Kiến nghị mở rộng đối tượng đền bù thiệt hại do Formosa gây ra

(Dân trí) - Phát biểu tại hội trường ngày 3/11, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng được hưởng tiền đền bù do sự cố môi trường biển mà Formosa gây ra.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, đến nay tỉnh này đã chi trả 50% số tiền tạm ứng đợt 1 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Quá trình chi trả đảm bảo trật tự, an toàn. Kiến nghị của cử tri về vấn đề môi trường biển được các cấp chính quyền ghi nhận và giải thích cụ thể.

Qua kinh nghiệm chi trả đợt 1, đại biểu Phan Ngọc Thọ kiến nghị Chính phủ tiếp tục chuyển 50% giá trị còn lại để có tiền đền bù, bồi thường đến bà con trong thời gian sớm nhất.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ kiến nghị mở rộng đối tượng đền bù thiệt hại do Formosa gây ra
Đại biểu Phan Ngọc Thọ kiến nghị mở rộng đối tượng đền bù thiệt hại do Formosa gây ra

Ngoài ra, theo đại biểu, công tác kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển được thực hiện với nhiều đối tượng, trong thời gian ngắn nên chưa đầy đủ. Thêm vào đó do đặc điểm địa hình, tập quán đánh bắt, nuôi trồng nên mỗi địa phương đều có những đối tượng đặc thù không thuộc các nhóm đối tượng quy định.

Do vậy, đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ tiếp tục cho nghiên cứu bổ sung đối tượng như kinh doanh dịch vụ ven biển; đánh bắt, nuôi trồng trong các đầm phá. Như vậy, sẽ đảm bảo mục tiêu các đối tượng bị ảnh hưởng thực sự được bồi thường, hỗ trợ kịp thời.

Về việc khắc phục, phục hồi môi trường biển, đại biểu Phan Ngọc Thọ cho biết, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nay môi trường biển 4 tỉnh được cải thiện, phục hồi theo cơ chế làm sạch tự nhiên.

“Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan trắc và áp dụng biện pháp xử lý môi trường cụ thể để sớm khẳng định biển phải sạch, hải sản phải sạch trên toàn bộ khu vực biển miền Trung”, đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, mở rộng các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại ngoài các nhóm đối tượng đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, vấn đề bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Vì việc đền bù này không thể thay thế được sinh kế ngàn đời nay của ngư dân là sống nhờ biển và bám biển. “Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực, cần thiết và sớm xử lý trả lại môi trường biển trong sạch cho nhân dân”, đại biểu đoàn Quảng Trị kiến nghị.

Tại hội trường, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chức năng thể hiện rõ thái độ, xử lý nghiêm khắc, rõ ràng với những cá nhân, tổ chức có liên quan vì đã gây ra hậu quả nghiêm trọng ở vùng biển miền Trung.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho biết, ngay ở tỉnh này - một địa phương gián tiếp bị ảnh hưởng mà đã thấy bao nhiêu khó khăn, vất vả của người dân vùng biển khi người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của biển, hàng trăm tấn hải sản không thể tiêu thụ, hàng trăm cơ sở chế biến ngừng hoạt động, ngành du lịch thì đình trệ, khó khăn…

Thay mặt cử tri Nghệ An, đại biểu Hiền đề nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch đối với những vùng biển ở Nghệ An an toàn, không bị ô nhiễm để người dân yên tâm sử dụng; hỗ trợ cho việc đánh bắt, chế biến, thu mua, tiêu thụ hải sản cho bà con ngư dân.

“Cử tri cũng đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong vụ Formosa”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đoàn Nghệ An nói.

Quang Phong