Kiên Giang lên tiếng về đoàn xe "người có uy tín đi học tập kinh nghiệm"

(Dân trí) - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết đã yêu cầu trưởng đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm của tỉnh này gỡ bỏ băng rôn có ghi dòng chữ "Đoàn người có uy tín tỉnh Kiên Giang đi tham quan và học tập Hà Nội và các tỉnh phía Bắc".

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh chiếc xe khách mang biển kiểm soát tỉnh Kiên Giang giăng băng rôn ở đầu xe: "Đoàn người có uy tín tỉnh Kiên Giang đi tham quan và học tập Hà Nội vá các tỉnh phía Bắc".

Đọc biểu ngữ, cộng đồng mạng thắc mắc không hiểu "người có uy tín" là như thế nào? Vậy những đoàn công tác học tập khác không có uy tín? Kiên Giang chỉ có một số người trên chiếc xe này là có uy tín?…

Kiên Giang lên tiếng về đoàn xe người có uy tín đi học tập kinh nghiệm - 1

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo trưởng đoàn công tác gỡ bỏ khẩu hiệu gây hiểu lầm cho người dân.

Liên quan sự việc trên, ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, ngày 15/11 vừa qua, đơn vị có tổ chức đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với hơn 20 người cùng tham gia. Tất cả những người đi theo đoàn (trừ tài xế và phụ xe) đều là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã được UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định công nhận.

Những địa phương có từ 30% dân số là người dân tộc thiểu số sẽ do chính cộng đồng nơi đó bình chọn ra người có uy tín để trình cấp thẩm quyền xét công nhận “Người có uy tín”.

Ông Phúc giải thích thêm, “người có uy tín” được thực hiện theo Quyết định số 12/2018 của Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, những người được công nhận phải thật sự là người có uy tín trong cộng đồng dân cư do có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội như vận động làm đường, xây cầu, xóa đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc tuyên truyền người dân chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật với mục đích phát triển kinh tế. Đa phần những người này đều có chức sắc trong đồng bào dân tộc hoặc trong ban quản trị của các ngôi chùa. Ngay cả những người có kinh tế gia đình khấm khá nhưng tham gia làm từ thiện và được người dân tại địa phương tín nhiệm cũng được đưa vào danh sách bình chọn.

Liên quan đến biểu ngữ nêu trên, ông Danh Phúc cho biết, để tránh hiểu nhầm, ông đã chỉ đạo trưởng đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm của tỉnh này gỡ bỏ băng rôn có ghi dòng chữ "Đoàn người có uy tín tỉnh Kiên Giang đi tham quan và học tập Hà Nội vá các tỉnh phía Bắc”.

Theo khoản 1, Điều 4 Quyết định số 12/2018 của Chính phủ có 5 tiêu chí lựa chọn người có uy tín gồm:

- Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

- Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc.

- Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư.

- Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Ngoài ra, Người có uy tín được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số tới hai lần mỗi năm, mỗi lần 500.000 đồng. Người này còn được hỗ trợ tới ba triệu đồng nếu bị ốm đau nếu ở cấp Trung ương. Người uy tín ở cấp huyện bị ốm được hỗ trợ 800.000 đồng mỗi năm.

Nguyễn Hành