Lát cắt chiến tranh qua những trang viết ở chiến trường

Hoàng Lam

(Dân trí) - Mỗi lá thư là một lát cắt của cuộc chiến. Ở đó, người đọc sẽ thấy được tầm vóc, lý tưởng thời đại cũng như những tâm sự về cuộc sống, ước mơ về tương lai của mỗi người lính.

Lát cắt chiến tranh qua những trang viết ở chiến trường - 1
Những bức thư gửi cho người thân ở quê nhà của liệt sỹ Lê Văn Thể (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Trong 300 hiện vật đang được trưng bày trong chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa” tại Bảo tàng Nghệ An, những bức thư gửi về từ chiến trường khiến người xem không thể rời mắt. Mỗi bức thư là một lát cắt của cuộc chiến. Ở đó người ta thêm hiểu về những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy mà người lính phải đối mặt. Giữa sự sống và cái chết, họ không nghĩ về mình mà gửi gắm tình yêu về quê hương, về những người thân yêu cùng niềm tin tưởng vào ngày mai hòa bình.

Có những bức thư đã mủn, dòng chữ đã mờ nhòe vì thời gian nhưng giá trị của nó đã vượt ra khỏi những dòng chữ viết vội dưới bom đạn. Ở đó, lý tưởng, hoài bão tuổi trẻ và khát vọng được cống hiến cho nền độc lập, hòa bình khiến mọi hiểm nguy bị đẩy lùi phía sau.

Lát cắt chiến tranh qua những trang viết ở chiến trường - 2

Mỗi lá thư là một lát cắt của cuộc chiến. Ở đó, người đọc sẽ thấy được tầm vóc, lý tưởng thời đại cũng như những tâm sự về cuộc sống, ước mơ về tương lai của mỗi người lính.

Trong bức thư đề ngày 22/3/1969 của người lính Phạm Xuân Sinh (quê Thanh Long, Thanh Chương, Nghệ An, nguyên Chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn 229 - Bộ tư lệnh Công binh gửi bạn gái Lê Thị Kim Dung (sau này là vợ ) khi anh chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, viết: “Thật tự hào cho lứa tuổi trẻ của chúng ta, lứa tuổi được lớn lên trong thời đại anh hùng, trong thời đại hừng hực lửa chiến đấu và được trưởng thành trong thử thách rèn luyện của cuộc chiến đấu thần thánh vì lý tưởng cao đẹp của chúng ta...”.

Với anh và đồng đội, sức mạnh đạn bom của giặc Mỹ chỉ làm cho đất đá, cây cỏ cháy sém trơ trụi, chứ không thể khuất phục được những người lính, bởi vì “họ là những người chiến sĩ cách mạng, được trang bị bằng một thứ vũ khí tuyệt mạnh, mạnh gấp ngàn lần sắt thép mà chúng đã đổ lên đầu họ: Đó là tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch, đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược - một truyền thống vô cùng tốt đẹp của quân đội ta”.

Lát cắt chiến tranh qua những trang viết ở chiến trường - 3
Nhiều bức thư đã mủn, dòng chữ đã nhòe mờ vì thời gian...

Với sức mạnh vô biên đó, những người lính vẫn vững vàng trên trận địa, bám từng mô đất, từng đoạn chiến hào một cách gan góc sẵn sàng đánh bại bất cứ đợt tấn công nào của địch để giành lấy thắng lợi.

Những người lính chiến đấu hôm nay và ước mơ một mái ấm bình dị đơn sơ với những đứa con bụ bẫm, xinh xắn. Người lính Lê Xuân Tứ (xã Hợp Thành, Yên Thành đã nghĩ những cái tên để đặt cho con, gửi gắm vào đó bao mong ước và kỳ vọng. Anh gọi đó là tương lai.

Ba má ngày mong tháng năm đợi! Một tiếng chào đời. Đứa con yêu Nam Đông hỡi, Nhật Hoài con thương mến. Ba má yêu nhau chẳng có giờ hờn dỗi. Má tiễn ba đi chia tay cũng vội. Giữa đường làng - im lặng nhìn nhau. Phút tâm tình ít ỏi lắm con ơi. Vì bão còn đang rung chuyển quê ta. Nẻo hành quân ba vẫn còn tiếp bước...”.

Lát cắt chiến tranh qua những trang viết ở chiến trường - 4
Đông đảo người dân và các cựu chiến binh xúc động lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu về những bức thư, những trang nhật ký chiến trường được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An.

Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi rời quê hương ra đi, mang theo tình yêu thương của cha, của mẹ. Họ xác định nhiệm vụ của mình và lên đường với tâm thế của những người chiến đấu vì nghĩa lớn. “Nghĩa vụ bảo vệ đất nước là nhiệm vụ chung của lứa tuổi thanh niên. Hơn nữa con là cán bộ, đảng viên phải vì dân vì nước...”, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hữu Hòe (quê xã Lam Sơn, Đô Lương, Nghệ An) viết trong bức thư gửi gia đình đề ngày 24/3/1967.

Có thể trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa này, họ sẽ nằm lại ở chiến trường. Họ không sợ hiểm nguy trước mặt mà đau đáu về nỗi lo của bậc sinh thành. “Từ nay con xin gia đình đừng nhớ con nhiều. May mắn trở về thì đó là đại phúc, không về được thì coi như là chuyện thường tình, người ta đi nhiều và hi sinh không ít... Con không nghĩ nhiều đến tương lai mà chỉ lo bố mẹ khổ nhiều về con mà thôi”, người lính Lê Văn Thể (xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) viết trong bức thư đề ngày 14/5/1974. Chỉ một thời gian ngắn sau, gia đình nhận được giấy báo tử của anh...