Ký ức ngày đón đồng bào miền Nam 60 năm trước

(Dân trí) - Sự chuẩn bị gian nan, vất vả nhưng vẫn vui như hội. Khoảnh khắc gặp đồng bào miền Nam với những cái bắt tay son sắt nghĩa tình năm ấy chưa bao giờ mờ phai trong ký ức những người con Thanh Hóa.

Một ngày cuối thu, tôi trở lại thăm cảng Hới (Sầm Sơn- Thanh Hóa), nơi đây 60 năm trước đón đồng bào miền Nam ra tập kết. Tôi được nghe các cụ cao tuổi ở nơi này kể về những ngày tháng chuẩn bị đón đồng bào mà mường tượng ra hình ảnh của hơn nửa thế kỷ trước. Cảng Hới bây giờ đã khác xưa, những con tàu nườm nượp ra khơi, cuộc sống nhộn nhịp bán mua, chỉ có con người nơi đây là vẫn vậy, vẫn nghĩa tình sắt son như thuở 60 năm trước.

Công cuộc đón miền Nam ruột thịt

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, đất nước chia cắt làm 2 miền, đồng bào miền Nam được tập kết ra Bắc. Cảng Hới- Sầm Sơn là cảng đầu tiên đón đồng bào, chiến sĩ miền Nam dừng chân.

Tôi gặp cụ Trần Trí Hợi, trú tại thôn Toàn Thắng, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn. Cụ Hợi năm ngay đã ngoài 90 tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, tai cụ đã không còn nghe rõ, tưởng như cụ cũng đã quên đi nhiều  ký ức, nhưng với cụ những ngày đón đồng bào miền Nam vẫn còn in đậm trong tâm trí như mới hôm qua thôi. Cụ kể rành rọt từng thời điểm từ khi bắt đầu phát động làm đường, làm lán đón cán bộ, chiến sĩ cho đến khoảnh khắc đón đồng bào với những cái bắt tay, ôm thắm thiết.

Cụ cho biết, năm 1954-1955, cụ là bí thư chi bộ, chủ tịch UBND, vừa là Trưởng Công an xã Quảng Tiến – Quảng Xương (nay là phường Quảng Tiến- thị xã Sầm Sơn). Cụ là người được giao nhiệm vụ huy động nhân dân xây dựng hai khu lán được gọi là lán A và lán B để đón đồng bào miền Nam. Ngoài ra, mở cho được con đường dài 5km từ trung tâm thị trấn Sầm Sơn (thời điểm này Sầm Sơn đang trực thuộc huyện Quảng Xương) đến cảng Cửa Hới khẩn trương san lấp mặt bằng khu A, B rộng hơn 45.000m2 để dựng lán trại làm nơi đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết nghỉ ngơi. Đồng thời, phải nhanh chóng bắc 4 cây cầu phao nối làm cầu cảng để thuận tiện cho việc đón tiếp. 

Ông Trần Trí Hợi tự hào là người trực tiếp đón đồng bào miền Nam ra tập kết 60 năm trước
Ông Trần Trí Hợi tự hào là người trực tiếp đón đồng bào miền Nam ra tập kết 60 năm trước

Để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó, cụ Hợi đã huy động hàng trăm lao động là con em của địa phương ngược lên các huyện miền núi Lang Chánh, Bá Thước… đốn luồng, tre, nứa rồi vận chuyển về xuôi theo dòng sông Mã. Nhiều người dân ở khắp các huyện thấy vậy cũng kéo đến chung tay xây dựng.

Trong nhiều ngày liên tiếp, hàng nghìn người dân đủ mọi lứa tuổi đều trần lưng vận chuyển đất đá, hàng chục nghìn cây luồng để đắp nên con đường từ trụ sở của chính quyền xã ra tận mép nước của bến Sầm Sơn. Ở các khu lán, nhà bếp, trạm xá cũng được chuẩn bị chu đáo.

