1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không cần thiết quy định các điều kiện an toàn PCCC với ô tô 4 chỗ ngồi"

(Dân trí) - Bộ Công an cho rằng mục đích sử dụng của phương tiện giao thông cơ giới 4 chỗ ngồi chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình, nên không cần thiết phải quy định các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với loại hình phương tiện này.

“Không cần thiết quy định các điều kiện an toàn PCCC với ô tô 4 chỗ ngồi - 1

Cháy nổ diễn biến phức tạp suốt 5 năm qua.

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 79/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy (2014 - 2019) mới được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp, cả nước đã xảy ra 16.876 vụ cháy, làm chết 462 người, bị thương 929 người; về tài sản ước tính gần 8.000 tỷ đồng và 6.400 ha rừng.

“Trung bình mỗi năm xảy ra trên 3.300 vụ cháy, làm chết 92 người, bị thương 186 người. Trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4,4 tỷ đồng và 3,5 ha rừng”-báo cáo cho hay.

Bộ Công an đánh giá, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, khó lường, mặc dù đã được kiềm chế so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song số vụ cháy, số người chết và thiệt hại về tài sản vẫn có dấu hiệu gia tăng.

Trong đó nổi lên là tình hình cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà trọ với quy mô nhỏ nhưng gây thiệt hại lớn về người; cháy tại các chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng có chiều hướng gia tăng, làm chết nhiều người.

Xảy ra nhiều vụ cháy tại các chợ, trung tâm thương mại và loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí như karaoke, vũ trường… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Số vụ cháy lớn mặc dù chỉ chiếm dưới 1% tổng số vụ cháy hàng năm, tuy nhiên thiệt hại do cháy lớn chiếm trên 70% tổng thiệt hại. Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng thường tập trung chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như chế biến gỗ, dệt may, bông sợi, giấy, bao bì, mút xốp… Trong đó, số cơ sở để xảy ra cháy lớn nằm trong các khu công nghiệp chiếm khoảng 40% tổng số vụ cháy lớn.

“Không cần thiết quy định các điều kiện an toàn PCCC với ô tô 4 chỗ ngồi - 2

Quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy từng gây ra tranh cãi gay gắt.

Nhà trọ, thẩm mỹ viện, trung tâm anh ngữ,… chưa được quản lý

Theo quy định, phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

“Thực tế hiện nay cho thấy, việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông 4 chỗ ngồi là không phù hợp, do kích thước xe nhỏ trong khi quy định phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn… nên việc bố trí, sắp xếp là hết sức khó khăn”-Bộ Công an cho hay.

Ngoài ra, mục đích sử dụng của phương tiện giao thông cơ giới 4 chỗ ngồi chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Một số sử dụng để vận chuyển hành khách (hầu như không vận chuyển hàng hóa trên xe 4 chỗ) do đó không cần thiết phải quy định các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình phương tiện này, nhất là trước khi đưa vào hoạt động các phương tiện này đã được cơ quan đăng kiểm kiểm tra, kiểm định bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, hiện nay việc phân loại một số cơ sở thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy còn chưa sát với mức độ nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở. Ví dụ như với loại hình vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người là những cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao mặc dù diện tích nhỏ (có nhiều thiết bị tiêu thụ điện, thiết bị sinh nhiệt) nhưng quy định khối tích từ 1.500m3 trở lên mới phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; quy định gara ô tô có sức chứa từ 5 chỗ trở lên phải thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy là chưa phù hợp vì thực tế nhiều gara có sức chứa 5 chỗ nhưng diện tích rất nhỏ.

Danh mục các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy còn quy định chung chung, chưa cụ thể về quy mô, kích thước, khối lượng chất dễ cháy, nổ.

Nhiều loại hình cơ sở đã tồn tại từ lâu hoặc mới phát sinh trong thực tế nhưng không được đưa vào quản lý: Nhà trọ, thẩm mỹ viện, trung tâm anh ngữ, trung tâm năng khiếu nhạc, họa, cơ sở phục hồi chức năng, cửa hàng bách hóa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vào hoạt động nhà in, trang trại chăn nuôi, phương tiện thủy vận chuyển xăng dầu, hành khách….

Do đó, Bộ Công an đề nghị cần liệt kê đầy đủ các loại hình hoặc quy định theo hướng mở, theo tính chất, công năng của công trình để tránh bỏ lọt cơ sở.

Thống kê của Bộ Công an cho biết, trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trực tiếp dập tắt khoảng 12.360 vụ cháy, bảo vệ được khối lượng tài sản, hàng hóa trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nhiều vụ, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã kịp thời khống chế cháy lan, cháy lớn, bảo vệ được khối lượng lớn tài sản và trực tiếp tổ chức cứu nạn, hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy.

Nhiều vụ cháy lớn xảy ra tại các khu dân cư tập trung, chợ, các cơ sở kinh tế trọng điểm, lãnh đạo UBND cấp tỉnh, lãnh đạo Bộ chủ quản phối hợp với Bộ Công an đã trực tiếp đến tận hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy và đặc biệt là việc giải quyết hậu quả của các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Qua đó, kịp thời ổn định được đời sống sinh hoạt của nhân dân và khôi phục sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân. 

Thế Kha