Lương không đủ sống mới buộc phải làm thêm

(Dân trí) - “Tôi khẳng định không một người lao động nào muốn làm thêm giờ. Vì lương quá thấp, tiền lương không đủ sống nên buộc lòng người ta phải chấp nhận việc làm tăng giờ, tăng ca” - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu.

Phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi tại Quốc hội hôm qua, 22/11, ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề tiền lương, thời giờ làm thêm…

Sai lầm vì… lương tối thiểu

Bỏ phiếu thuận cho đề xuất tăng số giờ làm thêm từ 200 giờ lên 360 giờ/năm như trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, việc đó phù hợp thực tiễn. Tăng thời lượng làm thêm cũng góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động khu vực và quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập.
 
Lương không đủ sống mới buộc phải làm thêm - 1

Đa số các đại biểu cho rằng người công nhân vì lương không đủ sống mới phải chấp nhận làm thêm (Ảnh minh họa: SGTT)

So sánh với một số nước lân cận, ông Thu cho rằng số giờ làm thêm tối đa của Việt Nam hiện đang ở mức thấp (Trung Quốc là 36 giờ/tháng, Indonexia 56 giờ/tháng, Hàn Quốc Singapo 72 giờ/tháng, Thái Lan 36 giờ/tuần…).

Đồng tình với những phân tích của ông Thu, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) dẫn chứng thực tế, các doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp dệt may, chế biến nông sản đều đã tổ chức làm thêm 300-700 giờ/năm. Làm thêm cũng là nhu cầu của người lao động để cải thiện thu nhập vì hiện nay lương rất thấp.

Đại biểu cho rằng đây cũng là quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường ở những đất nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 10 ngàn USD/năm. Theo đó, tăng giờ làm thêm là tạo sức thu hút và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động thế giới.

Những phân tích này không thuyết phục được bà Cù Thị Hậu (Hưng Yên). Đại biểu gật đầu với nhận định người lao động cũng muốn làm thêm để tăng thu nhập nhưng là do tình thế bắt buộc. Vấn đề là vì tiền lương quá thấp, công nhân phải thuê nhà ở, phải thuê phương tiện đi lại, không có điều kiện vui chơi giải trí. Do vậy người lao động phải tình nguyện làm thêm để có thêm một bữa cơm và có thêm thu nhập.

“Giải pháp tăng thêm thời gian lao động làm thêm để giúp cải thiện thu nhập cho người lao động sẽ làm nghèo kiệt sức lao động của người lao động hiện tại và sẽ trở thành vấn đề áp lực cho xã hội trong tương lai. Chúng ta sai lầm ở chỗ đáng ra phải tính lại vấn đề tiền lương tối thiểu quá thấp nên dù làm cật lực, tiền lương của người lao động cũng chỉ hơn mức tối thiểu quy định một chút” - bà Hậu khẳng định nhận xét này được rút ra từ trải nghiệm 19 năm làm công nhân dệt may của mình.

Ở khía cạnh khác, bà Hậu tính toán, công nhân đã phải làm việc 52 ngày thứ bảy trong năm, trong khi công chức nghỉ 104 ngày/năm. Nếu tăng thêm 360 giờ làm nữa, tương đương với 45 ngày. Như vậy, công nhân phải làm nhiều hơn công chức 97 ngày/năm, chỉ được nghỉ mỗi năm 7 ngày. Bà Hậu cho đó là sự bất công bằng giữa 2 khu vực lao động trí óc và chân tay.

Bữa ăn ca 7.000-9.000đ

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng bày tỏ lo ngại, thể chất của người Việt Nam còn hạn chế. Tai nạn lao động gia tăng trong những năm gần đây, đại biểu quả quyết có nguyên nhân từ việc làm thêm giờ quá nhiều khiến người lao động mệt mỏi, suy giảm về tinh thần, thao tác thiếu chính xác dẫn đến tai nạn.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng gật đầu với quan điểm “buộc tội” quy định tiền lương tối thiểu. Ông Phong phân tích, lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 60% yêu cầu cuộc sống, còn 40% người lao động phải cố làm thêm để có đủ tiền mưu sinh.

