Làm rõ việc ép ngư dân Việt Nam ký văn bản công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm rõ thông tin các ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc ép ký vào các văn bản công nhận chủ quyền Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: VOV).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: VOV).

Đó là một trong những thông tin được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều nay 25/6.

Phóng viên: Liên quan đến việc tàu cá và 17 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh cá trên Biển Đông, rồi ép ký vào các văn bản công nhận Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc, xin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thông tin cụ thể về vụ việc này và phản ứng của Việt Nam?

Ông Lê Hải Bình: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết ngày 9/6 vừa qua, Cục Hải cảnh của Trung Quốc có thông báo bắt giữ 17 ngư dân cùng với hai tàu cá là QB 93694 TS và QB 93480 TS. Sau khi có được thông tin này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thăm lãnh sự đối với các ngư dân bị bắt giữ. Đồng thời làm việc chặt chẽ với các cơ quan sở tại, yêu cầu phía Trung Quốc phải thả 17 ngư dân cùng hai tàu cá của Việt Nam.

Theo thông tin mới nhất từ phía các cơ quan chức năng, 17 ngư dân cùng tàu cá QB 93480 TS đã về đến Việt Nam an toàn. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc phải trả vô điều kiện tàu cá QB 93694 TS.

Còn việc các ngư dân Việt Nam có bị phía Trung Quốc ép ký vào các văn bản công nhận chủ quyền Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc như phóng viên vừa nêu hay không, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm rõ thông tin này với phía Trung Quốc. Từ đó sẽ có những phản ứng phù hợp.

Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây cho rằng, các hoạt động xây, bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, là hợp pháp, hợp tình, hợp lý? Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố sắp hoàn thành các công trình bồi đắp đảo trong thời gian tới đây, cũng như xây dựng các công trình đáp ứng các công năng liên quan. Xin hỏi phản ứng của Việt Nam về vấn đề này?

Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được chúng tôi nhiều lần nêu rõ là những hoạt động xây dựng và mở rộng đảo đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp, không thay đổi được thực tế Việt Nam có đủ cơ sở, bằng chứng pháp lý trong lịch sử để chứng tỏ, khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo nói trên; đồng thời nghiêm túc, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như tuân thủ ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, cũng như làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Mới đây, nhật báo nhân dân Trung Quốc tuyên bố, khi có chiến tranh trên Biển Đông, Trung Quốc sẵn sàng yêu cầu tất cả các tàu dân sự, tàu thương mại vào phục vụ mục đích quân sự. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về vấn đề này?

Chúng tôi hy vọng rằng, là một nước Ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần có những đóng góp mang tính trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Philippines mới đây đã tố cáo Trung Quốc bắn đạn thật trên biển Đông. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin này? Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã đưa máy bay vào Biển Đông thực hiện quan sát, trong đó có mời một số quan chức của Philippines tham gia cùng. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam?

Duy trì hòa bình, an ninh của Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong khu vực. Mọi hoạt động của các quốc gia trong và ngoài khu vực đều phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan. Các hoạt động đó phải đóng góp tích cực trách nhiệm có tính xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

 Thế Kha (ghi)