1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làm cửu vạn nơi biên giới

(Dân trí) - Nằm thu mình bên dòng sông Sêpôn, bản làng Ktup, Katăng (Lao Bảo, Quảng Trị) cũng nhanh chóng hội nhập cùng sự phát triển sôi động của Trung tâm Thương mại Lao Bảo. Lao Bảo vào những ngày này mưa rét căm căm, nhưng không ngăn nổi bước chân của dân bản làm cửu vạn, kéo xe bần, xe ôm…

Một năm trở lại đây đời sống của đồng bào dân tộc đã bớt cơ cực; họ không còn đốt nương làm rẫy, lên rừng đốn củi. Tuy vậy, vẫn còn đó nỗi lo của những mảnh đời trong cơn khốn khó, tình người trong cuộc mưu sinh vì miếng cơm manh áo.

 

Cả bản làm cửu vạn, kéo xe bần

 

Hơn 5h sáng, trời Lao Bảo vẫn còn lạnh buốt, đã thấy từng đoàn người tấp nập ở cổng chợ thương mại Lao Bảo. Thành phần lao động đủ mọi lứa tuổi; hầu hết họ là những người dân đến từ bản Ktup, ra đây làm nghề bốc xép.

 

Tôi làm quen một thanh niên chừng 20 tuổi, đang ngồi rít thuốc để chống cơn lạnh. Tên anh là Hồ Tao. Anh tâm sự: Làm nghề này đã được 2 năm. Gia đình khó khăn, cũng như các trai tráng trong bản anh bỏ học rồi cưới vợ. Mỗi sáng ra đây chờ ai gọi gì làm nấy, kiếm tiền đong gạo. Để có tiền nuôi vợ con, anh phải làm việc cật lực suốt ngày, nhưng cũng chỉ kiếm vài ba chục ngàn. Có ngày không có hàng thì chỉ đủ tiền uống nước và hút thuốc.

 

Nói chưa dứt câu, chiếc xe tải hạng nhỏ ập đến, anh cùng đoàn người kéo nhau lại bu quanh chiếc xe… Hàng hoá bốc vác ở đây chủ yếu là lúa nếp, muối hay hàng mỹ phẩm. Mỗi ngày dân cửu vạn cũng kiếm được 30.000 - 40.000đ. “Còn đỡ hơn lên rẫy. Cực lắm! mà năm nào cũng đói” - một cửu vạn cho hay.

 

Ở bản Ktup rất ít thanh niên được học hành đầy đủ. Chủ yếu họ bỏ học từ cấp tiểu học, đi buôn lậu hoặc làm cửu vạn ở bến sông Sêpôn. Nhưng một năm trở lại đây các ngành chức năng làm căng, hàng không về nữa. Thế là họ phải ra đây bán sức để đổi lại chén cơm manh áo.

 

Trong đội ngũ cửu vạn còn có anh Xôm Men (45 tuổi, dân tộc Vân Kiều), người nhỏ thó. Nghe đâu trước đây anh là bộ đội giải ngũ trở về sống ở Khe Sanh. Anh cho biết: Không có đất để trồng trọt, phá rừng mãi rồi cũng hết. Một năm trước anh lên bản Ktup mua mảnh đất rồi định cư, cùng làm cửu vạn với anh em. Hỏi về gia đình, anh buồn rầu nói: “Một thân tui bán sức cũng không nuôi nổi gia đình 5 miệng ăn. Vợ tui phải lượm bao chai ở trong chợ để phụ thêm tiền cho mấy đứa nhỏ đi học”.

 

Một ngày làm việc của dân cửu vạn thường bắt đầu vào sáng sớm cho đến chiều tối. Buổi trưa rất ít người quay về bản, ra hàng ăn vội đĩa cơm bụi để chiều làm tiếp. Đội ngũ bốc xép đâu chỉ có những thanh niên trai tráng khoẻ mạnh, mà có cả những chị em phụ nữ trong bản thất nghiệp, cũng ra đây kiếm cơm.

