Ký ức về người “chấp bút” giúp vua Bảo Đại viết chiếu thoái vị

(Dân trí) - Khi phong trào Cách mạng tháng Tám diễn ra mạnh mẽ, nhiều người khuyên vua Bảo Đại nên dựa vào Nhật - Pháp chống lại Việt Minh. Riêng cụ Phạm Khắc Hòe - Tổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình Huế, lại khuyên vua Bảo Đại trao ấn kiếm, viết chiếu thoái vị.

Những câu chuyện về người cha - cụ Phạm Khắc Hòe (1901 - 1995) - Tổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình Huế luôn in đậm trong tâm trí ông Phạm Khắc Lãm. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Lãm cho biết, cha mình dù làm quan lớn trong triều đình Huế nhưng chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng, luôn muốn có chế độ mới thay thế chế độ cũ - thực dân phong kiến mà ông đã chán ghét từ lâu.

Ông Phạm Khắc Lãm cho biết, cụ Hòe về làm Tổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình Huế cũng là một cái duyên. Trước đó, từ năm 1940-1944, cụ Hòe làm Quản đạo Đà Lạt. “Triều đình đóng ở Huế nhưng vua Bảo Đại thường xuyên lên Đà Lạt săn bắn nên bố tôi lúc đó thường xuyên phải phục vụ vua. Từ đó, được Bảo Đại tín nhiệm đưa về Huế làm Tổng lý ngự tiền văn phòng”, ông Phạm Khắc Lãm nhớ lại.

bacphamkhaclam-1440990159498
Theo ông Phạm Khắc Lãm, dù cha mình là quan lớn trong triều đình nhà Nguyễn nhưng chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng

Theo ông Lãm, cha ông thường xuyên giao lưu với các nhân sỹ cách mạng như cụ Pham Bội Châu, Trần Phú… nên thông hiểu thời thế. Với cương vị là Tổng lý ngự tiền văn phòng, cụ Hòe nắm được nhiều bí mật của triều đình.

Khi Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra mạnh mẽ, sục sôi trong cả nước, nhiều vị quan trong triều đình nhà Nguyễn khuyên vua Bảo Đại nên dựa vào Nhật - Pháp chống lại Việt Minh. Riêng cụ Phạm Khắc Hòe lại khuyên vua Bảo Đại trao ấn kiếm, viết chiếu thoái vị. Điều đó, góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn từ bên trong.

“Làm Tổng lý ngự tiền văn phòng nên cha tôi có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với vua. Có thể nói cụ Hòe đã phát huy ảnh hưởng đó một cách tích cực nên phản đối Bảo Đại theo Nhật - Pháp chống lại Việt Minh. Điều đó được minh chứng bằng cuộc vận động gây sức ép bắt buộc Bảo Đại thoái vị và chính tay cụ Hòe soạn thảo chiếu thoái vị cho Bảo Đại”, ông Phạm Khắc Lãm nói.

cuhoe-3-1440989065372
Nguyên Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ Phạm Khắc Hòe (người đi sau Bác Hồ) trong một chuyến đi Pháp

Bảo Đại chấp nhận thoái vị, Chính phủ ở Hà Nội đã cử phái đoàn gồm ông Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiếu, Cù Huy Cận vào Huế để nhận ấn kiếm. Chiều ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại chính thức thoái vị, trao ấn kiếm lại cho chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên cửa Ngọ Môn, thành phố Huế.

Ít lâu sau sự kiện lịch sử đó, Bác Hồ đánh điện vào Huế mời Bảo Đại ra Hà Nội làm “tối cao cố vấn”. Khi đó, cụ Hòe cũng cùng Bảo Đại đi ô tô ra Hà Nội và được giao chức Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ - Bộ trưởng lúc đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông Lãm cùng một người em trai trong gia đình theo cha ra Hà Nội. Mẹ ông Lãm cùng em gái quay lại quê hương ở Hà Tĩnh.

Tháng 12/1946, Pháp đánh chiếm Hà Nội, cụ Phạm Khắc Hòe bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò, sau đó bị đưa đi Đà Lạt, xuống Sài Gòn. Thời gian đó thực dân Pháp liên tục dụ dỗ cụ Hòe theo chúng, dụ cho làm Thủ tướng “bù nhìn” của chúng ở Việt Nam. Dùng mọi cách không lôi kéo được, thực dân Pháp buộc phải đưa cụ Hòe ra Hà Nội.

“Thời điểm đó, tôi đã liên lạc được với Việt Minh, nắm rõ tình hình. Đến tháng 8/1947, tôi cùng với công an quận 6 Hà Nội đưa cụ Hòe ra, đi thẳng lên Việt Bắc”, ông Phạm Khắc Lãm nói.

cuhoe-1-1440989065364
Gia đình ông Phạm Khắc Hòe khi chưa ra Hà Nội nhận nhiệm vụ làm Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ

Khi các cơ quan Trung ương lên An toàn khu (ATK) Việt Bắc, Bảo Đại xin phép đi Hồng Kông rồi trốn luôn không về. Giữa năm 1947, cụ Hòe được cụ Hồ giao nhiệm vụ sang Hồng Kông tìm cách kéo Bảo Đại về nước hay ít nhất đưa ra lời khuyên Bảo Đại không theo giặc.

“Tuy nhiên, khi cụ Hòe chuẩn bị đi thì Pháp cho quân nhảy dù xuống Việt Bắc. Chuyến đi không thực hiện được. Từ đó, Bảo Đại lại bắt đầu trượt dài con đường bán nước”, ông Phạm Khắc Lãm cho hay.

Ở vùng ATK, cụ Phạm Khắc Hòe vẫn giữ chức Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Từ tháng 12/1957, cụ giữ chức Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng cho đến khi về hưu (tháng 10/1964).

Quang Phong