1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mạng xã hội vừa là đối thủ vừa là đối tác của báo chí

(Dân trí) - "Nếu các nhà báo khai thác tốt các thông tin được đưa lên mạng xã hội thì đó sẽ là một trợ thủ, đối tác rất tốt để làm nghề. Nếu không nhận thức được mạng xã hội là đối thủ của báo chí thì sẽ thất bại ngay lập tức”

Tại buổi tọa đàm “Các xu hướng báo chí hiện đại” do Hội Nhà báo Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 9/2, TS Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, sự xuất hiện của mạng xã hội đã “đảo lộn” phong cách làm báo truyền thống trước đây.

“Mạng xã hội sẽ vừa là đối tác, trợ thủ cho những người làm báo chúng ta nhưng cũng đồng thời là đối thủ của chính những người làm báo. Nếu các nhà báo khai thác tốt các thông tin được đưa lên mạng xã hội thì đó sẽ là một trợ thủ, đối tác rất tốt để làm nghề. Chúng ta sẽ khai thác thông tin của mạng xã hội trên cơ sở kiểm chứng, xác thực. Nếu không nhận thức được mạng xã hội sẽ là đối thủ của báo chí thì sẽ thất bại ngay lập tức”- ông Dung nhận định.

TS Trần Bá Dung (đứng, ngoài cùng bên trái) trình bày về xu hướng phát triển của báo chí.
TS Trần Bá Dung (đứng, ngoài cùng bên trái) trình bày về xu hướng phát triển của báo chí.

TS Dung cho biết các tờ báo lớn ở nước Đức luôn coi mạng xã hội là một nguồn tin đầu tiên để tìm kiếm, gợi ý “địa chỉ” chứ không phải tin để đưa lên báo. “Họ - những nhà báo chuyên nghiệp và làm báo tự do ở Đức, rất ý thức về việc đó. Chính vì thế mà tại buổi họp tổng kết cuối năm vừa rồi của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng mới nói rằng không thể cấm người dân đưa thông tin lên mạng xã hội, mà các cơ quan nhà nước phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội để đánh bật thông tin không chính xác, xuyên tạc”- ông Dung dẫn chứng.

Trước xu thế đó, ông Dung nhận định: Các cơ quan báo in truyền thống phải có nhiều đổi mới trong cách đưa tin, tạo ra sự khác biệt trong việc phản ánh các sự việc nếu không sẽ khó tồn tại. Ngay cả việc quảng cáo trên báo in cũng phải thay đổi thay hướng “có thông tin”. “Khách hàng đọc báo in đòi hỏi quảng cáo trên đó phải giúp họ có thể kiểm tra được. Người ta sẽ phải gọi điện để kiểm tra ngay được ông này nói thế có đúng không ?”- ông Dung nói.

TS Trần Bá Dung cho biết mọi công dân đều có thể tham gia sản xuất ra các sản phẩm báo chí truyền thông. Đó là xu thế đã có từ lâu ở rất nhiều nước trên thế giới. “Người dân tham gia làm báo chứ không phải quyết định thông tin đăng trên báo nên vai trò của nhà báo chuyên nghiệp không bao giờ mất đi. Công dân sẽ chỉ tham gia cung cấp nguyên liệu thô, còn việc đăng tải như thế nào thuộc về các tòa báo. Có báo chí công dân đến mấy thì vẫn cần những nhà báo chuyên nghiệp”- ông Dung nhìn nhận.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, phổ cập các thiết bị điện thoại thông minh đang đòi hỏi những người làm nghề phóng viên phải đa năng hơn, cách biên tập bài báo cũng phải khác đi và kinh doanh báo chí cũng thay đổi để phù hợp với thực tế.

“Nhà báo sẽ phải giảm thời gian để hoàn thành một bài viết. Bài viết về một vấn đề nào đó phải được truyền tải tới công chúng nhanh nhạy, tức thì hơn. Chúng tôi khảo sát ở Đức thì thấy người ta chỉ còn mất khoảng 1/5 thời gian như trước đây để hoàn thành một tác phẩm đăng báo”- ông Dung dẫn chứng.

