1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ký ức Điện Biên Phủ trong phút phải bước qua xác đồng đội tiến lên

(Dân trí) - Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập… những địa danh đã làm nên một huyền thoại Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ký ức một thời ra trận máu lửa như khúc tráng ca vẫn vang mãi trong trái tim của những người lính năm xưa ấy.

Giây phút chưa bao giờ có thể quên
 
Một chiều cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà đại tá Nguyễn Huyên tại thôn Đại Nghĩa xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ở tuổi ngoài 80 nhưng người lính quân khí năm xưa vẫn còn rất rắn rỏi và tinh anh. Mỗi kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ được ông cất giữ nguyên vẹn trong trí nhớ của mình. Trong căn nhà bình dị và quen thuộc ở mỗi làng quê Việt, chúng tôi được cùng ông trở về những ngày tháng lịch sử cách đây 60 năm, khi cả nước hướng về Tây Bắc.

Ký ức về Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người lính già Nguyễn Huyên
Ký ức về Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người lính già Nguyễn Huyên

Đại tá Nguyễn Huyên sinh năm 1933, là con trai duy nhất trong gia đình. 17 tuổi ông trốn bố mẹ và vợ để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. “Cả một thế hệ chúng tôi, được đi lính phục vụ Tổ Quốc là niềm ước ao cháy bỏng. Ai cũng chỉ mong được cầm súng ra trận chiến đấu” - đôi mắt ông bừng sáng theo ký ức gọi về.
 
Vào quân đội, ông được phân công vào đại đội 248 thuộc trung đoàn 312 làm quân khí viên phụ trách quân khí và đạn dược. Tháng 11/1953, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, ông được điều lên trung đoàn 209 để đảm bảo vũ khí cho 3 tiểu đoàn suốt cả chiến dịch. Đầu tháng 3/1954, đơn vị ông là một trong 2 đơn vị chịu trách nhiệm cho trận đấu mở màn của chiến dịch tại đồi Him Lam. Do đây là trận đánh mở màn, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như gây tâm lý bất an cho địch nên được xác định là trận “phải thắng, phải kết thúc nhanh để loại trừ đòn phản kích lớn của địch”.

Ảnh chụp Đại tá Nguyễn Huyên trước khi lên đường nhập ngũ
Ảnh chụp Đại tá Nguyễn Huyên trước khi lên đường nhập ngũ

Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân ta đã nhanh chóng chiếm được đồi Him Lam, tiếp đến là đồi Độc Lập. Lúc này, ngoài nhiệm vụ đảm bảo quân khí cho chiến dịch, đại tá Nguyễn Huyên kiêm luôn làm hoa tiêu của các đơn vị vận tải vận chuyển hàng hóa đi tiếp tế cho các trung đoàn. Đây cũng là trận đánh để lại nhiều cảm xúc trong ông.
 
“Hôm đó, trời mưa tầm tã. Tôi phụ trách hoa tiêu đưa đường. Lúc này chiến dịch đang ở giai đoạn ác liệt. Trên đường đi, số anh em bị bắn và hy sinh rất nhiều trong khi lực lượng quân y chưa tới nên chiến sĩ phải nằm la liệt trên lối đi. Chúng tôi bần thần không dám bước. Có một đồng chí bị thương nặng, máu rỉ khắp người nhưng vẫn cố hô lớn: “Các đồng chí đi qua nhanh, chiến dịch đang cần, không phải lo cho chúng tôi”.
 
Khi đó, tất cả thành viên trong đoàn đều khóc nhưng vội bước qua để kịp thời vận chuyển hàng hóa lên trận tuyến” -  ông dừng câu chuyện, bùi ngùi nhớ về những đồng đội năm xưa. Đôi mắt của người lính già mờ đi, có lẽ 60 năm qua giây phút ấy vẫn trăn trở trong tâm can đại tá Nguyễn Huyên. “Giây phút phải bước qua xác đồng đội để tiến lên, chưa bao giờ tôi có thể quên. Sau chiến dịch, có người tìm thấy xác, người bị vùi lấp dưới đất cát. Thương các đồng chí, đồng đội của mình vô cùng…” - ông xúc động.

Niềm vui giản dị của người cựu binh Điện Biên.
Niềm vui giản dị của người cựu binh Điện Biên.

