Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2012)

Ký ức về một thời sơ tán (tiếp theo)

Hè năm đó thật nhiều kỷ niệm về vùng đất mà sau này khóa chúng tôi sẽ sơ tán 3 năm tại đó và Trường thì sơ tán mãi đến khi Giải phóng miền Nam rồi mới trở về Hà Nội.

Rồi cũng đến lúc bom đạn rơi trên mảnh đất không hiểu vì sao vẫn được gắn với câu nói "Thăng Long phi chiến địa".

Hôm máy bay Mỹ ném bom khiến kho xăng Đức Giang, khi đó còn coi là ngoại thành bốc cháy đen kịt cả một góc trời, giống như một hiệu lệnh để lên đường trong trật tự, các trường đại học lên đường sớm nhất, các cơ sở sản xuất, rồi công sở lên sau. Bộ phận ở lại được phân công vẫn duy trì các hoạt động bình thường.
 
Người dân Hà Nội đi sơ tán trong những ngày cuối tháng 12-1972. Ảnh: Tư Liệu
Người dân Hà Nội đi sơ tán trong những ngày cuối tháng 12-1972. Ảnh: Tư Liệu

Số đông bạn bè của chúng tôi xuất thân từ nông thôn nên đến nơi sơ tán, ngoài việc học tập thì cuộc sống mới chẳng có gì xa lạ. Lên rừng lấy củi, gánh gạo hay bốc vác đồ đạc, giúp dân việc đồng áng, dựng lán đào hầm làm nơi học tập là những công việc họ đã quen từ bé. Chúng tôi, dân Hà Nội thì không đơn giản. Không biết gánh, khi theo lớp ra kho gạo để chuyển về bếp ăn, nhiều bạn kĩu kịt đòn gánh trên vai một cách thông thạo. Tôi và vài bạn ở thành phố chưa bao giờ đặt đòn gánh lên vai bèn nghĩ ra sáng kiến túm ống quần rồi đổ gạo vào trong, vắt ngang vai hay ngang cổ... Số gạo mang vác chẳng được là bao, lại bị lãnh đạo lớp phê bình là "tiểu tư sản thành thị" lười lao động.

Nhưng rồi bạn bè vẫn ghé vai gánh giúp, quen dần rồi cũng biết gánh, biết lên rừng vác củi, rồi gặt lúa, làm cỏ, tăng gia, biết vặt lông gà, làm thịt chó, chế biến lòng lợn, tiết canh. Có thể nói, những ngày sơ tán là thời kỳ kỹ năng sống được rèn luyện nhiều nhất. Sau này, có bạn phóng viên hỏi, những ngày đó thiếu thốn mọi điều thì việc học hành có chất lượng không? Các ngành học khác tôi không rành, nhưng với ngành sử thì đúng là thiếu đủ điều, tuy thư viện cũng được mang về vùng sơ tán nhưng sách vở, giáo trình cũng chẳng thể gọi là tốt được. Câu chuyện Giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà ở Khâm Thiên bị B-52 rải thảm, bao nhiêu giáo trình, sách vở để lại đều tiêu tan, duy chỉ có một giò phong lan không hiểu vì sao mà vẫn nguyên vẹn. Thầy đã mang giò lan ấy đi sơ tán và câu chuyện này được viết đăng ngay trên mục "Điện Biên Phủ-Hà Nội" của Báo Nhân Dân cùng với bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong những ngày cuối cùng của "Điện Biên Phủ trên không". Điều đáng nói là chính không khí hào hùng và thực tế sống động mà thế hệ sinh viên Khoa Sử chúng tôi sống nơi sơ tán khi đó đã góp phần trưởng thành nhận thức lịch sử không chỉ qua sách vở, điều mà các bạn trẻ sau này khó có thể có được.
Từ Thái Nguyên, nhìn những đàn máy bay của Mỹ rầm rập bay qua và những chiếc máy bay của không quân ta thoắt ẩn thoắt hiện cũng có thể hình dung được phần nào cuộc chiến tranh rất đặc trưng của chúng ta là du kích kết hợp với nhân dân. Thì chính chúng tôi dưới mặt đất chứng kiến cuộc sống của người nông dân trong những ngày chiến tranh ác liệt với khí thế ngày sản xuất, đêm văn nghệ, lúc có chiến sự thì vào vị trí chiến đấu. Những ngày hội tòng quân sôi nổi vẻ ngoài, đau đớn bên trong hay những lần đến chia sẻ với những gia đình nhận được tin báo tử v.v...

