Lập tổ thu hồi tài sản trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Quốc Doanh - Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết đã thành lập một tổ công tác để xử lý việc thu hồi tài sản trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM).

Huỳnh Thị Huyền Như trong một phiên xét xử
Huỳnh Thị Huyền Như trong một phiên xét xử

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 hôm qua (25/11), Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết có tới 26 địa phương trên cả nước có lượng án lớn, án tham nhũng phải thu hồi tài sản cho nhà nước. Đơn cử như tỉnh Bình Dương có 234 việc, tỉnh Đồng Nai có 112 việc, Hà Nội có 83 việc, Thanh Hóa 70 việc, TPHCM 67 việc và nhiều nhất là tỉnh Tây Ninh với 320 việc.

“Nhờ có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nên tình hình thi hành án đối với những vụ việc thi hành án lớn, phức tạp, liên quan đến tham nhũng trong năm 2016 đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả nhất định. Ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TPHCM) đã thi hành được trên 206 tỷ đồng, vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã thi hành được trên 34 tỷ đồng trong tổng số 75 tỷ đồng, vụ Vinalines đã thi hành được trên 38 tỷ đồng trong tổng số 358 tỷ đồng, vụ Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk (Vũ Việt Hùng) đã thi hành được trên 591 tỷ đồng”-báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, Tổng cục Thi hành án dân sự thừa nhận việc thi hành những bản án tham nhũng lớn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc tài sản kê biên đảm bảo thi hành án chủ yếu là nhà ở của đương sự và gia đình nên việc xử lý gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, nhiều bản án và biên bản kê biên tài sản không thể hiện rõ hiện trạng tài sản kê biên, do đó cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện việc đo vẽ lại các hiện trạng tài sản như trong vụ Bầu Kiên, Epco-Minh Phụng.

Thậm chí có tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án lại là tài sản chung với người khác hoặc là tài sản đang có khiếu nại, tranh chấp như trong vụ Vinalines, Bầu Kiên, Vinashin,...

Từ những khó khăn đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội trong quá trình tiến hành tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra nhằm ngăn chặn kịp thời bị can, bị cáo tẩu tán tài sản; đảm bảo khả năng thu hồi nhiều nhất tài sản sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực và được thi hành án.

Bên lề hội nghị, trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Quốc Doanh - Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an gửi giấy tờ bản chính kê biên nhà đất, tài sản của những cá nhân liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nhưng “họ trả lời chỉ bàn giao bản photo, còn bản chính chờ tòa án xét xử lại, có bản án thì mới bàn giao”. Chính vì thế nên cơ quan thi hành án dân sự TPHCM chưa thể chốt lại số tài sản cần phải thi hành án.

Theo ông Doanh, đây là vụ án có số lượng tài sản phải thi hành án, thu hồi về cho ngân sách nhà nước rất lớn, khoảng 14.000 tỷ đồng, nhưng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tới đây tòa án tiếp tục đưa ra xét xử để làm rõ trách nhiệm giữa tổ chức tín dụng, ngân hàng và Huỳnh Thị Huyền Như.

“Đây là vụ án điển hình mà xâu chuỗi thấy rõ các tổ chức tín dụng ngân hàng đã làm chưa đúng trong quá trình cho vay, thẩm định tài sản nên dẫn tới thiệt hại nặng. Trong giai đoạn này cơ quan thi hành án phải cố gắng tập trung bởi đây là án trọng điểm của Bộ Tư pháp, phải thành một tổ xử lý tài sản”- ông Doanh nói.

Thế Kha