NHÂN NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28-6:

Lá chắn gia đình đối đầu cạm bẫy mạng xã hội

Mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội đến gia đình ngày càng lớn. Nếu không biết cách sử dụng một cách khoa học, khôn ngoan, con cái chúng ta dễ bị cuốn theo những điều xấu, cạm bẫy trên Facebook (FB) là điều không thể tránh khỏi…

Cái kết đau lòng của một bé gái mới 15 tuổi bị tung clip ân ái lên mạng ở Đồng Nai mới đây gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc làm cha mẹ. Trong thời đại số, các bậc phụ huynh cần có ứng xử kịp thời.
Trẻ tìm đến cái chết vì bị ghép ảnh trên FB

Trẻ tìm đến cái chết vì bị ghép ảnh trên FB

. Tình huống: Cũng như vụ bé gái ở Đồng Nai, cách đây không lâu, cái chết của nữ sinh TL đang học lớp 12 tại TP Hà Nội tự tử chỉ vì một bức ảnh trên FB đã khiến cộng đồng không khỏi lo ngại.

Người thân của em cho biết em đã uống thuốc diệt cỏ trong phòng riêng, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Em L. có để lại một tờ giấy viết tay nói rằng em buồn bực khi có một số bạn nam trong lớp ghép ảnh chân dung mình vào ảnh linh tinh rồi đưa lên FB cho cả lớp cùng xem. Thấy vậy nhiều bạn đã trêu đùa, chọc ghẹo. Thậm chí khi L. phản ứng lại và dọa tự tử thì còn bị các bạn thách thức nên L. làm liều.

- Giải pháp: Đầu tiên chúng ta phải nhận định rằng việc em L. tự tử không chỉ do nguyên nhân bề nổi là tấm ảnh bị ghép trên FB, mà quan trọng hơn là việc em L. cũng như nhiều học sinh hiện nay đang thiếu khả năng tự ứng phó, cũng như việc chia sẻ về những vấn đề khủng hoảng mà mình gặp phải, do đó các em dễ dàng đi đến những giải pháp dại dột.

Ở trường hợp của L., em bị lẫn lộn giữa giá trị thật mình đang có và những giá trị ảo trên FB, chính vì vậy mà những câu trêu đùa, chọc ghẹo của bạn bè làm em cảm thấy rất tổn thương. Trong trường hợp này, các em chỉ cần xem nó như một trò đùa nhẹ nhàng và để thời gian trôi qua thì mọi thứ cũng sẽ không còn nặng nề như thế nữa.

Đây là một trong những cảnh báo cho vấn đề đùa giỡn quá lố và không để ý đến cảm nhận của người khác với những trò đùa của mình. Những trò đùa của tuổi học trò thường không có ác ý. Tuy nhiên, văn hóa trào phúng đám đông đang được hình thành trong cộng đồng mạng hiện nay với những công cụ hiện đại như chế ảnh, ghép ảnh… làm cho những trò đùa dễ dàng lan truyền đến một cộng đồng lớn và áp lực từ nhiều người cùng một lúc sẽ lớn hơn áp lực do một vài người trêu chọc rất nhiều.

Với phụ huynh, thứ nhất phải “lớn lên cùng với con” và thứ hai là “biết những gì con đang ưa thích”. Con cái lớn lên sẽ trải qua những giai đoạn tâm lý khác nhau và cần những cách chăm sóc, giáo dục, sâu sát và làm bạn với con khác nhau. Đặc biệt là những giai đoạn dậy thì và gần trưởng thành, tâm sinh lý của con cái khá bất ổn thì luôn cần cha mẹ gắn bó, hiểu và thay đổi cách tương tác với con cho phù hợp, cho con thấy cha mẹ luôn có thời gian lắng nghe mọi vấn đề của con và con có thể thoải mái chia sẻ mọi thứ. Con có chia sẻ thì cha mẹ mới biết rõ được mà can thiệp và hỗ trợ kịp thời. 

Ngày càng nhiều người nghiện xài FB

. Tình huống: Trong một buổi sinh hoạt kỹ năng tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, chị Nguyễn Diệu Luật có con học tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Gò Vấp bày tỏ lo ngại khi con chị bị “nghiện” FB. Chị cho biết trung bình mỗi ngày con phải dành hơn hai tiếng cho FB. Chị vô FB của con, chị thấy con đăng status và hình ảnh liên tục, kèm dưới đó là hàng trăm lượt thích và bình luận. Kết quả học tập của con xuống dần, nhiều khi cha mẹ gọi xuống ăn cơm hay đi đâu đó là con nhất quyết không nghe vì lo chat với bạn. Chị đã cấm con dùng điện thoại và máy tính nhưng không được vì con trở nên trầm cảm và hay bực bội, học hành vẫn không khá hơn.

