Ký ức sinh tử truyền lửa cho những bài giảng hôm nay

(Dân trí) - Từ bục giảng, thầy Nguyễn Văn Kỳ lên đường ra trận. 3 năm làm công tác đảm bảo thông tin liên lạc dọc rừng Trường Sơn, bao bận hút chết nhưng “bom đạn nó trừ mình ra”. Bước ra khỏi cuộc chiến, thầy lại cần mẫn với công việc “truyền sử” của mình.

Thầy giáo Nguyễn Văn Kỳ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Kỳ.

Tôi gặp thầy ở một quán cà phê giữa cái nắng hanh hao đầu đông. Chưa từng gặp mặt nhưng thầy cho tôi sự ấm áp, chân tình. Câu chuyện rời bục giảng ra trận của thầy giáo già cứ thế hiện về...

Theo sự phân công của Ty Giáo dục Nghệ An, năm 1971, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Kỳ (SN 1947) về nhận công tác tại Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Sông Con (Nghệ An). Cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc đã bước sang giai đoạn hết sức ác liệt, chiến trường cần chi viện nhiều sức người, sức của hơn. Lúc này, thầy Kỳ mới hoàn thành năm chủ nhiệm đầu tiên, mọi sinh hoạt, nền nếp của lớp vốn được xem là “quậy nhất trường” mới bắt đầu đi vào quỹ đạo nên nghỉ hè, thầy quyết định ở lại trường.

“Đó là một ngày hè đổ lửa, lệnh tổng động viên được phát về từng cơ sở. Tôi lúc đó thuộc diện được miễn vì có người em trai hi sinh ở chiến trường. Nhưng nợ nước, thù nhà, tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến đấu của toàn dân tộc được”, thầy Kỳ tâm sự. Cùng với cán bộ của Ty Nông nghiệp Nghệ An (đơn vị chủ quản của Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Sông Con), thầy Kỳ nhập vào đoàn quân “Nam tiến”.

Sau hơn 1 tháng huấn luyện, đoàn hành quân vào chiến trường. Ròng rã 3 tháng trời, ngày nghỉ, đêm đi đoàn cũng đến được nơi cần đến. Khi đó đã vào sâu trong một cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhiệm vụ của anh lính trẻ Nguyễn Văn Kỳ cùng các đồng đội là làm và đảm bảo thông suốt đường dây thông tin liên lạc tải 3.

Nếu đường dây này đảm bảo được sự bí mật trong công tác thông tin quân sự thì nó cũng là mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Không trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù nhưng nhiệm vụ của người lính thông tin không vì thế mà bớt gian khổ và nguy hiểm. Ăn rừng, lội suối, trèo đèo, sức vóc của những người vốn quen với bảng, với phấn tưởng chừng không chịu nổi. Những trận sốt rét rừng cứ bào mòn sức lực trai trẻ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Kỳ.
Bao hiểm nguy, vất vả, bao bận suýt chết nhưng thầy giáo Kỳ vẫn hóm hỉnh "chắc bom đạn nó trừ mình ra".

Cùng tiểu đội với thầy Kỳ còn có người học trò Hoàng Nghĩa Tiến. Học viên của Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Sông Con có khi bằng tuổi hoặc có khi còn hơn tuổi của thầy. Bởi vậy, khoảng cách thầy – trò gần như không có. Vào trận, thầy – trò lại trở thành đồng chí. Thầy trẻ , trò trẻ, giữa trận địa lại trở nên thân tình hơn. Có học trò bên cạnh, thầy cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ trường, nhớ lớp.

“Người tôi lúc đó chỉ nặng có 45kg nhưng phải vác những cuộn dây đồng lên đỉnh núi để dựng trạm, kéo đường dây. Hì hụi leo gần đến nơi thì cả người và dây lăn xuống vực. Ấy thế mà vẫn không sao, chỉ xây xước bề ngoài. Lại bám từng rễ cây, từng mỏm đá để trèo lên.

Có khi đi làm đường dây, cố gắng vít sợi dây đồng vào cọc sứ thì sợi dây bật ra, hất tung cả người lên không trung rồi... rơi tự do xuống. May mắn là rơi vào tán cây chò nếu không chắc cũng bỏ mạng ở giữa rừng sâu rồi”, thầy Kỳ kể.

Cái gian khổ của anh lính thông tin thật khó mà nói hết bằng lời. Nếu không đi dọn rừng, ngắm hướng để mở đường dây thì cũng lên giữ các trạm liên lạc chon von trên đỉnh núi hay dò dẫm giữa rừng trong đêm tối để tìm, nối các đoạn dây bị đứt, đảm bảo thông tin luôn lạc luôn thông suốt.

