“Lấy phiếu tín nhiệm - thước đo trách nhiệm cá nhân”

(Dân trí) - “Cần cân nhắc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cả 49 chức danh vì có thể thành ra dàn trải, “hòa cả làng”. Liệu cách làm này có hiệu quả bằng hướng tập trung vào một số chức danh mà lĩnh vực hoạt động, điều hành có nhiều vấn đề được quan tâm?”…

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến chia sẻ một số băn khoăn về công tác chuẩn bị cho lần lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao đầu tiên tại Quốc hội tới đây.

Câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã làm nóng dư luận suốt thời gian qua. Theo dự kiến, trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 lãnh đạo chủ chốt. Là một đại biểu được trao quyền bỏ lá phiếu “phán quyết” của mình, ông kỳ vọng gì?

Vừa qua việc lấy phiếu tín nhiệm làm nóng dư luận vì đây là vấn đề mới, lần đầu tiên Quốc hội chuẩn bị để lấy phiếu đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao. Thực ra luật hoạt động giám sát của QH có hiệu lực từ năm 2003 đã có quy định này tuy nhiên do chưa có văn bản hướng dẫn nên 10 năm qua chưa tiến hành việc lấy phiếu, bỏ phiếu được ai.

Từ trước tới nay, QH cũng đánh giá, tỏ thái độ với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nhưng chỉ là qua việc chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, sau chất vấn và trả lời chất vấn, chưa có hình thức pháp lý nào để xử lý hệ quả với những người được đánh giá là tín nhiệm hay không được tín nhiệm.

Tôi cho rằng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đó là 1 lần đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở mức nào đối với những người do QH bầu hoặc phê chuẩn, thể hiện sự tín nhiệm hay không tín nhiệm với những nhân sự này. Việc này cũng sẽ buộc những người giữ chức vụ phải có trách nhiệm hơn vì lâu nay vẫn có tâm lý đã được bầu là “yên tâm” tại vị cả nhiệm kỳ 5 năm, thậm chí hết nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục nhiệm kỳ khác, nếu còn đủ tuổi.

Tôi hi vọng và tin tưởng việc lấy phiếu lần này sẽ hiện thực hóa các chủ trương, quy định và sẽ đạt kết quả tốt.
“Lấy phiếu tín nhiệm – thước đo trách nhiệm cá nhân”
Đại biểu Lê Như Tiến: "Nhiều bản báo cáo công tác còn chung chung, sơ sài, chủ yếu liệt kê thành tích".

Dù từ quy trình do UB Thường vụ QH hướng dẫn, đã có thể hình dung được một cách cụ thể, rõ ràng cách lấy phiếu, đo đếm kết quả nhưng thực tế việc lấy phiếu đồng loạt đến 49 vị trí vẫn khiến nhiều người lo ngại về khả năng việc này trở thành hình thức, thiếu thực chất?

Đúng là tôi nhận thấy có nhiều khó khăn khi thực hiện, dù UB Thường vụ có yêu cầu trước khi được lấy phiếu những người giữ chức vụ này cần có báo cáo về quá trình công tác của mình. Tiếp xúc với một số báo cáo tôi thấy nhiều báo cáo rất rõ ràng, cầu thị, có nhận khuyết điểm, trách nhiệm về phía mình khi chưa hoàn thành chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên cũng có nhiều báo cáo còn chung chung, sơ sài, liệt kê quá trình công tác, về công việc của ngành, của chính bản thân người đứng đầu và nội dung chủ yếu có thể thấy chỉ là thành tích. Nhìn chung, về mặt tâm lý, người viết báo cáo công tác đều muốn bản báo cáo sáng sủa, tròn trịa, tốt đẹp, không ai lại muốn phơi ra những khiếm khuyết của mình. Như vậy rõ ràng là không dễ đối với người bỏ phiếu để có quyết định đúng đắn, chính xác, khách quan.

Ngoài ra, trong tính cách, văn hóa, người Việt Nam thường nể tình, trọng tình, duy cảm hơn duy lý kiểu “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Vì thế, rất khó đánh giá đúng bản chất. Nhiều khi sự cả nể cũng hạn chế, ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu sao cho thật khách quan, thể hiện hết trách nhiệm của đại biểu.

Nghi ngại này dường như rất hiện thực ngay trong lần lấy phiếu đầu tiên khi đến thời điểm này, như ông trao đổi, báo cáo công tác của một số vị gửi tới các đại biểu phong phú, muôn vẻ, khó so sánh, đánh giá theo những tiêu chí nhất định. Ông có yên tâm về kết quả lấy phiếu tín nhiệm khi nhận những bản báo cáo này?