- Giải pháp: Bên cạnh việc mất rất nhiều thời gian cho mạng xã hội ảo, người nghiện FB sẽ trở nên phụ thuộc vào thế giới ảo này, những giá trị ảo trở thành giá trị thật của mình, những cảm xúc, tâm tư bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì diễn ra trên thế giới ảo, từ đó dẫn đến xa rời những mối quan hệ và cảm xúc thật, với những tương tác thật trong cuộc sống. Lâu dần sẽ xuất hiện những căn bệnh tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, tâm thần phân liệt…

Để khắc phục tình trạng nghiện FB thì cần lưu ý mấy điều. Thứ nhất thì cũng như những quá trình cai nghiện khác, cần có liệu trình “cắt cơn” từ từ bằng cách giảm dần thời gian sử dụng và giảm dần những tương tác hằng ngày chứ không thể dùng biện pháp quá mãnh liệt, đột ngột sẽ dẫn đến những phản ứng tâm lý tiêu cực. Bên cạnh đó, cần cho người nghiện tìm lại được những giá trị của bản thân mình, ý thức được thế giới ảo và hào quang của nó không phải là mọi thứ mà mình có. Một trong những cách rất hay là các hoạt động liên quan đến thể thao, năng khiếu hoặc một sở thích của người đang nghiện FB. Hãy khuyến khích họ dành nhiều thời gian hơn cho những điều này trong thế giới thực, kết hợp với những tương tác tình cảm thực tế, những cuộc nói chuyện chia sẻ thoải mái với người thân, làm cho họ dần yêu trở lại cuộc sống thực này, khi đó tự họ sẽ có đủ sức mạnh để rời xa thế giới ảo.

. Tình huống: Cũng tại buổi sinh hoạt này, chị Lê Hòa Bình, phụ huynh có con học tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 cho hay con chị đang học lớp 9, thường xuyên xài FB. Con chị học giỏi, hòa đồng với bạn bè, ở nhà cũng lễ phép nhưng trên mạng hoàn toàn khác. Từ tên FB của con rất giang hồ, các status con viết rất bốp chát, sỉ vả người này, bêu riếu người kia, than thở này nọ. Nhiều hình ảnh “mát mẻ” cũng được con tự chụp và đưa lên để mọi người bình luận. Thậm chí con còn nói tục trên đó.

- Giải pháp: Ở độ tuổi teen, các em có một khao khát chứng tỏ mình rất mạnh mẽ và môi trường mạng xã hội là một trong những nơi tốt nhất để thực hiện điều này. Tính phổ biến và sự dễ dàng của những chia sẻ giúp các em có thể bộc lộ những khía cạnh khác trong con người mình, đôi khi đó chỉ là mong muốn được mọi người chú ý nhiều hơn, được thoải mái là một con người khác so với những gì mình phải cố gắng tỏ ra hằng ngày. Đôi khi các em nhầm lẫn khái niệm “sống thật” với sự buông thả trên mạng xã hội như vậy, cứ tưởng đó là thể hiện con người thật của mình trong khi thật ra đó chỉ là sự bắt chước những gì đang gây chú ý xung quanh. Điều này có thể để lại nhiều hậu quả lâu dài về sau vì những gì các em đăng tải có thể gây ra những hiểu lầm về con người thật của các em.

Phụ huynh cần hiểu tâm lý muốn độc lập, muốn được chứng tỏ của con, chính vì vậy những góp ý của phụ huynh không nên là những comment trực tiếp, công khai ngay trên những gì con viết, vì như vậy con sẽ cảm giác cha mẹ “kết bạn” để can thiệp thô bạo vào cuộc sống riêng của con, làm con xấu mặt trước bạn bè… vì vậy sẽ có những phản ứng quyết liệt.

Cha mẹ cần khôn khéo hơn, ghi nhận những biểu hiện của con, thậm chí ghi nhận lại những hậu quả của nó, sau đó lựa thời điểm thích hợp, thoải mái để trò chuyện với con một cách thân tình và bình tĩnh. Đồng thời có thể thông qua những biện pháp gián tiếp như nhờ những người mà con yêu quý và kính phục (thầy cô, người thân có uy tín với con) hoặc những người bạn thân của con để góp ý với con mình một cách khéo léo.

LƯƠNG DŨNG NHÂN, Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á-Thái Bình Dương

Theo Pháp luật TPHCM