1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Máy bay chở 26 người đã trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất như thế nào?

(Dân trí) - Chiếc ATR72 của Hãng hàng không Quốc gia Campuchia (Campodia Angkor Air) bị trượt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đã làm mẻ đầu mút một lá cánh quạt động cơ máy bay, một số vết rách buồng càng, vỡ hộp đèn chỉ dẫn. Hiện hộp đen và máy bay đã được niêm phong để phục vụ điều tra.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 2/4, chuyến bay mang số hiệu K6818 chở theo 21 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn cùng 35 kiện hành lý (513 kg), thực hiện hành trình Phnom Penh - Hồ Chí Minh (PNH-SGN) và dự kiến hạ cánh san bay Tân Sơn Nhất - TPHCM lúc 17h48 (giờ địa phương). Tuy nhiên, lúc 17h41 (giờ Việt Nam), khi thực hiện hạ cánh xuống đường cất hạ cánh (CHC) 07R/25L tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chuyến bay K6818 bị xông ra lề phía Nam đường băng đoạn giữa W5-W3.

Ngay sau khi nhận được thông tin về tàu bay bị sự cố, Cảng vụ hàng không miền Nam đã triển khai lực lượng đến hiện trường lúc 17h50 và xác nhận ban đầu: Tàu bay hạ cánh đường CHC 07R/25L vị trí tàu bay bắt đầu bị trượt ra lề phía Nam đường CHC đoạn giữa W7 và W5, cách W5 khoảng 50.3m, máy bay tiếp tục di chuyển và dừng hẳn tại đoạn giữa W5 và W3, càng mũi cách lề đường CHC khoảng 24m. Thời điểm đó, lực lượng cứu hoả sân bay, cứu nạn sân bay và các lực lượng liên quan đã tiếp cận hiện trường để sẵn sàng hỗ trợ.

Nguồn tin của Dân trí cho biết, hậu quả ban đầu xác định: Máy bay bị mẻ đầu mút một lá cánh quạt động cơ số 1, một số vết rách buồng càng bền phải, hộp đèn chỉ dẫn W5 bị vỡ. Không xảy ra cháy nổ và rất may không có thiệt hại về người và hành lý, hàng hóa. Hiện thiết bị “hộp đen” máy bay đã được tháo và máy bay đã được niêm phong để phục vụ công tác điều tra.

Máy bay ATR 72 của Hãng hàng không Quốc gia Campuchia Angkor Air
Máy bay ATR 72 của Hãng hàng không Quốc gia Campuchia Angkor Air

Cảng vụ Hàng không miền Nam khẳng định, trước khi tàu bay hạ cánh, tình trạng đường CHC, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bảo đảm tốt. Tại thời điểm chuyến bay K6818 hạ cánh, thời tiết tại sân đảm bảo cho hoạt động bay. Máy bay được bảo dưỡng gần nhất ngày 22/03/2016, dạng bảo dưỡng A check tại VAECO - Việt Nam. Trước khi cất cánh không có ghi nhận bất kỳ hỏng hóc gì liên quan đến hệ thống điều khiển tàu bay.

Ngay sau khi sơ tán hành khách và hành lý ra khỏi tàu bay, Ban chỉ huy hiện trường Trung tâm hiệp đồng khẩn nguy Tân Sơn Nhất đã thống nhất triển khai phương án di dời máy bay để sớm đưa đường hạ cất cánh 25L/07R vào khai thác trở lại. Lúc 19h02, Công ty kỹ thuật bão dưỡng máy bay (VAECO) bắt đầu tiến hành kéo tàu bay về Hangar, sau đó các đơn vị phối hợp kiểm tra tình trạng đường CHC 25L/07R đảm bảo đưa vào khai thác trở lại lúc 19h48. Cảng vụ hàng không miền Nam phối hợp với VAECO tiến hành tháo thiết bị “hộp đen” và niêm phong tàu bay để phục vụ công tác điều tra.

Chuyến bay K6818 được điều hành bởi Cơ trưởng Nguyễn Mạnh Hòa (33 tuổi) - Quốc tịch Việt Nam, mang giấy phép lái tàu bay vận tải thương mại (ATPL) số 036/K6/PEL/13 do Nhà chức trách hàng không Campuchia cấp. Cơ phó là Võ Quang Vinh (29 tuổi) - Quốc tịch Việt Nam, mang giấy phép lái tàu bay thương mại số 016/K6/PEL/15 do Nhà chức trách hàng không Campuchia cấp. Hai tiếp viên mang quốc tịch Campuchia và một phi công Việt Nam bay chuyển sân theo tổ bay.

Cục Hàng không Việt Nam đã cử tổ công tác vào hiện trường ngay sau khi xảy ra sự cố để tiến hành thu thập thông tin nhằm điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố. Cục này cũng xác định đây là sự cố được phân loại nghiêm trọng theo quy định tại phụ đính C, phụ ước 13 Công ước Chicago 1944 và nghị định 75/2007/NĐ-CP về điều tra sự cố tai nạn tàu bay. Đây là máy bay mang quốc tịch nước ngoài, do hãng không nước ngoài khai thác và xảy ra sự cố tại Việt Nam, do vậy trách nhiệm điều tra là Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo cho nhà chức trách hành không Campuchia và các nhà chức trách có liên quan khác để thành lập tổ điều tra làm rõ nguyên nhân theo quy định. Công tác điều tra sự cố sẽ có sự tham gia của các bên liên quan, gồm: Việt Nam, Campuchia và Pháp (nước chế tạo máy bay).

Hôm qua (4/4), phía Campuchia đã cử thành viên đến Việt Nam tham gia tổ điều tra và đã tiếp cận sơ bộ tình trạng máy bay. Tuy nhiên hiện thành viên của nhà chế tạo chưa có mặt nên công tác phân tích dữ liệu hộp đen vẫn đang được bảo lưu, khi có đủ thành phần thì việc đọc dữ liệu hộp đen mới chính thức được tiến hành.

Châu Như Quỳnh