1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo phương án đối phó mưa lũ sau bão

(Dân trí) - Tại tâm bão Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) chiều 15/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc đối phó với mối lo ngại lớn nhất - tình trạng mưa lũ do hoàn lưu bão số 10. Hà Tĩnh có nhiều hồ đập đã vượt sức chứa. Thuỷ điện Hố Hô đang xả nước với công suất lớn. Người dân nơm nớp lo những sự cố bất ngờ…

Đến Kỳ Anh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, động viên người dân hiện đang lánh nạn tại Trường Mầm non, Trường Tiểu học xã Kỳ Thọ; kiểm tra công trình cột ăng ten Đài Phát thanh truyền hình huyện bị đổ; thăm, tặng quà gia đình chính sách, nhà bị bão làm tốc mái… Sau đó, tại trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo một số Bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh.

Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, đây là cơn bão mạnh nhất trong 27 năm qua, cũng là cơn bão có thời gian đổ bộ lâu nhất (kéo dài tới 8 tiếng). Về công tác phòng tránh, Bí thư Hà Tĩnh cho rằng, đã có sự chủ động rất lớn của các cấp chính quyền và người dân. Hiện tại, Hà Tĩnh chưa có thiệt hại về người ngoại trừ 1 người dân tại huyện Nghi Xuân – trèo lên mái nhà, bị ngã thiệt mạng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ những hộ dân mất chỗ ở vì nhà bị tốc mái trong bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ những hộ dân mất chỗ ở vì nhà bị tốc mái trong bão.

Về Thiệt hại, ông Sơn cho rằng đây là một trong những cơn bão gây thiệt hại lớn trên địa bàn, tuy nhiên con số cụ thể cần có thời gian mới có thể thống kê được.

Điều đáng lo nhất chính đối phó với mưa sau bão, bởi Hà Tĩnh là một trong những địa phương nhiều hồ đập. Hiện tại, mưa vẫn đang khá lớn, thuỷ điện Hố Hô đang xả nước với công suất lớn. Lãnh đạo Hà Tĩnh đề nghị EVN – chủ sở hữu Thuỷ điện Hố Hô phối hợp chặt chẽ với địa phương, tránh tình trạng xả lỹ gây bất ngờ cho người dân.

Một vướng mắc lớn, theo lãnh đạo Hà Tĩnh, là cần nhanh chóng khắc phục hệ thống điện trên địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là cơn bão rất mạnh, qua diễn biến thực tế, có thể thấy những dự báo đưa ra đều rất sát, đã tạo cơ sở quan trọng cho công tác chỉ đạo, chủ động ứng phó.

“Có thể khẳng định, đây là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ trong nhiều năm qua. Cùng với đó, lượng mưa hoàn lưu bão cũng rất lớn, lại trùng với thời điểm triều cường cao, do đó sức tàn phá gây ra cũng rất lớn. Điểm đáng chú ý là công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó lực lượng từ trung ương đến địa phương được thực hiện hiệu quả, khẩn trương, nghiêm túc. Người dân thì rất đồng thuận, đề cao cảnh giác, do đó thiệt hại về người, tài sản do bão đã được giảm thiểu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khái quát.

Điều này cho thấy ý nghĩa của việc lên các phương án ứng phó bão một cách cụ thể, bài bản, triển khai thực hiện nghiêm túc. Kết quả mang lại cũng từ việc kiên quyết yêu cầu phương tiện trên biển về neo đậu tại nơi an toàn; kiên quyết yêu cầu người dân sơ tán đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Các lực lượng vũ trang cũng phát huy tốt vai trò tiên phong của mình, hỗ trợ người dân rất hiệu quả, gương mẫu.

Bộ trưởng cũng đánh giá, công tác đảm bảo an toàn, vận hành hồ chứa được thực hiện khá hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề cần xử lý là tình trạng tốc mái nhà dân, công trình xã hội, thiệt hại về hạ tầng điện, viễn thông.

Nói về vấn đề khắc phục hậu quả bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, thiệt hại về tài sản là lớn, nhưng nếu so với cường độ và sức tàn phá của cơn bão thì đây đã là cả một sự nỗ lực rất lớn.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục hướng dẫn, triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; bảo quản nông sản…

Cùng với đó, Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng tiếp tục kiểm tra, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập; tiếp tục quản lý chặt chẽ, cấp tuyệt đối tàu thuyền ra khơi, hạn chế phương tiện trên các tuyến giao thông xung yếu.

Đoàn kiểm tra tại hiện trường cột ăng-ten truyền hình đổ sập.
Đoàn kiểm tra tại hiện trường cột ăng-ten truyền hình đổ sập.

Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, đảm bảo không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

“Huy động lực lượng để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách; sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, tiếp đó là trụ sở các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu địa phương sớm tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; triển khai sớm các biện pháp phục hồi sản xuất.

Về hỗ trợ của Chính phủ cho người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp sớm cùng với các địa phương thống kê thiệt hại một cách cụ thể để kiến nghị với Chính phủ.

Trước mắt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp hỗ trợ người dân khi có quá nhiều nhà dân bị tốc mái trong trận bão.

“Tại sao nhiều nhà tốc mái như thế? Đó là vì tiêu chuẩn xây dựng hiện mới chỉ đáp ứng được yêu cầu nền cứng, tường cứng, cần thiết phải có giải pháp đảm bảo an toàn mái nhà cho người dân nữa. Việc này có thể tốn kém, nhưng là việc buộc phải làm nhằm đảm bảo an toàn”, Phó Thủ tướng kết luận.

P.T