Làng “cô đơn” giữa trung tâm thành phố

(Dân trí) - Nằm ngay trung tâm thành phố nhưng cả làng không có điện, nước sinh hoạt lấy từ giếng khoan nằm gần nghĩa địa. Đó là cuộc sống từ 15 năm nay của xóm Trôn (thôn 5, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình).

Làng Trôn... cô đơn

Hỏi đường mãi, cuối cùng bác xe ôm cũng đưa chúng tôi đến với xóm Trôn. Cánh đồng lúa sau vụ gặt trơ gốc rạ đứng lặng im và khô cứng, xóm Trôn cũng vậy. Để đi vào xóm, chúng tôi phải băng qua con đường sỏi đỏ giữa nghĩa địa với nhiều mồ mả lặng ngắt. Đường vào khó khăn, căn hộ của mỗi gia đình nằm trơ trọi giữa đồi hoang, không điện, không nước sạch.

Chủ hộ Bùi Thị Mai ra xóm Trôn lập nghiệp đã 2 năm. Quãng thời gian chưa dài nhưng đủ để người phụ nữ với hai đứa con nhỏ tuổi “thấm” được cái thiếu thốn. Gia đình trẻ, ra muộn nên vị trí ngôi nhà của chị Mai cũng không được thuận tiện cho lắm. “Nhà hướng ra nghĩa địa, cũng vì gần đường nên mới xây theo hướng nớ”, chị Mai cho biết.

Chuyện của mỗi gia đình chị Mai nhưng thâu tóm và căn bản kể được hết cái cơ cực cho 13 nóc nhà cùng xóm. Gần 100 con người tại đây lâu nay cũng quen với cuộc sống im lặng. Khi chúng tôi đến, nhiều ngôi nhà im tiếng người, thi thoảng mới có tiếng nhí nhéo của vài ba đứa trẻ đùa nghịch nhau.

Quen với cuộc sống vốn có, người dân tại đây cũng thấy bình thường với âm thanh của phường bát âm mỗi khi nghĩa địa đón người về bên kia thế giới. Nghĩa địa Vòng Rầu nằm ngay ở đồi, cao hơn nền nhà dân ở xóm Trôn. “Xóm này chỉ đông người khi có ma chay chú nờ, bình thường thì ai vô đây mần chi?”, chị Mai buồn lòng cất tiếng.

Đã 15 năm rồi, ra đây từ ngày khai hoang lập đất, chị Nguyễn Thị Mởn là hộ gia đình đầu tiên “đặt nền móng” cho xóm Trôn bây giờ. Hai vợ chồng và hai con nhỏ, không gian sống của họ là căn nhà rộng khoảng 40m2 chật hẹp. Nhà chật lại không có điện sinh hoạt, đêm xuống phải thắp đèn dầu cho hai đứa con học. Nhưng “thắp đèn là khói vô mũi, tắt ngược tắt xuôi. Tháng vừa rồi mua được cái bình ắc quy thì hỏng rồi, xạc điện không vô nữa. Chỉ cực hai đứa nhỏ, đêm xuống học bài là không chộ chi mô”, chị Mởn không giấu hoàn cảnh của mình.

Khổ nhất là đến mùa hè, chị phải đưa hai đứa con ra thềm nhà ngủ mà đón gió trời. Gặp hôm lặng gió nóng không ngủ được, “hắn khóc thì mình phải quạt tay, hắn ngủ thì mình phải thức”.

Đơn độc giữa lòng thành phố

Người dân thành phố Đồng Hới không ai lạ gì xóm Trôn. Cái xóm nhỏ nằm ở trung tâm thành phố, theo họ là thiếu đủ thứ. Những điều tối cần thiết cho sinh hoạt của người dân, sau 15 năm vẫn chưa có.

Sau nhà chị Mởn, vườn của chủ hộ Phạm Thị Sương chỉ mọc lên thứ cỏ khô giữa đất cằn. Khô hạn ngấm sâu vào chân tường nhà nứt toác. “Thiếu điện nên không có máy bơm nước tưới vườn, sống cả chục năm rồi mà vườn có trồng được cây chi mô”, chị Sương nói. Cả nhà không có gì giá trị, khách và chủ ngồi bệt xuống nền nhà vì thiếu bộ bàn ghế.
 
Tôi ngạc nhiên khi thấy chiếc ti vi đen trắng cổ lỗ nằm góc nhà. Chị cho biết nó “vận hành” bằng ắc quy, vật duy nhất có thể phát điện mà mỗi lần xạc phải mất 5.000đ nhưng chỉ chạy được bốn ngày. “Cả thôn cũng kiến nghị, trước đây xã và điện lực thành phố có xuống khảo sát nhưng lâu rồi họ cũng lặng luôn, không thấy chi cả”, bố chồng chị Sương tham gia câu chuyện.
 
Thiếu điện, hộ khá thì sắm bình ắc quy thắp sáng. Nhưng gia đình có con nhỏ như chị Nguyễn Thị Kim Phượng thì đèn thắp cả đêm, xót của nhưng phải chấp nhận. “Đến mùa hè vì không có quạt điện nên khi mô nóng quá thì cho hắn sang ngủ ở nhà mệ ngoại”, chị Phượng nói về hai đứa con của mình.

Nước sinh hoạt được người dân kéo gàu từ giếng sâu 25m. Hôm mưa lũ thì nước đục ngầu. “Mà xóm Trôn nằm thấp hơn nghĩa địa Vòng Rầu, nước múc lên nhiều khi có váng chú nờ, không biết xoay xở ở mô nên cứ ăn đại”, chị Mởn cho hay.

Trưởng thôn 5 Hoàng Công Đon xác nhận, “toàn bộ người dân ở xóm Trôn ra đó theo dự án giãn dân 327 của tỉnh Quảng Bình. Ngày trước một số hộ ra “lẻ tẻ”, nhưng ra đó không có điện, không có nước nên họ ... quay về”. Bám trụ lại xóm Trôn, hiện nay chỉ còn 13 hộ.

Nghịch lý của xóm Trôn, trưởng thôn 5 có thể liệt kê ra nhiều trang giấy. Xóm Trôn chỉ cách xóm Hai Gian (xã Lộc Ninh) 500m. Nhưng “bên tê thành phố tráng lệ” với điện đóm sáng trưng, nhưng “bên ni” vẫn chưa có một bóng đèn soi rõ được bán kính... vài mét.

Thiếu điện, người dân trong thôn làm đơn đề nghị UBND xã Lộc Ninh xem xét. Xã có đề nghị lên điện lực của tỉnh, “nhưng bên nớ nói họ là đơn vị hạch toán kinh doanh. Mà mắc điện cho dân thì thì bằng lỗ!”, ông Đon lý giải.

Với chủ trương gidân, nhưng hạ tầng thiết yếu đảm bảo cho cuộc sống vẫn chưa thể đáp ứng, những người con xóm Trôn đang nằm ở cảnh tiến thoái lưỡng nan. Về chỗ cũ thì không có đất, họ đành chấp nhận cuộc sống “ra riêng để rồi chịu cảnh đơn độc”, trưởng thôn Đon ngậm ngùi.

Trần Hưng