“Lách” luật bằng mũ bảo hiểm dành cho... người cưỡi ngựa

(Dân trí) - Một số đơn vị sản xuất vừa bị phát hiện có hành vi “lách” luật hòng qua mặt cơ quan chức năng, “biến tấu” ra loại mũ bảo hiểm (MBH) dành cho... người cưỡi ngựa, người đi bộ.

MBH dành cho người cưỡi ngựa và đi bộ bày bán trên thị trường được làm bằng nhựa cứng và lót một lớp vải, không có lớp đệm hấp thụ xung động. Loại mũ này được bán với mức giá vài trăm nghìn đồng - đây là mức giá khá cao, tương đương và cao hơn giá thành của các loại MBH hợp quy chuẩn.
 
Loại mũ này có chất lượng nhựa khá tốt, kiểu dáng giống với mũ thời trang, có lưỡi trai. Bên trong mũ nhà sản xuất ghi rõ "dành cho người cưỡi ngựa và đi bộ". Tuy nhiên, hiện loại mũ này đang được giới kinh doanh bày bán cho người đi mô tô, xe máy để thay thế MBH.
 
Nhiều loại mũ không phải MBH được bán cho người đi mô tô, xe máy
Nhiều loại mũ không phải MBH được bán cho người đi mô tô, xe máy

Theo cơ quan chức năng, đây rõ ràng là một hành vi “lách” luật nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Khi bị kiểm tra, người bán và nhà sản xuất đưa ra lý lẽ là mũ đã ghi rõ dành cho người cưỡi ngựa và đi bộ, bởi thế những người có nhu cầu mua thì họ bán chứ họ không bán MBH kém chất lượng.

Được biết, loại mũ này được sản xuất theo quy chuẩn dành cho người cưỡi ngựa và đi bộ, nên việc “lách” luật này chưa có chế tài để xử lý nhà sản xuất và người kinh doanh.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết: “Loại nhựa làm mũ dành cho người cưỡi ngựa rất tốt và có khả năng chống đâm xuyên, nhưng do bên trong mũ không có lớp đệm hấp thụ xung động nên không có tác dụng bảo vệ khi tai nạn gây chấn thương sọ não, vì vậy cần liệt mũ dành cho người cưỡi ngựa vào danh sách loại mũ không phải MBH để xử phạt đối với người cố tình sử dụng loại mũ này khi tham gia giao thông”.

“Việc quản lý, kiểm tra do các cơ quan quản lý thị trường, cơ quan kiểm định chất lượng thực hiện. Còn việc xử lý theo tôi không cần phải tuân theo chế tài nào cả, bởi mũ không phải MBH là phải xử phạt (mũ cối, mũ nhựa…), bởi nếu nói là không có chế tài để phạt người đội mũ nhựa loại này thì tại sao lại phạt người đội mũ cối? Khi đưa vào danh sách mũ không phải MBH thì sẽ hạn chế được các hành vi “lách” luật của người sản xuất và người bán” - ông Tạo nói.

Cũng theo ông Tạo, việc phạt vào thời điểm nào, cách phạt như thế nào thì các cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn sẽ có những cuộc làm việc và tập huấn cụ thể để làm cho đúng về pháp luật.

“Lưu ý rằng tuyệt nhiên không lấy việc xử phạt làm nền tảng, làm mục đích. Việc phạt chỉ để nhắc nhở đối với những người hiểu biết nhưng cố tình vi phạm” - ông Tạo cho biết thêm.

Trong một diễn biến liên quan đến MBH, sau hơn 1 tháng triển khai chương trình đổi MBH không hợp quy lấy MBH hợp quy được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố và đã thu được những kết quả tốt.

Theo đó, cơ hơn 120.000 chiếc MBH được đổi và tiêu hủy. Số các đơn vị sản xuất MBH tham gia chương trình đổi mũ ban đầu từ 2 doanh nghiệp nay tăng lên 10 doanh nghiệp. Việc đổi mũ cũng bắt đầu chuyển từ khu vực dân cư sang khu vực trường học.

Cơ quan quản lý thị trường - Bộ Công thương đánh giá hiện không còn tràn lan các điểm bán MBH rởm trên vỉa hè, lòng đường như trước. Trong quá trình kiểm tra xử lý MBH không hợp quy chuẩn, cơ quan này cũng phát hiện một số hành vi “lách” luật, tự ý tăng giá để quy đổi MBH cho người dân và đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quỳnh Anh