Chủ tịch tỉnh Quảng Bình:

"Không có chuyện dự án 14 triệu USD thành phế liệu"

(Dân trí) - Liên quan đến dự án điện năng gần 14 triệu USD gây xôn xao dư luận những ngày qua, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định: “Không có chuyện dự án điện năng gần 14 triệu USD nguy cơ trở thành phế liệu. Dự án vẫn đang được triển khai”.

Cụ thể, theo ông Hoài, năm 2009, Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình (QBSC) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án sử dụng vốn ODA của Tây Ban Nha nhằm cung cấp điện cho các thôn, bản của 9 xã điện lưới quốc gia không đến được nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, quá trình khảo sát thực tế, tỉnh lộ 20 đi lên các xã miền núi như Tân Trạch, Thượng Trạch chưa được đầu tư xây dựng nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy nhà tài trợ Tây Ban Nha xin rút dự án.

Đến năm 2010, Chính phủ mới bổ sung Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình vào danh mục dự án ODA vay vốn ưu đãi của Hàn Quốc, giai đoạn 2008 – 2011. Ngày 26/11/2011, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3079/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư 13,783 triệu USD, trong đó vốn vay Quỹ Hợp tác phát triển Hàn Quốc 12 triệu USD và 1,783 triệu USD sử dụng vốn đối ứng.

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình: Không có chuyện dự án 14 triệu USD thành phế liệu

Bản Rào Con ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch là một trong nhiều địa phương ở Quảng Bình chưa có điện chiếu sáng (Ảnh: Đặng Tài)

Sau khi đấu thầu gói thầu Xây lắp và thiết bị, kết quả nhà thầu KT Corporation trúng thầu với giá trị hơn 7,3 triệu USD (giảm 2 triệu USD). Ngày 19/01/2015, Ban Quản lý Dự án QBSC ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu để thực hiện gói thầu xây lắp và thiết bị với trị giá hơn 7,3 triệu USD, thời gian thực hiện 24 tháng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án QBSC và nhà thầu đang giao nhận mặt bằng và triển khai thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Dự án điện Pin mặt trời chỉ cung cấp điện sinh hoạt thắp sáng, không thể sử dụng cho sản xuất kinh doanh. Hơn nữa thời gian sử dụng không lâu dài, ổn định. Trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khu vực biên giới, hải đảo, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cho tỉnh Quảng Bình được tham gia Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2012 – 2020. Đề nghị của tỉnh Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Để dự án sớm triển khai, Bộ Công thương cũng đã có công văn hướng dẫn lập dự án đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Bình. Từ đó, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương làm chủ đầu tư, tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư để trình các Bộ, ngành Trung ương có ý kiến thỏa thuận, thẩm định nguồn vốn dự án.

Đến ngày 16/10/2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình tại Quyết định số 2908/QĐ-UBND. Công trình có tổng mức đầu tư 368 tỉ đồng, phục vụ điện lưới cho 15 xã với 110 thôn, bản.

Qua rà soát nội dung Dự án Cấp điện nông thôn và Dự án QBSC, để tránh chồng lấn gây lãng phí, ngày 06/12/2014, UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với Sở Công thương, Ban Quản lý Dự án QBSC và các sở, ngành liên quan nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của Dự án QBSC và Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao Sở Công thương chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với Ban Quản lý Dự án QBSC khảo sát, rà soát kỹ Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình để tham mưu nhằm điều chỉnh lại Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tại Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 16/10/2014, đảm bảo yếu tố kết hợp giữa hai dự án, phát huy hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình: Không có chuyện dự án 14 triệu USD thành phế liệu

Dự án QBSC và Dự án Cấp điện nông thôn đi vào hoạt động sẽ chấm dứt cảnh phải sống cảnh thiếu điện chiếu sáng như hiện nay (Ảnh: Đặng Tài)

Trả lời PV Dân trí, trong quá trình triển khai, có thông tin cho rằng, Dự án QBSC và Dự án Cấp điện nông thôn đã chồng lên nhau, nguy cơ gần 14 triệu USD trở thành phế liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài lý giải, nhìn vào hình thức bên ngoài, nhiều người nghĩ rằng, dự án chồng lên dự án, nhưng thực chất không phải như thế.

“Dự án điện Pin mặt trời chỉ cung cấp điện sinh hoạt thắp sáng, không thể sử dụng cho sản xuất kinh doanh, trong khi nhiều nơi trên địa bàn này đang rất cần điện lưới để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Còn việc đề xuất tháo dỡ các thiết bị để lưu vào kho là tháo dỡ một số điểm Pin mặt trời cũ, đã lắp đặt trước đó rất lâu, kém phát huy hiệu quả chứ không phải các thiết bị thuộc Dự án QBSC gần 14 triệu USD”, ông Hoài nói.  

Ông Hoài khẳng định, dự án điện năng gần 14 triệu USD không thể trở thành phế liệu, bởi hiện nay dự án này vẫn đang triển khai bình thường nhằm phục vụ nhu cầu điện thắp sáng sinh hoạt cho 46 thôn, bản tại 9 xã thuộc 4 huyện trên địa bàn toàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã cam kết sẽ triển khai dự án theo đúng các nội dung của dự án đã được phê duyệt và đưa vào khai thác đúng thời gian, phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo điện cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu.

Riêng về Dự án Cấp điện lưới nông thôn từ lưới điện quốc gia, theo ông Hoài, vì lý do tỉnh đang xem xét để điều chỉnh nhằm đảm bảo đảm dự án đạt kết quả cao nhất nên chưa triển khai.

Ông Hoài cũng cho biết thêm, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Dự án QBSC và Dự án Cấp điện nông thôn, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ, đề xuất điều chỉnh dự án nhằm đảm bảo được các yêu cầu những thôn, bản thuộc Dự án Pin mặt trời thì sẽ không kéo điện lưới vào nữa, tránh tình trạng chồng lên nhau, gây lãng phí; điện lưới của Dự án Cấp điện nông thôn chỉ phục vụ sản xuất kinh doanh và những nơi chưa có điện Pin mặt trời, đồng thời yêu cầu Sở Công thương thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường và Công ước của Liên Hợp Quốc về Bảo vệ di sản trong quá trình triển khai dự án.

Đặng Tài - Văn Lịnh