Đến những ngày B-52 đánh Hà Nội thì tôi đã trở thành cán bộ của Viện Sử học đi sơ tán ở Hiệp Hòa, Hà Bắc. Nhìn về Hà Nội, có thể thấy những vầng sáng của bom đạn cả hai phía từ trên ném xuống, từ dưới bắn lên... Nhưng dù có đi sơ tán thì cũng không bao giờ xa Hà Nội, dù rằng phương tiện duy nhất lúc đó chỉ là chiếc xe đạp mà không phải ai cũng có. Riêng từ Thái Nguyên về thì có tàu hỏa, chạy đêm, không có ánh đèn, ngồi chật như nêm, đôi khi chỉ đứng có một chân suốt mấy tiếng tàu chạy chậm rề rề và đôi khi phải dừng lại ở các ga xép nếu tình hình không an toàn. Hầu như không tháng nào không có mặt tại Hà Nội, công tác cũng có, kiếm cớ công tác thậm chí trốn về cũng có.

Nhà tôi có 5 khẩu, bà nội tôi già phải qua cầu về Bắc Biên bên Gia Lâm sống với các cháu họ. Mẹ tôi làm việc trong một xưởng may lại sơ tán ở làng Quán Gánh phía nam có món bánh dày nổi tiếng. Anh cả tôi thì làm việc ở Quảng Ninh, anh hai học ở Bách khoa trên Lạng Sơn, như thế mỗi người mỗi nơi, không hiểu làm thế nào một mình mẹ lo đủ cho cả gia đình với đồng lương rất eo hẹp nhất là khi chúng tôi còn trên ghế nhà trường... Đó là cảnh chung của rất nhiều gia đình Hà Nội khi đó... Chắc chắn ký ức về những ngày sơ tán sẽ là một phần của ký ức xã hội và như thế nó chính là một phần của lịch sử mà hình như ta thường ít nhắc tới bên cạnh những chiến công của những lực lượng vũ trang trực diện chiến đấu.

Chính những ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đang diễn ra và liên tưởng đến những gì cách đây vài năm xảy ra ở bên Nhật Bản làm ta suy nghĩ sâu sắc hơn về một thời đã qua. Nhật Bản chỉ bị thiên tai nhưng thực sự là một thảm họa khủng khiếp. Và người Nhật Bản đã vượt qua thử thách ấy bằng một tinh thần được cả thế giới khâm phục. Sự bình tĩnh, kỷ luật, ý chí và tình tương thân tương ái... những phẩm chất đó nếu nhìn lại những ngày chống chiến tranh phá hoại, đặc biệt là cuộc sơ tán gần nửa triệu dân vào cao điểm của cuộc đánh phá. Những người cùng thời với tôi đều còn nhớ, trong hoàn cảnh ấy chỉ với những chiếc xe đạp cũ kỹ, những đôi quang gánh truyền thống, chỉ trong một đêm, nửa triệu dân Hà Nội đã rời khỏi thành phố trong trật tự theo lệnh nhằm hạn chế những tổn thất về người. Cái hình ảnh cũng là ấn tượng về những ngày sơ tán ấy vô cùng sâu đậm khiến ngày nay chúng ta phải đặt thành câu hỏi: Với lòng tin như thế nào mà người ta có thể phó thác ngôi nhà của mình cho những người ở lại là chính quyền hay người hàng xóm mà không hề lo nghĩ có ai chiếm dụng? Phải có lòng tin thế nào mới sẵn sàng giao phó con cái của mình cho những người chẳng mấy thân thích... và đến đâu thì cũng gặp những người dân địa phương nơi mình sơ tán sẵn lòng nhường nhịn điều kiện sống tốt nhất trong chính căn nhà của mình cho khách lạ chỉ với một tấm lòng "nếu địch nó không bắn phá Thủ đô thì có bao giờ các bác đến nhà em?!" v.v... Nếu so với những gì vừa diễn ra ở Nhật Bản thì chẳng thấy có gì khác thường và nếu đặt câu giả định là "nếu bây giờ gặp tình huống ấy thì sự tình sẽ ra sao?".
Ký ức về một thời sơ tán có những điều không ai muốn lặp lại, nhưng cũng có những cái khiến ta tiếc nuối vì có lẽ nó sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

Những ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", có người hỏi tôi rằng: Khi đó anh đang ở đâu? Tôi trả lời rằng "Tôi đi sơ tán" mà không hề cảm thấy xấu hổ vì mình không có mặt nơi trận tiền. Vì sơ tán cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng đối với một dân tộc sẵn sàng đương đầu với bom đạn nhưng luôn tin tưởng vào tương lai. Vì hòa bình chính là biểu hiện chiến thắng của con người đối với chiến tranh.

Dương Trung Quốc

Theo Hà Nội mới