“Kinh tế như chân ga, còn văn hóa như cái phanh xe ô tô”

(Dân trí) - “Phải nhận thức đúng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, như chân ga và phanh xe ô tô. Kinh tế như chân ga, để xe có thể lao đi rất nhanh. Khi xe lao nhanh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm thì còn văn hóa như cái phanh điều tiết lại”.

Trên đây là phát biểu của ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa của thành phố.

Ông Huỳnh Văn Hùng - GĐ Sở VH-TT Đà Nẵng: “Kinh tế như chân ga, còn văn hóa như cái phanh xe ô tô”
Ông Huỳnh Văn Hùng - GĐ Sở VH-TT Đà Nẵng: “Kinh tế như chân ga, còn văn hóa như cái phanh xe ô tô”

Phát triển văn hóa ở Đà Nẵng chưa tương xứng với phát triển kinh tế

Tại phiên chất vấn sáng 8/12 tại kỳ họp thứ ba - 2016 của HĐND TP Đà Nẵng, nhiều ý kiến chất vấn lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao về tình hình phát triển văn hóa chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng đặt câu hỏi: “Thực trạng các hoạt động văn hóa văn nghệ hiện nay còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thiếu công viên (hiện mỗi năm Tết đến, người dân chỉ chủ yếu có mỗi Công viên 29/3 để đến), thiếu các công trình thiết chế văn hóa. Rồi trung tâm văn hóa thành phố là nơi sinh hoạt, sáng tác, biểu diễn của văn nghệ sĩ thì từ năm 2008 tới nay đã di dời 4 lần. Vậy thành phố đã có chiến lược lộ trình để phát triển văn hóa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế? Kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa thành phố như thế nào?”.

Đại biểu Đoàn Xuân Hiếu băn khoăn, di tích văn hóa - lịch sử ở Đà Nẵng có số lượng ít nên càng phải trân quý hơn nơi khác. Vậy thành phố có cách nào để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích gắn liền với phát triển du lịch?

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng: Đà Nẵng có giải pháp nào để phát triển văn hóa tương xứng với tăng trưởng kinh tế?
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng: Đà Nẵng có giải pháp nào để phát triển văn hóa tương xứng với tăng trưởng kinh tế?

Trả lời các đại biểu, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng - cho biết: “Năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao- Du lịch công bố tỷ lệ đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng xếp thứ 41, nằm trong nhóm thấp nhất của cả nước. Một số công trình thiết chế văn hóa không những không được đầu tư xây dựng để phát huy chức năng mà còn bị chuyển nhượng cho doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử sụng. Nhưng đó là chuyện đã cũ. Từ năm 2014 trở lại đây, thành phố đã bắt đầu có sự đầu tư thỏa đáng, phù hợp cho phát triển văn hóa. Nhưng tính đường dài 20 năm qua thì đúng là phát triển văn hóa ở Đà Nẵng chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế”.

Ông Hùng chia sẻ, giải pháp phát triển văn hóa tập trung vào 3 yếu tố là nguồn lực kinh tế, cơ sở thiết chế, đội ngũ những người làm văn hóa. Nhưng quan trong nhất là phải nhận thức đúng về mối quan hệ cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa.

“Phải nhận thức đúng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, như chân ga và phanh xe ô tô. Kinh tế như chân ga, để xe có thể lao đi rất nhanh. Khi xe lao nhanh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm thì còn văn hóa như cái phanh điều tiết lại. Do đó, đừng nói văn hóa chỉ là chỗ tiêu tiền, đầu tư cho văn hóa là dư thừa” - ông Hùng nói.

Chuẩn bị thi THPT như thế nào khi phương án thi liên tục thay đổi?

Trong phiên chất vấn sáng 8/12, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến chất vấn lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng về chuẩn bị thi THPT cho học sinh cuối cấp trên địa bàn thành phố; tổ chức cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; chủ trương mở cổng, sáng đèn trường học vào ban đêm; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, nhất là trang bị bàn ghế trước hiện trạng bàn ghế hiện nay ở nhiều trường học không phù hợp với thể trạng của học sinh; việc tổ chức cho học sinh học bơi và các môn thể thao khác.

Nhiều vấn đề về giáo dục người dân quan tâm được đưa ra tại phiên chất vấn sáng 8/12 tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP Đà Nẵng
Nhiều vấn đề về giáo dục người dân quan tâm được đưa ra tại phiên chất vấn sáng 8/12 tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP Đà Nẵng

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Đà Nẵng nhìn nhận việc liên tục thay đổi phương thức thi THPT thay đổi giữa năm gây bức xúc dư luận. Khác biệt lớn trong phương thức thi THPT năm nay so với năm trước là ngoài môn Ngữ văn, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Từ ngày 4/10, Sở đã có công văn hướng dẫn cơ sở trường học, trung tâm Giáo dục thường xuyên về tổ chức ôn thi THPT cho học sinh, tinh thần bám sát văn bản hướng dẫn của Bộ, phân tích, bám ma trận đề thi. Đồng thời, tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh hiểu tinh thần, phương thức thi đổi mới. Trong học kỳ 2, ngành Giáo dục thành phố sẽ tiến hành khảo sát như phương án thi của Bộ. Hy vọng hỗ trợ học sinh có tâm thế chủ động chuẩn bị cho kỳ thi.

Về tiến độ tổ chức cho học sinh tiểu học 2 buổi/ngày thì hiện nay toàn thành phố đã có hơn 95% học sinh Tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ này có thể nói là dẫn đầu cả nước, được Bộ biểu dương. Sẽ sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Theo đó sẽ giãn chương trình, giảm áp lực học tập cho học sinh.

Lãnh đạo ngành Giáo dục Đà Nẵng cũng cho biết thêm, sắp tới sẽ tổ chức dạy thêm học thêm tập trung tại các trường học. Theo ông Vĩnh, việc tổ chức dạy học thêm tại nhà các giáo viên có nhiều bất tiện như điều kiện cơ sở vật chất phòng học hạn chế, nhiều nhà ở trong kiệt hẻm, phụ huynh đưa đón con em đi học khó khăn... Nên sẽ đưa về dạy học thêm tập trung ở trường học, thuận lợi cho phụ huynh và học sinh có điều kiện học tập đảm bảo hơn.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - GĐ Sở GD-ĐT Đà Nẵng: Sẽ tiến tới dạy thêm học thêm tập trung tại trường học
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - GĐ Sở GD-ĐT Đà Nẵng: Sẽ tiến tới dạy thêm học thêm tập trung tại trường học

Về việc bàn ghế ở các trường học không phù hợp với thể trạng học sinh, ông Vĩnh cho rằng do số học sinh tăng quá nhanh nên đâu đó vẫn còn tận dụng bàn ghế cũ đã đóng cách đây 15 - 20, không phù hợp với thể trạng của học sinh ngày nay. Thành phố đã phê duyệt cho ngành triển khai đề án trang bị bàn ghế mới đạt chuẩn hiện nay với kinh phí dự toán hơn 41 tỷ đồng.

Liên quan việc mở cổng trường học cho học sinh, phụ huynh, người dân có thể vào sinh hoạt ngoài giờ học sính khóa, đại biểu Nguyễn Bá Cảnh có đề xuất với các trường khuôn viên không đảm bảo cho học sinh sinh hoạt câu lạc bộ đội nhóm, học các bộ môn năng khiếu thì ngành Giáo dục có thể phối hợp với Thành đoàn tổ chức cho học sinh học tập, sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi thành phố mới được đầu tư xây dựng khang trang và đưa vào sử dụng từ 2 tháng nay.

Tâm An