Nội dung nào xuất sắc mới tồn tại được

Từ những nghiên cứu của mình, TS Trần Bá Dung cho rằng xu hướng toàn cầu sản phẩm báo chí là điều tất yếu khi mọi bài viết được đăng tải lên mạng. Nhưng chính vì thế nên xu hướng “địa phương hóa thông tin” lại trở thành vấn đề các báo cần quan tâm. “Ví dụ như ở Nhật Bản, báo phát hành ở quận nào thì thông tin ở quận đó rất đậm nét. Việc thông tin theo hướng địa phương hóa ở báo chí Việt Nam hiện nay làm chưa tốt, dù nhiều báo đã có trang địa phương. Xu hướng phát triển của báo chí đã cho thấy càng địa phương hóa thông tin càng tốt, người Hà Nội cần biết toàn bộ thông tin diễn ra trên địa bàn của mình nhiều hơn thông tin ở các địa phương khác”- ông Dung dẫn chứng.

Tuy nhiên dù truyền tải thông tin nhanh nhạy, kịp thời cỡ nào đi chăng nữa thì theo TS Trần Bá Dung, báo chí cần phải chú trọng tới tính nhân văn. “Tính nhân văn của báo chí sẽ đặc biệt quan trọng, bởi nếu không sẽ vô tình hay hữu ý làm hại tới người khác”- ông Dung nói.

Nhà báo Phạm Anh Chiến - Giám đốc Trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số thuộc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) - cho biết VTV đã và đang chuyển hướng để truyền tải thông tin “mọi nơi, mọi lúc, trên mọi thiết bị” và người dân sẽ không còn tiếp cận thông tin của VTV chỉ thông qua tivi nữa.

“Chúng tôi xây dựng mạng xã hội để trở thành kênh tiếp xúc với khán giả, sử dụng mạnh Youtube để phát lại các chương trình trên tivi; dùng ứng dụng di động để cho khán giả tương tác với chương trình miễn phí. Chúng tôi sẽ tấn công vào lớp cuối cùng, đó là khán giả không sử dụng điện thoại thông minh bằng dịch vụ voice VTV. Tức là sản xuất ra sản phẩm chỉ có audio để người dùng điện thoại bình thường, không phải điện thoại thông minh cũng có thể tiếp cận được thông tin trên tivi... Một nội dung đa dịch vụ phân phối trên đa nền tảng”- ông Chiến nói.

Theo ông Phạm Anh Chiến, khán giả hiện nay có quá nhiều thông tin, chính vì thế nội dung nào xuất sắc thì mới tồn tại được. “VTV nhìn nhận thế nào về mạng xã hội ?. Chúng tôi nhìn nhận đây là đối thủ nhưng phải biến thành đối tác lớn nhất. Ví dụ như ngày xưa rất sợ đưa các video VTV lên Youtube, nhưng Google bây giờ là đối tác chiến lược của VTV. Google không chỉ giúp VTV bảo vệ bản quyền trên Youtube mà còn mang lại nguồn thu cho VTV, đó là quảng cáo online. Đối thủ lớn nhất phải trở thành đối tác lớn nhất. Vấn đề của VTV bây giờ không phải thiếu nội dung mà là vì nhiều nội dung quá nên Tổng giám đốc của VTV từng nói rằng chỉ có nội dung xuất sắc mới có đất ở trên VTV. Như chương trình giờ vàng chỉ có 1 tiếng đồ hồ, xung quanh đó có không biết bao nhiêu thông tin, nên chúng tôi định nghĩa thông tin đó phải được đưa lên mạng xã hội, internet, đó là những thông tin không bao giờ các bạn nhìn thấy trên truyền hình cả”- ông Chiến nói.

Thế Kha