“Như vậy nhu cầu làm thêm của người lao động phải chăng do tiền lương chi phối. Không tháo gỡ, người lao động sẽ đòi làm thêm 700 - 800 giờ nữa” - ông Phong cảnh báo.

Chủ tịch đương nhiệm của cơ quan Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng phản bác thẳng quan điểm cho rằng tăng thời gian làm thêm vì người lao động, vì hội nhập, vì cạnh tranh… Ông Tùng khẳng định, quy luật tâm lý, người nào cũng có mong muốn, khát khao được ở bên chăm sóc gia đình, không một người lao động nào muốn làm thêm giờ. “Vì lương quá thấp, tiền lương không đủ sống nên buộc lòng người ta phải chấp nhận việc làm tăng giờ, tăng ca” – ông Tùng chua chát.

Đời sống công nhân hiện tại, vị Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động khẳng định là… thậm khổ. Công nhân dệt may, da giày ai cũng vàng vọt, ốm yếu, nhìn rất thương. Tiếp xúc với ông chủ nào cũng nói xem người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp nên phải chăm sóc tốt. Chăm sóc tốt nhưng bữa ăn giữa ca chỉ 9.000đ, có nơi 7.000đ. So sánh việc ăn tô phở 25.000đ còn chưa đủ no, ông Tùng đề nghị tăng tiền cơm trưa thì các ông chủ đều bảo… để nghiên cứu.

Ông Tùng cũng bức xúc cho rằng, không có lý do nào cán bộ, công chức làm việc 40 giờ/tuần còn người lao động khác làm việc 48 giờ/tuần. Để tránh mức chênh lệch, bất công lớn, ông Tùng đề nghị nên sửa quy định để một tuần người lao động chỉ làm việc 44 giờ, có nghĩa là ai cũng được nghỉ từ chiều thứ bảy.

“Nếu không giảm xuống thì nên giữ quy định thời lượng làm thêm như hiện tại. Không nên vì lợi ích của những người sử dụng lao động” – Chủ tịch Tổng liên đoàn đặt vấn đề ngược lại, sao không để người sử dụng lao động tuyển thêm lao động, để thêm hàng nghìn người lao động có công ăn việc làm và để nhiều người lao động khác được nghỉ ngơi.

Ông Tùng đề xuất quy định rõ thời giờ làm thêm mỗi ngày không quá 25% (làm việc 10 giờ mỗi ngày), vì nếu nới số giờ làm thêm 50%, một ngày người lao động phải làm việc 12 tiếng, sẽ không thể trụ nổi.

Về vấn đề tăng thêm một ngày nghỉ tết âm lịch, đại biểu Trần Ngọc Vinh hoàn toàn ủng hộ vì, nếu nghỉ tết 4 ngày, đi làm 1 ngày rồi lại tiếp tục nghỉ ngày cuối tuần sẽ không tạo điều kiện cho người lao động đi làm ăn xa có kỳ nghỉ dài. Việc đi lại nhiều lần sẽ gây ách tắc giao thông.

Quan trọng hơn, theo ông Vinh, thực tế cho thấy việc đi làm trong 1 ngày “chèn giữa” kỳ nghỉ như vậy không hiệu quả về mặt kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu dẫn chứng thêm, 2 năm qua, Chính phủ đã thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào dịp tết âm lịch, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ liền ngày dịp tết âm lịch, dư luận rất ủng hộ.

Ông Thu cũng phân tích, tổng số ngày nghỉ lễ hàng năm ở Việt Nam hiện là 9 ngày, ở mức là trung bình thấp khi so sánh với các quốc gia khác trên thế giới. Đại biểu điểm qua Trung Quốc là 11 ngày, Indonexia là 13 ngày, Hàn Quốc là 17 ngày, Philippin là 12 ngày, Thái Lan là 13 ngày, Campuchia là 25 ngày…

Nhiều đại biểu khác cũng kiến nghị quy định ngay việc nghỉ thêm 1 ngày tết âm lịch, không cần qua khâu rà soát, tổng kết, thăm dò như quan điểm của cơ quan soạn thảo.

P.Thảo