Bình Định:

Lạ lùng một huyện có nhiều người bỗng dưng muốn... chết

(Dân trí) - “Tối vợ chồng còn nhỏ to chuyện trò, sáng mai ngủ dậy chẳng thấy đâu, nghĩ là vợ lên rẫy sớm như mọi ngày, nào ngờ bà ấy treo cổ chết ngoài vườn…”. Ông Đinh Văn Niễu (72 tuổi) ở thôn 2, xã An Quang (An Lão, Bình Định), ngậm ngùi kể lại.

Đó chỉ là một trong nhiều cái chết thương tâm của một bộ phận người dân đồng bào dân tộc thiểu số H’rê ở  huyện miền núi An Lão (Bình Định). Đến nay, tình trạng tự tử ở địa phương này vẫn còn là ẩn số.

Bỗng dưng muốn… chết

Câu chuyện tự tử mới nghe tưởng như đùa vẫn đang diễn ra âm ỉ tại các xã vùng cao như: An Quang, An Dũng, An Trung, An Hòa, An Vinh… thuộc huyện miền núi còn nghèo như An Lão - Bình Định. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ông Đinh Văn Niễu (72 tuổi) kể cho chúng tôi nghe cái chết bí ẩn của người vợ là Đinh Thị Nghiêm cách đây gần 4 năm.

Lạ lùng một huyên có nhiều người bỗng dưng muốn... chết
Những năm gần đây huyện miền núi đã được đầu tư điện đường trường trạm nhưng nhìn chung dân trí vẫn còn thấp.

“Buổi tối hai vợ chồng còn trò chuyện, tôi ngồi đan gùi bà ấy còn hỏi tui có thèm nước chè không để nấu. Tôi ngồi đan hết cái gùi rồi đi ngủ, tối đó bà ấy không ngủ với tôi. Sáng dậy không thấy vợ đâu, tôi tưởng bà đã lên rẫy rồi, nên lên đó tìm nhưng không có. Tôi vội vã về nhà thì thấy bà đã treo cổ tự tử ngoài vườn sau nhà chết từ bao giờ. Buổi tối, bà ấy ngồi than với tôi chỉ vì cái chân bị đau, trong một lần đi khám ở bệnh viện, có người nói bệnh của vợ tôi có chữa cũng vô ích, không khỏi được, càng già bệnh càng nặng nằm một chỗ. Tôi nghĩ có lẽ đó là nguyên nhân bà ấy thắt cổ chết”.  

Ông Niễu ngậm ngùi kể lại cái chết bí ẩn của người vợ.
Ông Niễu ngậm ngùi kể lại cái chết bí ẩn của người vợ.

Đinh Văn Hưng (26 tuổi) ở xã An Nghĩa là người bắn súng rất giỏi nhưng trong lần hội thao quân sự ở địa phương, do không hoàn thành bắn trúng mục tiêu nên bạn bè trêu chọc, thế là Hưng vào rừng thắt cổ tự tử.

Chuyện người đồng bào dân tộc thiểu số tự tử không còn quá xa lạ ở huyện miền núi này, nhưng điều đáng nói là có nhiều trường hợp là cán bộ có trình độ, nhận thức, nhưng đột nhiên cũng tìm đến cái chết rất vô lý khiến dư luận hoang mang.

Trường hợp anh Đinh Văn Hùng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy xã An Quang treo cổ tự tử sau vườn nhà là một ví dụ. Theo Công an huyện An Lão, tối ngày 27/4/2009, sau khi phụ giúp gia đình phía vợ lo đám cưới cho em, Hùng trở về nhà, có uống rượu. Khi về nhà, thấy vợ con đang xem tivi, Hùng bảo vợ tắt tivi để cùng ngủ nhưng vợ và con vẫn tiếp tục xem. Sau đó, Hùng vào nhà ngủ nhưng không hiểu vì lý do gì Hùng lặng lẽ ra vườn thắt cổ tự tử. Đến khuya không thấy chồng vào, vợ anh Hùng ra ngoài vườn tìm thì phát hiện anh Hùng đã treo cổ chết.

