Đà Nẵng:

Khuyến khích hoạt động du lịch, thương mại ở Hoàng Sa

(Dân trí) - Ngày 12/12, Sở TN-MT TP Đà Nẵng phối hợp UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo về “Quy định quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa”.

Một góc quần đảo Hoàng Sa được xây dựng tại Bảo tàng Đà Nẵng
Một góc quần đảo Hoàng Sa được xây dựng tại Bảo tàng Đà Nẵng
 
Năm 1997, Nghị định số 07/1997/NĐ-Cp của Chính phủ Việt Nam chính thức xác định thành lập một đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng có diện tích 305 km2 (chiếm 23% diện tích TP Đà Nẵng) với địa giới bao gồm quần đảo Hoàng Sa và các đảo san hô nằm cách đất liền khoảng 170 hải lý (325km) gồm các đảo Hoàng Sa, Đá Bắc, Tri Tôn, Linh Côn, Đá Tháp...

Quần đảo Hoàng Sa tuy chỉ gồm một số đảo nhỏ giữa biển Đông, có một thời không được các nước trong khu vực chú ý, không có cư dân sinh sống thường xuyên, chỉ có người Việt Nam ra khai thác theo mùa các tài nguyên như phân chim, tổ yến, san hô, hải sản… trong hàng thế kỷ.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự xuất hiện các khái niệm về chủ quyền, lãnh hải, sự ra đời của luật biển, khả năng khai thác tài nguyên biển, nhất là dầu khí… thì các quốc gia có tiềm năng và tầm nhìn xa bắt đầu nhòm ngó quần đảo này như một cơ sở khí tượng thủy văn; quan trọng hơn là một cơ sở hậu cần và là căn cứ quân sự chiến lược có khả năng khống chế biển Đông, đường giao thông và cả trên không trong khu vực…

Theo dự thảo, phạm vi không gian áp dụng quy định này là toàn bộ vùng biển thuộc huyện Hoàng Sa, được xác định là vùng nước và bãi biển nằm trong giới hạn của đường thủy triều cao nhất ra tới ranh giới hành chính của huyện.
 
Sơ đồ phác thảo quần đảo Hoàng Sa của tác giả Phạm Khôi
Sơ đồ phác thảo quần đảo Hoàng Sa của tác giả Phạm Khôi

Dự thảo cũng khuyến khích mở các tour du lịch, phát triển các dịch vụ du lịch, các dự án du lịch trên toàn địa bàn huyện Hoàng Sa… Khuyến khích cộng đồng cư dân tham gia các hoạt động du lịch, thương mại, văn hóa và các hoạt động khác phù hợp tại huyện Hoàng Sa với các quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng sẽ tăng cường và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, khuyến khích và có hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác tài nguyên biển huyện Hoàng Sa để góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo.

Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích mở rộng các tuyến giao thông, thăm dò khai thác khoáng sản, nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu, khai thác các đơn vị phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của TP Đà Nẵng nhằm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn trên biển huyện Hoàng Sa…

UBND TP Đà Nẵng giao các Sở ngành tổ chức thực hiện, trong đó Sở TN-MT là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện và thanh kiểm tra việc thực hiện các nội dung của quy định này.

Công Bính