiệp ước về đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bay, gọi là Hiệp ước Chicago. Hiệp ước này có 18 chương, qui định rõ ràng những tiêu chuẩn về an toàn bay từ thiết kế, sản xuất máy bay cho đến việc duy trì, bảo dưỡng máy bay. Việt Nam là thành viên ICAO từ 1980.

 

Việt Nam đã có Luật Hàng không dân dụng, thể hiện cam kết thực hiện các tiêu chuẩn ICAO đưa ra. Bên cạnh đó còn có các qui chế về phê chuẩn người lái (FCL), qui chế về nhân viên kỹ thuật, qui chế đối với các tổ chức bảo dưỡng máy bay...

 

Hàng không Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn an toàn bay của ICAO ở mức độ nào, thưa ông?

 

Để hoà nhập, Việt Nam đã xây dựng nhiều quy chế để đảm bảo an toàn bay, và việc thực hiện qui chế đều rất nghiêm túc. Ví dụ như Việt Nam Airlines (VNA) có chứng chỉ AOC, chứng chỉ nhà khai thác do Cục Hàng không cấp. Để có được chứng chỉ này VNA phải thể hiện bằng những qui trình nội bộ nghiêm ngặt. Theo đánh giá,  VNA có bộ qui chuẩn hoàn chỉnh với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài.

 

Hàng không VN cũng đã đón tiếp đoàn ICAO năm 2003, năm 2004 đón tiếp nhà chức trách hàng không Mỹ. Vừa qua, được sự hỗ trợ của Boing đã thuê một công ty độc lập đánh giá tiêu chuẩn hàng không. Nói chung các qui chế,  tiêu chuẩn của Việt Nam đều đáp ứng yêu cầu của ICAO.

 

Mặc dù qui định của ICAO khá chi tiết nhưng chỉ yêu cầu các nước thành viên chấp hành qui định ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, tuỳ theo mức độ phát triển mà mỗi  nước lại có những yêu cầu ở mức độ khác nhau, có thể còn cao hơn tiêu chuẩn của ICAO.

 

Trước năm 2000 ICAO chỉ đưa ra tiêu chuẩn và các nước, các tổ chức hàng không tự giác thực hiện. Từ 2000 đến nay, ICAO đưa ra chương trình USOAP (Universal Safety Oversight Audit Program) và luân phiên nhau đi kiểm tra việc tuân thủ, đánh giá việc thực hiện của hàng không các nước.

Việc kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn bay ở  Việt Nam được thực hiện thế nào?

 

Hàng năm Cục Hàng không đều có kiểm tra, đánh giá đối với hệ thống hàng không Việt Nam để cấp chứng chỉ và gia hạn chứng chỉ. Mỗi lần gia hạn đều có sự kiểm tra toàn diện bao gồm cả khai thác,  kỹ thuật, qui trình phê chuẩn nhân viên, ghi chép hồ sơ…

 

Đối với những người khai thác hàng không như phi công và nhân viên kỹ thuật  thì hàng năm cũng phải gia hạn chứng chỉ một lần.  Ví dụ như, phi công cứ 6 tháng phải đi buồng máy giả, ở đó có giáo viên kiểm tra và thực hiện xử lý các tình huống giả định. Đối với nhân viên kỹ thuật,  hiện đã có qui chế 366 về cấp bằng và thời hạn của bằng là 5 năm. Tuy nhiên, cứ hai năm lại được huấn luyện lại và trong hai năm đó phải có tối thiểu 6 tháng làm việc  thực tế.... Tóm lại, những người làm việc liên quan đến máy bay đều được kiểm tra chặt chẽ.

 

Theo đánh giá, Hàng không Việt Nam có tần suất kiểm tra rất cao và chặt chẽ. Ngay cả hàng không Pháp cũng  3 năm mới kiểm tra và cấp chứng chỉ một lần nhưng ở ta năm nào cũng kiểm tra, chưa kể thời gian bảo dưỡng định kỳ hàng năm.

 

Bảo dưỡng máy bay là một khâu quan trọng trong việc đảm bảo an toàn bay. Các tổ chức bảo dưỡng ở Việt Nam hiện nay được đánh giá thế nào thưa ông?

 

Hiện nay ở Việt Nam có 6 tổ chức bảo dưỡng được nhà trức trách hàng không cấp chứng chỉ. Hàng năm, Cục Hàng không đều có sự kiểm tra và gia hạn chứng  chỉ. Việc kiểm tra được thực hiện tổng thể từ nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ, con người, qui trình…

 

 

Máy bay Việt Nam an toàn đến đâu? - 1
 

Ông Hồ Minh Tấn

Ngoài ra một số công việc bảo dưỡng do năng lực ở Việt Nam chưa thực hiện được, phải thuê công ty nước ngoài thì  công ty này cũng phải tuân thủ những qui định của Cục Hàng không và cũng phải được đánh giá hàng năm.

 

Ông có nhận định gì về hàng loạt những vụ tai nạn máy bay trên thế giới thời gian qua?

 

Có thể nhận thấy hàng loạt tai nạn vừa qua đều  liên quan đến những máy bay đã cũ. Gần đây nhất máy bay của Indonesia thì đã sử dụng được khoảng 25 năm và có tới 50.000 giờ bay. Phần lớn các tai nạn liên quan đến máy bay có nhiên hạn sử dụng quá lâu.

 

Ông đánh giá thế nào về VNA hiện nay?

 

Hàng không Việt Nam, đặc biệt là VNA có dàn máy bay rất mới, đội bay trẻ. Cùng với sự siết chặt các qui định về an toàn bay thì việc an toàn đối với VNA không đáng lo ngại.  Độ tuổi trung bình của các máy bay do VNA đang khai thác chỉ khoảng 6-7 năm, thậm chí số máy bay Boing của ta mới chỉ đưa vào khai thác được  1-2 năm.

 

Ngoài ra, chúng tôi còn thành lập đội kiểm tra, thanh tra những chứng chỉ, khả năng đối với những máy bay hạ cánh xuống sân bay VN.

 

Liệu những hãng hàng không giá rẻ có an toàn?

 

Không thể nói họ không an toàn. Xu hướng trên thế giới là  làm hàng không giá rẻ, và qui định là họ chỉ tiết kiệm những loại hình dịch vụ không cần thiết chứ không giảm hệ thống đảm bảo an toàn. Nếu họ duy trì được nghiêm việc thực hiện các qui định về an toàn thì tôi nghĩ các hãng này vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

 

Xin cảm ơn ông.

                       

Đức Hoà thực hiện