Lúng túng xử lý gần 5.700 lô đất bán trái thẩm quyền

(Dân trí) - Do buông lỏng quản lý, trong một thời gian dài, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã để xảy ra tình trạng bán trái thẩm quyền tới 5.699 lô đất. Đến nay, toàn huyện đang tồn đọng 2.262 lô đất chưa được cấp bìa đỏ.

Có thời gian dài, tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), việc xã, thôn, hợp tác xã (HTX) đứng ra cắt đất bán cho dân đơn giản như bán “mớ rau, con cá”. Cứ địa phương có việc cần đến tiền là cắt đất bán, thậm chí có xã còn bán đất cả trên hành lang đê, dưới đường điện cao thế. Việc mua bán diễn ra cách đây hàng chục năm, nhiều lô đất không còn hồ sơ, giấy tờ nhưng việc mua bán là có thật khiến chính quyền huyện Quảng Xương “đau đầu” không biết xử lý thế nào.

Xã, thôn, HTX bán đất “vô tội vạ”

Theo hồ sơ, việc bán đất trái thẩm quyền tại huyện Quảng Xương diễn ra ồ ạt từ năm 1990 đến 1995. Thời gian này, việc bán đất diễn ra ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện. UBND xã tự đứng ra bán đất, thậm chí thôn, xóm và HTX có đất dôi dư cũng “cắt” bán cho dân.

Mặc dù việc bán đất diễn ra công khai, tràn lan trong nhiều năm, nhưng tới năm 1995, UBND huyện Quảng Xương mới chỉ đạo dừng việc bán đất, tiến hành thanh kiểm tra và phát hiện có hơn 5.010 lô đất đã được xã, thôn, HTX đứng ra bán trái thẩm quyền.

Việc bán đất vô tội vạ trên đã dẫn tới hệ lụy sau hàng chục năm mua đất, người dân không được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), khiến nhân dân trên địa bàn huyện Quảng Xương rất bức xúc. Hầu như các cuộc tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng đề nghị các ngành chức năng xem xét cấp bìa cho 4.104/5.010 lô đất bán trái thẩm quyền giai đoạn trên. Đến năm 2014, UBND huyện Quảng Xương mới lên phương án giải quyết các tồn đọng về đất đai, trong đó sớm có phương án xử lý dứt điểm 4.104 lô đất.

Lúng túng xử lý gần 5.700 lô đất bán trái thẩm quyền - 1

Đoạn đường qua xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương – một trong những nơi có nhiều lô đất bán trái thẩm quyền.

Đến đầu năm 2017, UBND huyện Quảng Xương đã tiến hành hợp thức hóa, cấp bìa đỏ cho 2.021 lô đất có đầy đủ giấy tờ chứng minh được việc mua bán, còn 2.083 trường hợp vẫn chưa thể xử lý. Tuy nhiên, một điều “oái ăm” lại xảy ra khi các địa phương rà soát và báo lên thì huyện Quảng Xương lại “tòi” thêm 689 trường hợp bán đất trái thẩm quyền.

Ông Lê Công S. (trú thôn 4, xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương) cho biết, năm 1995, HTX điện Ngọc Nhị (xã Quảng Vọng) có tổ chức bán đất, gia đình ông mua một lô đất có diện tích 203 m3 với số tiền 1,9 triệu đồng. Sau khi mua đất, gia đình ông S. đã xây nhà, ở ổn định hàng chục năm không có tranh chấp với ai nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ.

“Thời điểm đó, cả xã có 3 HTX điện đều tiến hành bán đất, người dân chúng tôi chỉ biết mua đất xây nhà ở, ai biết sau này đó lại là đất bán trái thẩm quyền. Mong muốn của người dân là sớm được cấp bìa đỏ để ổn định cuộc sống, có thể thế chấp nhà cửa vay vốn để phát triển kinh tế”- ông S. cho hay.

Còn 2.262 lô đất, huyện cũng “bó tay”

Là một trong những xã bán đất trái thẩm quyền nhiều nhất huyện với 352 lô, thế nhưng đến thời điểm này, xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) mới xử lý hợp thức hóa được cho 180 trường hợp, còn 172 “ca khó” hiện vẫn chưa biết khi nào mới thực hiện được.

Ông Hoàng Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngọc cho biết, trong số 172 trường hợp, hiện xã đã rà soát và gửi 82 hồ sơ lên UBND huyện để thẩm định, xem xét cấp sổ đỏ cho dân. “Những trường hợp chưa được cấp sổ đều không còn giấy tờ chứng minh việc mua bán đất trước đây, thậm chí có nhiều lô vi phạm quy hoạch, nằm trong hành lang đê, lưới điện và đường giao thông nên địa phương cũng không biết xử lý thế nào”- ông Hồng nói.

Trao đổi về việc trên, ông Mã Văn Thanh, Trưởng phòng TN-MT huyện Quảng Xương cho biết, đến ngày 15/7, toàn huyện đang còn 2.262 trường hợp giao đất trái thẩm quyền chưa được cấp sổ đỏ.

“Các trường hợp bán đất trái thẩm quyền còn tồn đọng toàn là những trường hợp khó, hầu hết không còn giấy tờ liên quan đến việc giao đất như hóa đơn thu tiền, biên bản bàn giao đất, sổ sách kế toán qua các năm. Thậm chí phiếu thu nhiều xã chỉ ghi thu tiền đất ở, nhưng không có vị trí, diện tích... nên quá trình xét duyệt gặp rất nhiều khó khăn, Nếu mình mà cố làm cho dân, sẽ vi phạm pháp luật. Ngày trước đã sai rồi, giờ lại sai tiếp thì sao được”- ông Thanh thông tin.

Cũng theo ông Thanh, hiện phòng đã xây dựng phương án xử lý và yêu cầu các xã còn trường hợp bán đất trái thẩm quyền lập hồ sơ báo cáo chi tiết, phân loại cụ thể xem cái nào đủ điều kiện, cái nào không đủ điều kiện.

“Phòng cũng đã báo cáo hướng xử lý cho UBND huyện, tuy nhiên theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện thì tới đây sẽ mời Sở TN-MT và Sở Tài chính xuống tư vấn để tìm hướng xử lý. Huyện đang cố gắng sẽ xử lý xong đến năm 2020 đối với những trường hợp còn giấy tờ, còn những trường hợp không còn hồ sơ, giấy tờ chắc chắn không làm được, trừ khi nhà nước sửa luật”- ông Thanh nêu quan điểm.

Bình Minh