Kỳ vọng lấy phiếu tín nhiệm không hình thức

(Dân trí) - UB TƯ MTTQ Việt Nam báo cáo Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 5. Nhiều cử tri quan tâm, lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao, ĐBQH nêu cao trách nhiệm để việc này được tiến hành thực chất, không hình thức.

Báo cáo được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UB TƯ MTTQ) lập trên 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội trong kỳ họp thứ 5, được Chủ tịch Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội trong ngày khai mạc kỳ họp.

Ban Nội chính sẽ làm chuyển biến tham nhũng?

Chủ tịch Cử tri Huỳnh Đảm cho biết, cử tri và người dân hoan nghênh việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử. Việc đó giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Trong lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh cao nhất của nhà nước, cử tri yêu cầu các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu cao ý thức trách nhiệm trước người dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Kỳ vọng lấy phiếu tín nhiệm không hình thức
Cử tri gửi gắm nhiều tâm tư, kỳ vọng vào các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp.

Để làm tốt việc này, các ý kiến đề nghị hướng tới quan điểm Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Cũng liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, nhiều cử tri đặt vấn đề mối liên quan với trách nhiệm phòng chống tham nhũng. Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện và tuân theo pháp luật đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công…

Việc thành lập Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu cùng với việc thành lập lại Ban Nội chính TƯ, Ban Nội chính ở các tỉnh, thành phố vừa qua được cử tri ghi nhận là động thái tích cực. Việc này sẽ giúp các cấp uỷ Đảng và chính quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cử tri gửi gắm nhiều kỳ vọng, trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng bày tỏ bức xúc vì tình trạng lãng phí vẫn diễn ra phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng, trong đầu tư, mua sắm tài sản công… Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; nhiều công trình dở dang do thiếu vốn hoặc xây dựng xong nhưng không khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng. Người dân nêu yêu cầu Quốc hội, Chính phủ phải có các giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đó.

Giá vàng quá “loạn”, sức mua giảm lớn

Về vấn đề đời sống, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Huỳnh Đảm cho biết, người dân ca thán vì kinh tế tiếp tục dấn sâu vào khó khăn. Từ đầu năm 2013 đến nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến số người mất việc làm tiếp tục gia tăng. Sức mua trong quý I/2013 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới hàng hóa tồn kho lớn.

Người dân cũng đề cập tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng.

Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng khó khăn. Đồng thời, các ý kiến nêu vấn đề, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước; tái cấu trúc các doanh nghiệp, kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Cử tri cũng gửi đến Quốc hội tâm tư về tình trạng khó khăn trong hoạt động nông nghiệp. Chẳng hạn, đời sống của ngư dân, diêm dân gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu cao, thời tiết không thuận lợi, ngư trường một số nơi bị nước ngoài đe dọa, giá cả đầu ra thấp và kiến nghị nhà nước tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, để người dân yên tâm sản xuất, góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

“Chỉnh” hướng tiếp thu góp ý sửa Hiến pháp hình thức

Về cuộc vận động, tổ chức góp ý sửa Hiến pháp 3 tháng trước, cử tri đánh giá đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, rộng khắp trong toàn xã hội, thu hút được sự quan tâm và sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan. Một số địa phương, cơ sở in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt.

Cử tri kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến cũng yêu cầu nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc, đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới Quốc hội.

Cử tri kiến nghị Quốc hội phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

P.Thảo