Luật sư phân tích về hành vi của những "gã ăn xin mặt đen quái dị"

(Dân trí) - Theo quan điểm của luật sư, hành vi của các đối tượng ăn xin bôi mặt đen, mặc đồ "quái dị" đã xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội. Các đối tượng đã cố ý phá vỡ tình trạng ổn định của cộng đồng, làm rối loạn xã hội và tạo ra tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân.

Hà Nội: Chủ cửa hàng điện thoại đối mặt kẻ ăn xin mặt đen “quái dị”
Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao về hình ảnh và thông tin về những người đàn ông bôi mặt đen nhẻm, mặc đồ đen, dáng vẻ "quái dị", tay cầm đầu gà và xúc xích với nhiều biểu hiện đáng nghi vấn, gây hoang mang cho nhiều người.
 
Không chỉ xuất hiện ở Hà Nội, nhiều cư dân mạng phản ánh việc bắt gặp những người với phong cách tương tự xuất hiện ở nhiều nơi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... khiến không ít người dân lo lắng.

Những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, cùng lời kể của những nhân chứng từng đối mặt với những đối tượng ăn xin "quái dị" cho thấy, họ có bộ mặt bôi đen, hai má được nhồi cho phồng ra, biến dạng. Những người này một tay cầm đầu gà hoặc cây xúc xích (cùng một số vật khó xác định), tay kia cầm đĩa kẹp sẵn tờ 20 ngàn đồng để gợi ý xin tiền. Họ luôn trợn trừng mắt mỗi khi chìa tay xin tiền, nếu ai cho ít hoặc không cho sẽ bị phản ứng, như cầm đĩa đập vào người, nhổ nước bọt...

Ngoài xin tiền, nhóm người này còn cầm đồ chơi lang thang đứng ở cổng các trường học. Nhiều bậc phụ huynh có con vô tình giáp mặt với nhóm mặt đen kể lại rằng trẻ nhỏ bị ám ảnh rất lâu vì những người này.

Luật sư phân tích về hành vi của những gã ăn xin mặt đen quái dị - 1

Một trong số những hình ảnh về đối tượng ăn xin "quái dị" xuất hiện trên mạng.

Về vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã có những nhận định dưới góc độ pháp lý như sau:

Hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng dân cư và làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường khác của mọi người. Các đối tượng đã cố ý phá vỡ tình trạng ổn định của cộng đồng, làm rối loạn xã hội và tạo ra tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân.

Trước tiên, xét hành vi của các đối tượng đã gây mất trật tự trên đường phố, khu dân cư, trường học, vi phạm điểm b, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Ngoài ra, các đối tượng còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ động cơ mục đích của nhóm các đối tượng vì đây là hành vi bất thường, không giống những người ăn xin trong xã hội là để tạo ra sự thương hại cho người khác giúp đỡ. Hành vi của các đối tượng ở đây là đang xin trên sự sợ hãi của người khác.

Các đối tượng đều là những thanh niên, người khỏe mạnh, có đủ khả năng lao động nhưng lại tổ chức đi ăn xin bằng những bộ dạng bên ngoài như vậy thì có căn cứ để xem xét động cơ mục đích không chỉ là đi ăn xin.

Theo quan điểm của Luật sư Thơm, không loại trừ khả năng các đối tượng đã dàn dựng việc đi ăn xin để chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng xã hội nhằm câu like, thu hút nhiều người xem.

Nếu có căn cứ xác định các đối tượng đã tổ chức dàn dựng việc đi ăn xin nhằm mục đích đưa lên mạng internet gây dư luận xấu trong xã hội thì tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS, hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng khuyên người dân cần hết sức kiềm chế, tuân thủ pháp luật khi phát hiện đối tượng ăn xin bôi mặt đen. Nếu phát hiện hoặc giữ đối tượng lại thì phải thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Thanh