Góc vườn, nơi anh Hùng treo cổ tự tử.
Góc vườn, nơi anh Hùng treo cổ tự tử.

Đặc biệt, có không ít trường hợp tìm đến cái chết có cả người dân tộc kinh. Đó là trường hợp anh Lê Văn Điện (1963) xã An Dũng. Do làm ăn thua lỗ, vợ chồng lời qua tiếng lại, anh đã tự thắt cổ kết liễu đời mình. Hay mới đây, ngày 23/9/2011 là trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng (1980) thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa đã treo cổ tự tử để lại một bức thư tuyệt mệnh với lời nhắn: “Tôi chết bởi vì anh ấy đối xử lạnh nhạt…”.

Theo thống kê của Công an huyện An Lão, từ năm 2001 đến nay, toàn huyện đã xảy ra gần 160 trường hợp tự tử. Đặc biệt, trong ba năm trở lại đây đã xảy ra 25 vụ tự tử, chết 14 người, cứu sống được 11 người. Trung bình mỗi năm xảy ra 8 vụ tự tử, trong đó có trên 78% vụ tự tử là của người đồng bào dân tộc thiểu số H’rê, 13% vụ xảy ra ở người Kinh và 4% ở của đồng bào dân tộc thiểu số Bana.

Bài toán khó giải

Tỉnh Bình Đinh có khoảng 7.000 người thuộc dân tộc thiểu số H’rê, sinh sống chủ yếu ở huyện An Lão. Những năm gần đây, nạn tự tử trong cộng đồng này tuy có giảm nhưng vẫn còn âm ỉ kéo dài. Theo ông Nguyễn Duy Ánh, Phó Trưởng Công an huyện An Lão, người dân tìm đến cái chết hết sức đơn giản, đôi khi chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng cũng có những cái chết mà đến nay vẫn là một ẩn số chưa thể lý giải được.

Góc vườn, nơi anh Hùng treo cổ tự tử.
Họ sống khép kín, hiếm khi chuyện trò với nhau (trong ảnh chị Đinh Thị Soi, ở xã An Quang, ngại ngùng chia sẻ với PV).

Trao đổi về vấn đề này ông Phạm Văn Nam, Phó bí thư huyện ủy An Lão, cho biết: Nguyên nhân chính những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tâm thức người đồng bào. Thứ hai là do trình độ dân trí còn thấp, bà con chưa nhận thức được hậu quả của việc tự tử. Việc xóa bỏ vấn nạn này không phải một sớm một chiều, nhưng chúng tôi tin rằng, khi trình độ dân trí được nâng cao, nạn tử tử sẽ không còn xảy ra”.

Đã có sự giao thương nhưng về giao tiếp để hiểu nhau thì lại rất hạn chế.
Đã có sự giao thương nhưng về giao tiếp để hiểu nhau thì lại rất hạn chế.

Để hạn chế, tiến đến chấm dứt nạn tự tử, nghi cầm đồ thuốc độc của đồng bào dân tộc thiểu số H’rê, UBND huyện An Lão đã và đang tiếp tục triển khai 2 đề án: “Ngăn chặn nạn tự tử, tự sát; Ngăn chặn nạn cầm đồ thuốc độc gia đoạn 2 từ 2011 - 2015”. Huyện sẽ  tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân biết quý trọng tính mạng, cuộc sống của bản thân và cộng đồng, tiến tới giảm dần và xóa bỏ vấn nạn tự tử và nghi cầm đồ của bà con đồng bào.
 
Tuy nhiên, để giải quyết được tình trạng “bỗng dưng muốn…chết” là việc làm không hề giải đơn. Những cái chết nghe như “vô lý” vẫn còn diễn ra âm thầm ở cộng đồng thiểu số người H’re ở chốn núi rừng heo hút này đã và đang là bài toán khó giải đối với các cơ quan chức năng địa phương.

Doãn Công