Cũng không thể nào quên được những ngày tháng 8/1954 chuẩn bị cho công cuộc đón đồng bào miền Nam ra tập kết, ông Trần Trí Trác (SN 1938, trú tại thôn Báo An- phường Quảng Tiến) kể lại: “Lúc bấy giờ ông là cán bộ Đoàn, cũng được phân công nhiệm vụ vận động thanh thiếu niên làm đường. Ngày ấy cả Quảng Tiến như một đại công trường. Người ra vào tấp nập, không ai bảo ai đều cố gắng hết sức để công việc nhanh được hoàn thành. Ai cũng háo hức chờ đón những người anh em miền Nam đầu tiên đặt chân ra đây.

Ông Trần Trí Hợi tự hào là người trực tiếp đón đồng bào miền Nam ra tập kết 60 năm trước
Ông Trần Trí Trác không thể quên được những ngày trần lưng làm đường, dựng lán để đón đồng bào miền Nam

Rồi ông bảo, ngày ấy trong trái tim mỗi người dường như đã luôn tâm niệm rằng Nam Bắc là người một nhà nên công việc dù vất vả, anh em vẫn rất hào hứng không có lấy nửa lời kêu ca phàn nàn, cứ tự nguyện lao động như thế. Chính vì vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, lán cũng như đường, tất cả đều được chuẩn bị chu đáo.

Ấm áp ân tình!

Ngày 15/10/1954, ngày đầu tiên, những chuyến tàu đưa đồng bào, chiến sĩ miền Nam cập cảng Hới. Trên đường, nhân dân Thanh Hóa đã treo băng rôn, biểu ngữ với những dòng chữ “Hòa bình cho Việt Nam”, “Nhiệt liệt chào đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc”... dọc suốt hai bên đường từ thị xã Thanh Hóa (nay là Thành phố Thanh Hóa)  xuống bến Sầm Sơn.

Trong đôi mắt của cụ Hợi lại như rực sáng khi gợi nhớ về cái ngày 15/10. Tất cả những con tàu lớn đó đều của Pháp, Ba Lan… lớn nên không thể vào tận nơi được. nhân dân lại được  huy động chèo hàng chục chiếc thuyền đánh cá ra tận nơi đón, dù có lúc gió mưa, sóng lớn. Trên bờ, hàng ngàn đồng bào ở Sầm Sơn và các huyện lân cận đứng chật hai bên đường chào đón”.

Càng Hới đón đồng bào miền Nam ra tập kết năm 1954
Càng Hới đón đồng bào miền Nam ra tập kết năm 1954 (Ảnh tư liệu)

Cụ Hợi nhớ lại: “Những cái bắt tay, cái ôm thắm thiết như những người ruột thịt đi xa lâu ngày trở về. Không hề có sự xa lạ. Sau khi đón đồng bào, chiến sĩ vào bờ, cơm nước đã được dọn ra tại các lán trại, chăn màn đã tinh tươm. Không để đồng bào miền Nam nhớ nhà, nhớ quê, nhân dân Sầm Sơn luôn động viên, sẻ chia, chăm sóc, tận tình, chu đáo...”.

Nhớ về những ngày “nhường cơm sẻ áo” cho đồng bào miền Nam, ông Trác hồ hởi kể: “Những năm đó, đồng bào Thanh Hóa đói vô cùng do mất mùa thế nhưng không ai bảo ai, đồng bào xứ Thanh đã đồng lòng giúp đỡ từ bó rau, mớ củi, con cá cho đồng bào miền Nam, với tinh thần tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Không còn dừng lại ở trách nhiệm mà là tình cảm như anh em một nhà”.

Tấm bia nhắc nhớ con cháu về mốc lịch sử diễn ra của 60 năm trước
Tấm bia nhắc nhớ con cháu về mốc lịch sử diễn ra của 60 năm trước

Từ tháng 10/1954 đến tháng 5/1955 công việc đón tiếp được hoàn thành. Nhân dân Sầm Sơn đã đón được trên 50.000  đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết.
 
Ngày nay, tại cảng Lạch Hới, UBND thị xã Sầm Sơn đã xây dựng một tấm bia có gắn bảng ghi dòng chữ: “Nơi đây, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam” để nhắc con cháu ghi nhớ mốc lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất này cách đây 60 năm về trước.

Bình Minh