Một kỷ niệm đáng nhớ của đại tá Nguyễn Huyên là gặp lại người bạn niên thiếu của mình ngay tại hầm tướng Đờ - Cát. “Khoảng 6h tối, khi nghe thông báo tướng Đờ - Cát đã xin hàng, toàn bộ anh em vui mừng đều trèo lên khỏi hầm ăn mừng.  Suốt mấy tháng trời ngủ trong hầm nên khi lên khỏi mặt đất, mọi người không thể nói hết sự vui sướng. Đặc biệt, vừa leo lên khỏi hầm thì tôi gặp được một người bạn ngay cùng quê là anh Phạm Mạnh Lộc. Hai anh em rất bất ngờ, sau khi hỏi chuyện thì mới biết là anh Lộc đi lính năm 1953, sau tôi 3 năm, cùng ở đại đội 141 - một trong hai đơn vị đánh trận mở màn cho chiến dịch. Cũng nhờ gặp bạn mới biết thông tin ở nhà vì suốt 4 năm đi lính không có một thông tin của gia đình”, ông Huyên kể lại.

Sau chiến dịch ông Huyên mới có dịp về quê hội ngộ gia đình trước khi lên đường làm nhiệm vụ mới.

Trở về nhà khi đã được 3 đám giỗ của... bản thân

Trở về nhà sau 7 năm đi bộ đội biền biệt, ông Lê Xuân Năm (SN 1930) tại xã Đức An, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh không hề hay biết ở nhà đã làm đám giỗ ông được 3 năm.

Năm 1950, chàng trai Lê Xuân Năm là tân binh khóa 4 đại đội 256 thuộc trung đoàn 209, sư đoàn 312. Tại đây ông được giao nhiệm vụ làm khẩu đội trưởng thuộc tiểu đội pháo binh 1.

Tại chiến dịch, đơn vị ông làm nhiệm vụ hậu thuẫn bọc lót phía ngoài cho các tiểu đội khác tại sư đoàn 312. “Cái khó nhất của chúng tôi trong thời gian ấy là lương thực. Cứ 2 hoặc 3 ngày, lại cắt cử anh em lên rừng đào củ mài, rau tàu bay để ăn qua ngày. Mà nào có đủ, mỗi bữa, ai cũng chỉ nhón lấy một miếng nhỏ, dè xẻn cho nhau. Lắm lúc còn lấy bùn non ngay dưới chân để ăn đỡ đói. Thế nhưng, tuyệt nhiên chưa bao giờ trong chúng tôi nảy sinh một tâm lý chán chường, tự bản thân ai cũng động viên lẫn nhau hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao phó” - ông Năm nhớ lại.

Người lính pháo binh Lê Xuân Năm vẫn đang miệt mài với công tác khuyến học
Người lính pháo binh Lê Xuân Năm vẫn đang miệt mài với công tác khuyến học

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Năm lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới lại làm việc tại khu gang thép Thái Nguyên. Do điều kiện công việc cần kíp nên ông không thể liên lạc hay về quê. Đến năm 1958, ông Lê Xuân Năm mới có dịp về quê thăm gia đình. Sự trở về bất ngờ của ông khiến gia đình vỡ òa trong niềm xúc động bởi gần 10 năm qua gia đình đã nhận được tin báo tử của ông. “Năm 1953, có tin rằng tôi đã chết nhưng gia đình vẫn không tin. Sau 1954, kết thúc chiến dịch  Điện Biên Phủ vẫn không thấy tin tức nên gia đình ở nhà đã lập bàn thờ cho tôi”, ông Năm kể lại cuộc hội ngộ bất ngờ và xúc động sau cuộc chiến.

Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng người cựu binh Điện Biên Lê Xuân Năm vẫn không ngừng cống hiến. Trở về địa phương, ông tham gia nhiều hoạt động trong xã, từ hội cựu chiến binh, bí thư, hiện nay ông là chủ tịch hội khuyến học của nhánh dòng họ Lê Xuân tại xã Đức An. Hàng năm, ông vận động kêu gọi những mạnh thường quân trong họ lập quỹ dùng cho các hộ nghèo có con học giỏi vay vốn. Trong 10 năm qua, năm nào nhánh họ của ông cũng đều có học sinh đậu đại học. “Trong chiến tranh hay trong thời bình, tôi đều muốn cống hiến hết mình cho quê hương đất nước…”, đó chính là mong mỏi của người cựu binh Điện Biên - Lê Xuân Năm.

                                                                                                                                                                                                                                                             Phượng Vũ