Thầy Kỳ nhớ lại: “Cứ mỗi trạm liên lạc hai người, đóng trên đỉnh núi cao. Có những khi hết lương thực, hết nước uống, một người ở lại, một người phải xuống núi để tìm lương thực. Cả đi lẫn về mất 2-3 ngày, hoặc người xuống núi chẳng đi đến đích. Gian khổ thế, hiểm nguy thế nhưng không ai nghĩ đến chuyện bỏ chốt.

Tôi vốn là cái anh nhát gan, sợ đủ thử ấy vậy mà vào rừng, đắm mình vào cuộc chiến đấu sinh tử của cả dân tộc thì dường như nỗi sợ hãi ấy đã bị đẩy lùi. Có nhưng đêm mưa rừng như xối, mò mẫm đi dọc các con suối để tìm và nối các đoạn dây bị đứt. Rừng Trường Sơn hồi ấy hổ, beo đầy rẫy, đi trong rừng chỉ nghe tiếng hổ gầm, anh yếu bóng vía chắc khó lòng mà trụ được.

Có lần đi nối đường dây, lội được qua suối thì nước lũ về, cuốn phăng phải đến 3-4m, may bám được vào thân cây ngã vắt xuống suối. Đường dây tải 3 song song với hệ thống đường ống dẫn dầu Bắc – Nam, bởi vậy mỗi khi đường ống dầu bị oanh tạc thì đường tải 3 cũng chịu chung số phận. Ấy mà không hiểu sao 3 năm ở rừng tôi chẳng bị thương, chắc bom đạn nó trừ mình ra”, thầy Kỳ cười.

Đầu năm 1975, đơn vị thầy Kỳ được lệnh thi công đường dây tải 3 từ Buôn Mê Thuột xuống Nha Trang. Đoàn quân cõng dây, máy, dao, kìm.. tốc hành lên đường để phục vụ chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam. Đôi chân sưng tấy đau buốt không dám nghỉ bởi nhiệm vụ đang hết sức gấp gáp. Nhưng cuộc chiến đấu của ta có những chuyển biến mau lẹ đến không ngờ, khi đến được Nha Trang cũng là thời điểm thành phố này được giải phóng. Chỉ một thời gian ngắn sau, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đơn vị được lệnh ngừng thi công tuyến đường tải 3 đang dang dở.

Thầy giáo Nguyễn Văn Kỳ.
Là giáo viên Lịch sử, những năm tháng tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước dã cho thầy nhiều bài giảng sinh động để "truyền" lòng yêu nước và yêu thích lịch sử cho nhiều thế hệ học trò.

Cùng với một số giáo viên khác, anh lính thông tin Nguyễn Văn Kỳ được điều về trường văn hóa của Bộ tư lệnh Trường Sơn. Những năm ở A Sầu – A Lưới (Thừa Thiên Huế) – là nơi bị địch rải nhiều chất độc hóa học – khiến thầy Kỳ bị bệnh ngoài da (hiện vẫn còn di chứng), phải chuyển về bệnh xá điều trị. Sức khỏe bị giảm sút, thầy Kỳ xin phục viên về công tác tại Ty Giáo dục Nghệ An. Sau một thời gian làm cán bộ quản lý, thầy được điều động về Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.

“Mấy chục năm trong nghề, niềm tự hào lớn nhất của tôi là lớp lớp con em đồng báo các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An trưởng thành, có vị trí nhất định trong xã hội. Nghỉ hưu ngót chục năm rồi nhưng các em vẫn nhớ, vẫn tìm về mỗi khi có dịp. Các em bảo, bao nhiêu năm trôi qua, vẫn ấn tượng với những bài dạy của thầy. Đối với bất kỳ người giáo viên nào thì đó cũng là niềm hạnh phúc rất lớn.

Những ngày tham gia chiến đấu đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn. Dạy lịch sử mà khô khan và giáo điều thì không hiệu quả, dễ sa vào lối mòn. Có sống trong những ngày sôi sục ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc, anh mới yêu, mới quý, mới hiểu được cả một giai đoạn chói lọi trong lịch sử của đất nước. Từ hiểu, yêu và quý thì tất nhiên bài giảng sẽ hay hơn, sinh động và tạo được hứng khởi cho các em học sinh đối với lịch sử”, thầy Kỳ tâm sự.

Hoàng Lam