Báo cáo công tác chỉ là một kênh thông tin, không phải tất cả. Vì dung lượng có hạn, mỗi cán bộ khó có thể báo cáo đầy đủ mọi vấn đề. Đại biểu Quốc hội có thể phán đoán, đánh giá người được lấy phiếu bằng nhiều kênh khác nhau như qua hiệu quả thực tiễn của công việc điều hành trong ngành, lĩnh vực đó, qua chất vấn trực tiếp, qua dư luận cử tri, nhận xét của các cơ quan phản biện như MTTQ và các tổ chức thành viên.... Ngoài ra còn có đánh giá của cấp ủy chính quyền, đánh giá của đồng nghiệp, của cấp trên, dư luận cử tri nơi các vị ấy công tác, cư trú – những người biết được cả lối sống, ứng xử… của người được lấy phiếu.

Đúng là vấn đề quan trọng nhất đối với các đại biểu để quyết định chính xác đó là thông tin đầy đủ, cặn kẽ, trung thực, khách quan về các vị được lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội cũng có thể bị “ngợp” với rất nhiều thông tin như thế trong khi theo dự kiến, đại biểu Quốc hội chỉ có 1 buổi thảo luận tại đoàn và nửa buổi để lấy phiếu đối với tất cả 49 người thuộc các chức danh lãnh đạo?

Hướng dẫn của UB Thường vụ QH nên kỹ hơn, không chỉ là yêu cầu người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo “tự chấm điểm” bản thân. Nếu những người này có thể được bố trí phát biểu trước QH về chương trình hành động của mình thời gian qua thì rất tốt nhưng chúng ta chưa có điều kiện để làm việc này.

Vậy nên theo tôi, vẫn cần cân nhắc việc lấy phiếu với tất cả 49 người hay chỉ tập trung vào một số vị mà lĩnh vực hoạt động, điều hành trước đó có những vấn đề “nóng” mà cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Cách thức lấy phiếu dự kiến hiện nay, như lo ngại của nhiều đại biểu, đôi khi là “xóa nhòa ranh giới”, là “hòa cả làng”. Tôi cũng đặt câu hỏi liệu cách làm này có hiệu quả bằng hướng xem thời gian vừa qua có một số lĩnh vực có những vấn đề nóng cần QH xem xét, đánh giá thông qua lá phiếu của mình. Như thế có lẽ tập trung hơn. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đi theo hướng này. Còn như hiện tại, tôi vẫn có cảm giác gì đó hơi dàn trải.

Lường trước những việc này, để lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đạt được hiệu quả mong muốn, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin của cử tri, theo ông, những vấn đề gì cần xử lý ngay lúc này, trước “giờ phán quyết”?

Nếu có điều kiện, nên chăng phải tổ chức cho người sẽ được lấy phiếu, đối thoại với đại biểu về những việc mình đã và chưa làm được thời gian qua, phương hướng sắp tới (tương tự báo cáo chương trình hành động). Giá như việc này được bố trí thời lượng dài hơn cho khâu thảo luận tại tổ, tại hội trường… thì sẽ có những thông tin chính xác hơn về người được lấy phiếu vì trừ những đại biểu ở TƯ có nhiều điều kiện tiếp xúc các Bộ trưởng, trưởng ngành, các đại biểu ở địa phương hạn chế hơn. Khi thông tin về những người mà đại biểu bỏ phiếu không đầy đủ, quyết định có thể sẽ cảm tính.

Xin cảm ơn ông!
 

“Tác dụng ngược” của việc lấy phiếu – làm các cán bộ có xu hướng làm việc kiểu “tròn vo”, bình bình, để an toàn trong cuộc sát hạch như nhiều ý kiến cảnh báo cũng chính là lo lắng của các đại biểu QH và cử tri. Nếu không có lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, có khi các Bộ trưởng sẽ hoạt động, điều hành một cách rất mạnh mẽ, vào cuộc với tinh thần quyết liệt nhưng vì có việc này, không ít người có thể nghĩ phải giữ gìn, “vo tròn” lại, ngại va chạm, tránh những xung đột không cần thiết. Việc này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Rõ ràng việc lấy phiếu, bỏ phiếu có thể có những hạn chế nhất định như vậy - đôi khi không kích thích được sự sáng tạo, quyết liệt của người đứng đầu một cơ quan.

Tuy nhiên, nếu các cán bộ lãnh đạo xác định việc mình làm là tốt, động cơ vì công việc chung thì chắc chắn các đại biểu QH cũng sẽ nhận thấy. Và tôi tin việc lấy phiếu sẽ có tác dụng thúc đẩy trách nhiệm cao hơn với những người giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước.

P.Thảo (thực hiện)