 

Chị Hriêng (40 tuổi, người PaCô) tâm sự: Trước đây chị cũng làm cửu vạn ở sông Sêpôn. Nhưng người đau yếu luôn không đủ sức. Phải theo mấy chị em ra đây làm những việc lặt vặt, nhẹ hơn, ai thương thì cho năm ba ngàn ăn cơm. “Tui không có gia đình, phải ở nhờ nhà cô em gái trong bản”, chị buồn buồn.

 

Ngược lên bản Katăng, bản nằm sát cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ở đây cũng không kém phần nhộn nhịp cảnh mưu sinh. Bản Katăng gồm 135 hộ, 650 nhân khẩu, có đến hơn 90% dân làm nghề kéo xe bần, xe bò cải tiến. Hàng hoá được vận chuyển chủ yếu là mỹ phẩm, máy móc, lương thực, thuốc lá… Mỗi chuyến cũng được 20-30 ngàn đồng đồng.

 

Chị Brong, một người làm nghề kéo xe bò ở đây cho biết: “ Hầu hết người dân bản tui đều sống nhờ vào những mối hàng này. Họ nghỉ ngày nào thì tụi tui đói ngày đó. Làm thì cực đó nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Đỡ khổ hơn trông chờ vào mấy mùa rẫy chú à!”.

 

Ở phía bên kia cửa khẩu Densavanh (Lào) cũng có đội ngũ kéo xe bần luôn túc trực. Họ làm việc quần quật suốt ngày cũng chỉ đủ kiếm sống. Sau một ngày mệt nhoài vật lộn với mưu sinh, người dân bản Ktup, Katăng vẫn trở về trong nghèo đói.

 

Tình người trong cuộc mưu sinh

 

Đời sống của người Pacô, Vân Kiều hầu hết còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh nhưng dân bản sống với nhau giàu tình người lắm. Ngoài những trai tráng đủ sức làm nghề bốc xép còn có những người  già cả, ốm yếu không đủ sức lao động. Chị Hrieng mặc dù đã luống tuổi nhưng vẫn chưa có gia đình, sức khoẻ không cho phép chị lao động nặng nhọc như những người khác nên phải nhờ cậy người em gái và dân trong bản đùm bọc khi ốm đau, không có việc làm.

 

Làm cửu vạn nơi biên giới  - 1

Công việc cửu vạn vất vả không chỉ dành cho nam giới.

Hầu hết chị em làm những việc lặt vặt, lượm bao chai ở chợ Lao Bảo đều không đủ sức lao động lại có hoàn cảnh éo le, côi cút. Mấy chục người làm cửu vạn và xe kéo, ngày nào hàng về nhiều thì có ăn. Khi không có việc thì phải nhường nhau, chia sẽ nhau miếng cơm manh áo.

 

Anh Xôm Men mang ơn mãi sự cưu mang của người dân trong bản. Anh nhớ lại: “Ngày tui mới đến đây không có việc làm, không nhà cửa, sắp đói đến nơi thì may có người trong bản giớ thiệu cho vào làm bốc vác cùng anh em. Không những thế họ còn giúp tui dựng được cái nhà gỗ nho nhỏ để che nắng mưa cho cả gia đình”. Anh xúc động: “Tui nhớ có lần bị tai nạn lao động gãy tay, được bà con ủng hộ người vài chục ngàn chạy chữa không thì…”.

 

Có những em nhỏ không may mồ côi cha mẹ sớm cũng được người dân trong bản đùm bọc, nuôi nấng. Em Xôm Năm (13 tuổi) mồ côi từ nhỏ. Trận lụt năm 1999, cha mẹ em đi rẫy không về kịp đã bị dòng sông Sêpôn nhấn chìm… Em lớn lên trong tình thương của người dân bản. Trưởng bản Hồ Nin thấy hoàn cảnh em côi cút đã nhận làm con nuôi, cho ăn học đầy đủ. Em tâm sự: “Không có bố Nin thì giờ em không biết đi đâu. Em mang ơn người dân bản này nhiều lắm!”.

 

Rời Lao Bảo cũng vào ngày mưa. Dân làm cửu vạn vẫn lầm lũi bán sức mình trong cái rét cắt da cắt thịt.

 

Nguyễn Khánh