Đồng Nai:

Lò gạch thủ công “bủa vây”, cả khu dân cư khốn đốn

(Dân trí) - Khói bụi từ quá trình vận chuyển, sản xuất gạch thủ công đang khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại xã An Hòa, TP. Biên Hòa khốn đốn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em.

Khói, bụi bao phủ khu dân cư

logach1-f2609
Các lò gạch thủ công trên địa bàn xã An Hòa đang khiến cuộc sống của người dân nơi đây khốn đốn, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng

Xã An Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là địa phương được xem như “thủ phủ” của các lò gạch thủ công. Theo thống kê của UBND xã An Hòa, hiện trên địa bàn có 24 lò gạch đang hoạt động, trong đó khu vực tập trung nhiều nhất là ở ấp 1 và ấp 3. Các lò gạch đều là của các doanh nghiệp tư nhân với diện tích mỗi lò lên đến hàng ngàn m2 và các bãi chứa thành phẩm, đất bùn nguyên liệu, các loại than, gỗ ván củi để đốt.

Đặc biệt, phần lớn các lò gạch với quy mô khá lớn nằm xen kẽ giữa khu dân cư, có lò nằm ngay sát vách nhà dân chỉ cách khoảng 5 đến 10m. Khói từ các ống khói lò gạch liên tục “nhả” suốt ngày đêm. Một lò gạch thường có nhiều miệng lò nhỏ, các lò gạch được các chủ cơ sở sản xuất theo kiểu gối đầu, khi đốt ở miệng lò này thì miệng lò kia lại bước vào công đoạn lấy gạch rồi xoay vòng trở lại. Chính vì vậy, các lò gạch hoạt động không ngừng nghỉ.

Ghi nhận thực tế, ngay khi bước chân vào khu vực này mùi khói lò đặc trưng, mùi chất đốt rất nồng nặc. “Hàng chục lò gạch thủ công đang hoạt động rầm rộ khiến cuộc sống của người dân khu vực này trở nên ngột ngạt. Trẻ em thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, cửa nhà thì luôn phải đóng kín để tránh bụi nhưng cứ khoảng vài tiếng bụi lại bám đầy các vật dụng trong nhà” - Bà Nguyễn Thị Sắc (người dân xã An Hòa) bức xúc.

Nguy hại hơn, hiện nay nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn còn sử dụng cả rác thải công nghiệp như: vải vụn, nhựa, đầu lọc thuốc lá để đốt lò bởi những loại chất đốt này mang lại lượng nhiệt nhiều hơn. Theo một người dân, vào mùa mưa khi củi cũng như các chất đốt hóa thạch khó sử dụng hơn do bị ướt thì các chất thải công nghiệp như nhựa, vải vụn được các chủ lò sử dụng tràn lan.

“Khói từ các chất đốt này có mùi hắc nồng nặc làm người dân chúng tôi rất lo vì nó ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, nhất là trẻ em. Mặc dù người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh về những ảnh hưởng trong hoạt động của các lò gạch, tuy nhiên đến nay tình hình vẫn chưa có nhiều thay đổi” – Một người dân địa phương phản ánh.

Chưa thể “xóa sổ” lò gạch gây ô nhiễm

 

logach-b6d95
Các lò gạch nằm ngay trong khu dân cư vẫn ngày đêm nhả khói

Theo Quyết định 567/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung quy định toàn bộ lò gạch thủ công trên địa bàn cả nước phải được xóa bỏ từ cuối năm 2010 để chuyển sang công nghệ tuynen.

Ông Tăng Văn Giác, Phó chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết, xã có nắm được quy định về việc loại bỏ lò gạch thủ công, tuy nhiên việc thực hiện quy định này vẫn đang trong lộ trình thực hiện đến năm 2016. Chính vì vậy, trước những phản ánh của người dân chính quyền xã cũng chỉ thực hiện ở mức độ kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện các vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động của các lò gạch. “Việc dẹp bỏ các lò gạch thì chưa thể thực hiện được vì phải có lộ trình cụ thể” - Ông Giác khẳng định,

Không chỉ tại xã An Hòa mà nhiều địa phương ở Đồng Nai như khu vực xã Tam Phước (TP Biên Hòa) và nhiều vùng ở huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom cũng đang tồn tại rất nhiều lò gạch thủ công.

Ông Nguyễn Đình Mạnh, chuyên trách lĩnh vực Kinh tế - Môi trường, Phòng Kinh tế TP. Biên Hòa cho biết, theo quy định của Chính phủ, việc dẹp bỏ lò gạch thủ công được phép thực hiện theo lộ trình. Vì vậy, hiện đơn vị và các bên liên quan đang phối hợp cũng Sở Xây dựng xây dựng lộ trình thực hiện. Cần phải có chính sách điều hướng về nguồn vật liệu phục vụ xây dựng hợp lý cũng như không làm ảnh hưởng đến những người dân đã sinh sống bằng nghề này từ nhiều nam nay.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, việc quy hoạch các lò gạch thủ công hiện vẫn đang thực hiện theo chương trình của Chính phủ, tuy nhiên cũng cần phải có thời gian cân đối tình trạng sao cho hợp lý nhất.

Vĩnh Thủy