Lan Tết: Đến hẹn… giá lại lên

(Dân trí) - Nắm được nhu cầu chơi lan ngày Tết của thượng khách Hà Thành, các chủ kinh doanh ồ ạt nhập hoa và tự đề ra những mức giá cao ngất ngưởng. Chỉ ngay trong nội thành, cùng một loại hoa nhưng giá đã chênh nhau gấp đôi, gấp ba.

Giá lan tăng vọt

 

Dịp Tết cũng là lúc hoa lan lên ngôi, loài hoa này được ưa chuộng nhờ vẻ đẹp cao sang và độ bền của nó. Nắm bắt được nhu cầu mua hoa lan ngày Tết, những người buôn hoa có cơ hội để “tung hô” giá hoa tăng vọt so với ngày thường.

 

Nhiều khách đến chọn lan những ngày giáp tết
Nhiều khách đến chọn lan những ngày giáp tết

 

Trong năm, một nhành hoa Địa lan hay Hồ điệp được bán ra với giá khoảng 70 nghìn đồng, nhưng những ngày giáp Tết, giá là 150 nghìn đồng. Giá lan ở Hà Nội đang tăng từng ngày.

Anh Huân (xã Đại Thành – huyện Quốc Oai – TP Hà Nội) là chủ một vườn lan tại Hoài Đức nói: “Thường thì năm nào cũng vậy, thời điểm này là lúc lan bán rất chạy nên các cửa hàng kỳ vọng vào dịp Tết nhất. Thời tiết lạnh, chăm sóc lan khó nên giá tăng cao cũng là chuyện bình thường”.

 

Địa lan, Hồ điệp, Vanđa là những loại lan được ưa chuộng nhất vào ngày tết trong giống lan nuôi, đặc biệt với các màu nổi bật như tím và vàng. Chính vì vậy, giá cũng biến đổi theo sức hút của chúng với khách hàng.

 

Lan Hồ điệp – một loại lan được ưa chuộng nhất vào dịp tết vì có thể chơi lâu và giá cả khá hợp lý
Lan Hồ điệp – một loại lan được ưa chuộng nhất vào dịp tết vì có thể chơi lâu và giá cả khá hợp lý

 

Chị Phương (454 Hoàng Hoa Thám – Quận Ba Bình – Hà Nội), nhân viên Công ty TNHH TM & DV Vương Hoa cho biết: “Giá lan gần như năm nào cũng tăng, nhưng cũng tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và số lượng lan nhập về. Cửa hàng tôi bán lẻ là chủ yếu. Người dân mua về chơi tết hoặc tặng thì thường mua bình khoảng 1,8 - 2 triệu đồng, mỗi bình ghép khoảng 7 đến 9 tai lan”.

 

Không chỉ lan nuôi, giá lan rừng cũng tăng “chóng mặt”. Nhất là với các gốc lan to, nhiều nhánh, nhiều tầng, thế nghệ thuật và kịp nở hoa đúng vào ngày Tết thì giá chênh gấp 2, 3 lần ngày thường. Có những gốc lan được chào mời với mức cả chục triệu đồng. Đơn cử cái giá 15 triệu đồng cho một gốc ghép 17 tai hoa lan Đai Châu, 9 triệu đồng cho gốc ghép 10 tai hoa.

 

Gốc lan Đai châu trị giá 9 triệu đồng
Gốc lan Đai châu trị giá 9 triệu đồng

 

Một loại hoa nhiều mức giá

 

Khảo sát một vài điểm chuyên kinh doanh các loại hoa lan ở Hà Nội có thể thấy giá cả có sự chênh lệch lớn. Ngay trên cùng một tuyến phố, giá lan giữa các cửa hàng đã khác nhau.

 

Cùng một giỏ đơn và loại hoa giống nhau nhưng tại 2 cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám có 2 mức giá chênh nhau tới… một nửa: 350 nghìn đồng và 600 nghìn đồng. Nếu không sành chơi, khách hàng rất dễ bị “hớ”.

 

Giá lan mỗi nơi mỗi kiểu, khách hàng không thạo rất dễ bị mua hớ
Giá lan mỗi nơi mỗi kiểu, khách hàng không thạo rất dễ bị mua hớ

 

Bác Đào Thị Trang (quận Ba Đình - Hà Nội) một khách hàng vừa hỏi giá tại cửa hàng, sửng sốt: “Sao cùng một loại lan mà bên kia bán có 15 nghìn đồng một tai, cửa hàng này bán tới 150 nghìn, gấp gì mà những 10 lần không biết”.

 

Tại chợ hoa Quảng Bá (đường Âu Cơ - quận Tây Hồ - Hà Nội), trung bình một bình hoa Địa lan và Hồ điệp cao giá hơn khoảng 100.000 đồng so với ở Hoàng Hoa Thám.

 

Cũng tại chợ hoa này, cùng là bình lan được ghép từ 15 tai Địa lan vàng nhưng có cửa hàng đề giá 6 triệu đồng, có hàng bán 9 triệu đồng.

 

Chị Đặng Thị Thái, người bán hoa tại chợ Quảng Bá, cho hay: “Giá chênh lệch nhau là chuyện đương nhiên. Phải cạnh tranh thì mới cớ lời cao chứ, với lại cũng tùy vào kiểu khách hàng mà chúng tôi báo giá khác nhau. Mua nhiều thì có giảm một chút, trừ phí vận chuyển”.

 

Tuy nhiên với mong muốn làm đẹp cho căn nhà trong ngày Tết, có vẻ như một chậu lan “hớ” vài trăm nghìn cũng không phải là vấn đề quá lớn với người mua. Bởi như thực tế mọi năm cho thấy, cứ đến tầm 29-30 Tết là mọi chậu lan đều tìm được chủ mới.

 

Vũ Thúy - Trần Hằng