Làm thế nào để “dẹp loạn” kháng sinh trong nông nghiệp?

(Dân trí) - Đó là nội dung chính được đưa ra bàn luận trong Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Báo Dân trí tổ chức vào sáng 27/12, tại Hà Nội.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay ngành nông nghiệp đang phải đối phó với thực trạng không ít người dân lạm dụng, tùy tiện sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng, dẫn đến lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm vật nuôi cao. Điều này đã gây hại cho chính sức khỏe con người.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia nông nghiệp và các cơ quan báo chí.

Làm thế nào để “dẹp loạn” kháng sinh trong nông nghiệp? - 1

Quang cảnh buổi Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững”
Quang cảnh buổi Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững”

Siết chặt đầu vào của kháng sinh nguyên liệu


Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cơ quan chức năng đã và đang siết chặt khâu nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để sử dụng làm thuốc thú y, từ đó sẽ hạn chế rất nhiều việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cơ quan chức năng đã và đang siết chặt khâu nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để sử dụng làm thuốc thú y, từ đó sẽ hạn chế rất nhiều việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Vậy làm thế nào để “dẹp loạn” kháng sinh trong nông nghiệp? Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, để quản lý nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, hiện nay, việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y đã được Cục Thú y thực hiện một cách chặt chẽ.

Trong giấy phép nhập khẩu, Cục Thú y ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y; yêu cầu đơn vị đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ cơ sở mua nguyên liệu kháng sinh của lô nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu lần trước, khi nộp hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lô hàng tiếp theo thì mới xem xét giải quyết; đồng thời trong giấy phép nhập khẩu nguyên liệu ghi rõ đơn vị nhập khẩu chỉ được phép kinh doanh, sử dụng nguyên liệu trên để sản xuất các sản phẩm thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành hoặc có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT ban hành; không bán nguyên liệu thuốc thú y cho các cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân sử dụng trực tiếp phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sử dụng.

Nhà báo Nguyễn Lương Phán phát biểu tại Hội thảo...
Nhà báo Nguyễn Lương Phán phát biểu tại Hội thảo...

Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Lương Phán, Phó Tổng Biên tập báo Dân trí chia sẻ: Tại báo Dân trí, hàng ngày các phóng viên tiếp nhận và xử lý nhiều thông tin phản ánh về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Nhiều thông tin cho thấy hậu quả của việc lạm dụng còn gây ra bệnh tật và dẫn tới đe doạ tính mạng người dân. Nhiều bạn đọc của báo Dân trí bức xúc, gọi điện thoại, gửi email và cung cấp nhiều clip phản ánh về tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

“Với tôn chỉ tờ báo là nâng cao dân trí, chúng tôi mong rằng sẽ góp sức cùng các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giúp cộng đồng hiểu đúng bản chất sự việc, nhằm có thái độ đúng trong việc đấu tranh với việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản” – Nhà báo Nguyễn Lương Phán nói.

Ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý chất lượng Thủy sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản – Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Hội thảo.
Ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý chất lượng Thủy sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản – Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý chất lượng Thủy sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản – Bộ NN&PTNT) đã đưa ra các đề xuất: Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả; vận động, hướng dẫn người nuôi không sử dụng chất cấm/kháng sinh nguyên liệu, không lạm dụng chất xử lý cải tạo môi trường, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 04 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).

“Giám sát tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh; theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp kiểm soát phù hợp” – ông Ngọc nói.

Nói về công tác giám sát sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh trong y tế, việc lạm dụng kháng sinh và nguy cơ kháng thuốc, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết: Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết: Khi con người bị kháng kháng sinh sẽ phải kéo dài thời gian điều trị bệnh, nguy cơ tử vong cao.
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết: Khi con người bị kháng kháng sinh sẽ phải kéo dài thời gian điều trị bệnh, nguy cơ tử vong cao.

Ông Thái thông tin, theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm; ở Mỹ, khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm… Điều này tác động đến kinh tế - xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ USD/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.

Cũng theo ông Thái, đối với Việt Nam, hệ thống các văn bản quy định việc sử dụng kháng sinh trong y tế đã được quy định tương đối đầy đủ (Thông tư hướng dẫn kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú năm 2016, Hướng dẫn sử dụng kháng sinh năm 2015, Hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh năm 2016…). Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định này còn chưa được đầy đủ.

“Việc sử dụng kháng sinh chưa đúng và vấn đề kháng kháng sinh không chỉ gặp riêng trong ngành y tế mà còn xảy ra cả trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi. Trong thời gian tới, mong rằng Bộ Y tế và Bộ NN& PTNT chia sẻ thông tin và phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa trong công cuộc phòng, chống kháng thuốc; trong nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng kháng sinh chưa đúng trong chăn nuôi gây tác động đến vấn đề kháng thuốc trên con người và cùng nhau chung tay góp phần vào công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới” – ông Thái nói.


Tiến sĩ Hoàng Hương Giang, Phó Trưởng phòng thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Hội thảo.

Tiến sĩ Hoàng Hương Giang, Phó Trưởng phòng thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Hội thảo.

Theo Tiến sĩ Hoàng Hương Giang, Phó Trưởng phòng thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT) cho biết: Thông tư 06 của Bộ NN&PTNT qui định chỉ sử dụng kháng sinh qua thức ăn chăn nuôi (TACN) nhằm mục đích kích thích sinh trưởng với gia súc, gia cầm non và dự kiến cấm mục đích này vào năm 2020 và việc sử dụng kháng sinh qua TACN nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo kê đơn của Bác sỹ Thú y có chứng chỉ hành nghề.

2 Bộ cùng nhau “dẹp loạn” kháng sinh trong nông nghiệp

Ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Tiến tới, việc sử dụng kháng sinh qua thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo kê đơn của Bác sỹ Thú y có chứng chỉ hành nghề.
Ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Tiến tới, việc sử dụng kháng sinh qua thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo kê đơn của Bác sỹ Thú y có chứng chỉ hành nghề.

Tại Hội thảo nói trên, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách, không đúng mục đích và chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể tạo ra "thảm họa" Kháng kháng sinh. Sự kháng thuốc kháng sinh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh - khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người.

Các nguyên nhân cơ bản có thể nêu ra là: Do hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị; Do nhiễm khuẩn bệnh viện; Do việc kê đơn thuốc chưa thực sự hợp lý; Do vấn đề sử dụng kháng sinh trong cộng đồng; Do các cơ sở bán lẻ thuốc chưa thực hiện nghiêm túc việc bán thuốc theo đơn; Do sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.

Ông Đông thông tin, Tổ chức Y tế thế giới cũng cho hay, kiểm soát việc chủ động sử dụng kháng sinh chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc trực tiếp trên người, việc bị động đưa kháng sinh vào cơ thể qua thức ăn mà cụ thể là thịt động vật là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh.

Cũng theo Đỗ Văn Đông, giữa Cục quản lý Dược và Cục Thú Y - Bộ NN&PTNT đã ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và thuốc thú y.

Bài: Nguyễn Dương

Ảnh: Mạnh Thắng - Video: Xuân Ngọc